Những biện pháp chống Covid-19 lạ lùng trên thế giới

Dưới đây là các cách thức lạ lùng trong cuộc chiến chống Covid-19 được một số quốc gia và các địa phương trên thế giới thực hiện.

Cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới đang thay đổi mạnh mẽ khi các quốc gia và các nhà chức trách địa phương thực hiện các biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khi cho phép các chức năng của xã hội được thực hiện ở một mức độ nào đó.

Cảnh tượng nhìn từ trên cao cho thấy những con đường vắng vẻ ở quận Beyazit, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần. Ảnh: CNN

Cảnh tượng nhìn từ trên cao cho thấy những con đường vắng vẻ ở quận Beyazit, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần. Ảnh: CNN

Trong khi nhiều quốc gia đang thử nghiệm những công nghệ mới nhằm hạn chế đi lại để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh lần thứ 2, thì các quốc gia khác cố gắng thực hiện các chiến lược có phần nghiêm ngặt để ngăn chặn các ca mắc Covid-19 mới. Dưới đây là các cách thức lạ lùng trong cuộc chiến chống Covid-19 được một số quốc gia trên thế giới thực hiện.

Lớp học 2.0

Với nhiều quốc gia, các trường học sẽ cần phải mở cửa trở lại đầu tiên để các bậc phụ huynh có thể quay trở lại làm việc và việc học của học sinh không bị gián đoạn.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trò chuyện với các học sinh đang ngồi cách nhau 2 mét trong ngày mở cửa trở lại của Trường Lykkebo ở Copenhagen. Ảnh: CNN

Đan Mạch đang cho thấy điều này có thể thực hiện như thế nào, bắt đầu từ những học sinh dưới 12 tuổi. Sân trường sẽ được chia thành các khu vực khác nhau và các bàn học trong lớp sẽ được đặt cách nhau 2 mét. Học sinh vẫn đi học và có thời gian giải lao giữa các tiết học, nhưng sẽ phải rửa tay khi đến trường và 2 tiếng/lần cũng như ở ngoài trời nhiều nhất có thể. Những bề mặt như bồn nước, toilet hay tay nắm cửa đều được khử trùng 2 lần/ngày.

Thẻ miễn dịch

Chile sẽ bắt đầu cấp thẻ miễn dịch số vào tuần này để những người mắc Covid-19 đã hồi phục có thể quay lại cuộc sống bình thường, các nhà chức trách y tế nước này cho biết hôm 20/4.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock vào đầu tháng này cho biết Anh đang "xem xét" ý tưởng về một "chứng chỉ miễn dịch" hoặc hộ chiếu miễn dịch để những người có kháng thể với virus SARS-CoV-2 có thể "quay trở về cuộc sống bình thường nhiều nhất có thể".

Anthony Fauci - Giám đốc Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng quốc gia Mỹ nhận định, ý tưởng người dân Mỹ mang theo các chứng chỉ miễn dịch khi ra ngoài "sẽ hữu ích trong những tình huống nhất định".

Chỉ phong tỏa vào cuối tuần

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện lệnh phong tỏa chỉ vào cuối tuần với lệnh giới nghiêm 48 giờ được áp dụng với 3/4 đất nước tại 31 tỉnh.

Tuy nhiên vào thời gian trong tuần, lệnh ở nhà chỉ áp dụng với những người dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi. Tất cả công dân khác về lý thuyết đều được phép ra ngoài mặc dù nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đóng cửa, các nhà hàng chỉ mở cửa để giao hoặc nhận hàng, các nơi công cộng như công viên bị hạn chế thời gian mở cửa và các ngân hàng cũng chỉ làm việc trong thời gian nhất định.

Xứ Navajo ở bang Arizona cũng thực hiện nghiêm ngặt lệnh phong tỏa cuối tuần khi người dân không được phép rời khỏi nhà.

Tại Libya, người dân "chỉ được phép đi bộ" từ 7h đến 12h trưa và các cửa hàng chỉ mở cửa trong thời gian đó.

Giới hạn đi lại theo độ tuổi

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quyết định giới hạn đi lại theo độ tuổi. Ở Thụy Điển, những người từ 70 tuổi trở lên được khuyến cáo ở nhà. Đầu tháng này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Warwick ở Anh đã đề xuất những người trẻ tuổi từ 20 - 30 tuổi không sống cùng cha mẹ nên được giải phóng khỏi lệnh phong tỏa trước tiên.

Giới hạn đi lại theo giới tính

Tổng thống Peru Martin Vizcarra đã thông báo ngày 2/4 rằng nước này sẽ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại dựa trên giới tính bởi điều này sẽ đơn giản hơn để phát hiện ai sẽ được ra đường. Thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, chỉ có nam giới được ra ngoài trong khi thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, chỉ nữ giới được phép ra ngoài.

Những người phụ nữ đứng xếp hàng để vào một cửa hàng tạp hóa vào ngày những người đàn ông phải ở nhà tại thành phố Panama sau khi các nhà chức trách ban hành quy định đàn ông và phụ nữ ra khỏi nhà vào những ngày khác nhau. Ảnh: CNN

Panama cũng thực hiện biện pháp này từ ngày 1/4, đồng thời nhận định biện pháp trên khuyến khích mọi người ở nhà bởi người yêu và người thân của họ không được phép ra ngoài trong cùng thời gian. Một số thành phố ở Colombia, trong đó có thủ đô Bogota cũng chỉ cho phép đàn ông và phụ nữ rời nhà vào những ngày khác nhau.

Dựa vào vận may

Một số khu vực ở Colombia thậm chí đã thực hiện thêm các biện pháp khác. Các thành phố như Cali và Medellin chỉ cho phép người dân rời nhà vào những thời điểm nhất định dựa trên các con số trên thẻ căn cước công dân của họ. Điều này không áp dụng với các lao động thuộc những ngành thiết yếu.

Giám sát bằng công nghệ

Một số quốc gia đã sử dụng máy bay không người lái để giám sát những công dân bị phong tỏa. Cục Hàng không Dân sự Quốc gia của Italy đã sử dụng các máy bay không người lái để giám sát các công dân trở về từ tháng 3/2020.

Công ty máy bay không người lái thương mại Draganfly vào tháng này đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Australia và Đại học Nam Australia để triển khai "các máy bay không người lái đại dịch" để "giám sát thân nhiệt, nhịp tim và các chỉ số về hô hấp, cũng như phát hiện những người đang ho và hắt hơi trong đám đông".

Trung Quốc và Kuwait cũng sử dụng "các máy bay không người lái nhắc nhở" để yêu cầu mọi người trở về nhà./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-bien-phap-chong-covid19-la-lung-tren-the-gioi-1039821.vov