Những biến số tài chính đáng chú ý của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã Ck: REE) có 'đàn con' khá đông đúc, với 16 công ty con, 19 công ty liên kết. Bên cạnh đó chưa kể các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác dàn trải làm sụt giảm lợi nhuận của REE thời gian qua.

Một trong số những dự án thủy điện được Công ty cổ phần Cơ điện lạnh đầu tư

Một trong số những dự án thủy điện được Công ty cổ phần Cơ điện lạnh đầu tư

Nợ khó đòi tăng nhanh

REE kinh doanh đa lĩnh vực như cơ điện lạnh, bất động sản, hạ tầng điện và nước. Năm 2020, doanh thu toàn công ty đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước đó nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 93,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.628 tỷ đồng, giảm nhẹ 10 tỷ đồng so với cùng kỳ và xem như hoàn thành kế hoạch được giao.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, mảng cơ điện lạnh đạt 3.474 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ và đóng góp 62% vào tổng doanh thu. Lợi nhuận từ mảng này mang lại gần 226 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và chỉ đóng góp khoảng 14% vào tổng lợi nhuận sau thuế của công ty.

Mảng bất động sản mang về 948 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 17% về doanh thu, nhưng mảng này mang về đến 514,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm 31,6% tổng lợi nhuận sau thuế đạt được. Trong đó, phần lớn lợi nhuận của mảng bất động sản đến từ cho thuê văn phòng, đạt 478 tỷ đồng – đây cũng là lĩnh vực mang về phần lớn doanh thu cho mảng bất động sản. Trái ngược với bức tranh màu sáng của mảng văn phòng cho thuê, mảng phát triển bất động sản của các công ty thành viên của REE không mấy khả quan.

Năm 2020, lợi nhuận sau thuế từ mảng này chỉ đạt 36,9 tỷ đồng, đạt 34,1% so với kế hoạch đề ra. Theo lý giải của công ty, các công ty thành viên, liên doanh liên kết mảng bất động sản gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng… dẫn đến không có dự án nào được cấp phép triển khai xây dựng ra sản phẩm nên doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch đặt ra.

Đối với mảng điện và nước là nhóm ngành mang lại khoản lợi nhuận sau thuế lớn nhất cho REE với 929,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 57% về lợi nhuận, trong đó riêng kinh doanh điện mang về hơn 670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nhóm ngành điện và nước đóng góp 1.178 tỷ đồng vào tổng doanh thu, chiếm 21% tổng doanh thu và đạt mức tăng trưởng trên 49% so với năm 2019.

Biến động tài chính đáng chú ý nhất trong năm 2020 là sự tăng vọt của các khoản phải thu ngắn hạn. Số liệu các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm đầu năm chỉ là 2.138 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên tới 3.082 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 44%).

Trong cơ cấu cụ thể, khoản mục chủ yếu làm tăng các khoản phải thu ngắn hạn đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, với mức tăng từ 906,4 tỷ đồng (đầu năm) lên 1.340 tỷ đồng (cuối năm).

Cùng với sự tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn, rủi ro thu hồi nợ cũng tăng theo khá rõ, với các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng từ 60,2 tỷ đồng vào đầu năm lên 94,9 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 57,6%).

Bên cạnh đó, công ty này có “đàn con” khá đông đúc, với 16 công ty con, 19 công ty liên kết; chưa kể các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh. Chính sự bấp bênh trong các khoản đầu tư vào các công ty con, liên kết và hoạt động kinh doanh của chính các công ty này đã làm sụt giảm lợi nhuận của REE thời gian qua.

Lần đầu không trả cổ tức

Điểm nổi bật trong năm 2020 của REE là lĩnh vực năng lượng tái tạo được khởi động mạnh mẽ, nguồn lực tài chính và đội ngũ được huy động cho mục tiêu phát triển và xây dựng các dự án mới như dự án Thủy điện Thượng Kon Tum phát điện vào tháng 3/2021, đã hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành COD 86 MWp điện mặt trời mái nhà.

Các dự án điện gió đang xây dựng và sẽ hoàn thành vận hành COD vào tháng 10/2021, dự án điện gió gần bờ Trà Vinh V1-3 có công suất 48MW; 2 dự án điện gió trên đất liền là Phú Lạc 2 với công suất 29MW tại Ninh Thuận và Lợi Hải 2 với công suất 26MW tại Bình Thuận.

Lên kế hoạch cho năm 2021, REE đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng cho lĩnh vực sản xuất điện là 1.610 tỷ đồng và 646 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm, công ty tiếp tục quản lý và vận hành 3 dự án điện gió đang triển khai. Theo REE, mảng điện còn "room" khá rộng do đó công ty kỳ vọng thực tế sẽ tăng trưởng cao hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Dù hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm, nhưng hội đồng quản trị cơ điện lạnh REE vẫn trình phương án phân phối lợi nhuận, trong đó không chia cổ tức năm 2020 nhằm mục tiêu tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận để đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Đây là năm đầu tiên sau 11 năm REE không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Bên cạnh đó, REE cũng trình phương án mang hơn 1 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ ra bán ưu đãi cho nhân viên quản lý, do có thành tích kinh doanh xuất sắc. Giá bán xác định 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến thành 2 đợt, đợt 1 trong năm 2022 và đợt 2 trong năm 2023.

Về mặt bằng giá cổ phiếu trong năm qua, giá cổ phiếu REE đã tăng gần như gấp đôi từ 31.800 đồng/ cổ phiếu tháng 5/2020 lên 55.3200 đồng/cổ phiếu tháng 5/2021. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, rủi ro của REE còn đến từ việc phụ thuộc vào thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng mảng thủy điện và quá trình xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, dự án Thượng Kon Tum chậm tiến độ hoạt động, làm sụt giảm sản lượng điện được huy động trong năm.

Khai sai thuế, bị phạt và truy thu gần 1,4 tỷ đồng

Tháng 2/2021, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) do có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, khai sai chi phí được trừ dẫn đến thiếu tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Do đó, REE bị phạt hành chính hơn 208 triệu đồng và truy thu thuế là hơn 1 tỷ đồng bao gồm truy thu thuế giá trị gia tăng và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp; thu tiền chậm nộp tiền thuế là hơn 141 triệu đồng.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-05-17/nhung-bien-so-tai-chinh-dang-chu-y-cua-cong-ty-co-phan-co-dien-lanh-104079.aspx