Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một trong số những bệnh thường gặp nhất hiện nay. Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh.

BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra vết thương do biến chứng của bệnh tiểu đường cho một bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra vết thương do biến chứng của bệnh tiểu đường cho một bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Tuy nhiên, do bệnh phát triển âm ỉ, thầm lặng nên nhiều bệnh nhân không biết mình mang bệnh, đến khi biết thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.

* Nguy cơ phải đoạn chi, chạy thận

Đang điều trị biến chứng của bệnh tiểu đường tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà N.T.H. (63 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) cho biết, 10 năm trước, khi đang làm công nhân tại một công ty ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), bà ăn khá nhiều, khát nước, uống nước nhiều nhưng lại bị sụt cân nhanh. Nghe những người làm cùng nói rằng có khả năng bà bị bệnh tiểu đường nên bà H. đã đến bệnh viện để khám. Kết quả, bác sĩ cho biết đường huyết của bà tăng cao, phải vừa uống thuốc, vừa chích thuốc thường xuyên và ăn uống kiêng khem đủ thứ.

Nửa tháng trước, gia đình bà H. có việc, bà phải chạy đi chạy lại để lo công việc. Do đi dép kẹp nhiều nên mấy ngón chân ở bàn chân trái của bà, đặc biệt là ngón cái bị trầy trụa, lở loét. Mặc dù vậy, bà H. không có cảm giác đau, đến khi bị sốt cao, chân lở loét nhiều, bà H. mới đến bệnh viện để cấp cứu. Đến nay, bàn chân trái của bà H. sưng to, đỏ tấy, ngón chân cái bị lở loét nhiều, nguy cơ phải đoạn chi.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, hiện có khoảng 425 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường. Cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, cứ 2 người mắc bệnh thì 1 người không biết mình bị bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng, số người mắc bệnh tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Thống kê năm 2017, cả nước có hơn 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường.

Trong khi đó, bà L.T.L. (52 tuổi, ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) lại đang phải chịu nhiều đau đớn vì biến chứng thận của bệnh tiểu đường. Bà L. phát hiện bị bệnh tiểu đường cách đây 20 năm. Thời điểm đó, mỗi ngày bà L. uống khoảng 3-4 lít nước lọc. Đi khám bệnh, bác sĩ cho hay bà L. ngoài bị bệnh tiểu đường còn bị tăng huyết áp. Đến năm 2017, bà L. bị thêm bệnh suy thận, suy tim, suy giãn tĩnh mạch, phù nề toàn thân.

Anh T.T.Q., con trai bà L. chia sẻ, 2 năm nay, mẹ anh liên tục phải nằm viện điều trị. Cách đây ít lâu, mẹ anh còn bị thêm bệnh sán chó, bà gãi nhiều vì ngứa nên gây nhiễm trùng khiến bệnh tiểu đường và các bệnh khác diễn tiến ngày càng nặng. Cũng do bà từng bị hôn mê, gãy chân mà toàn thân phù nề khó đi lại nên hiện tại bà L. chỉ nằm một chỗ, việc đi lại, vận động khá khó khăn.

Cũng bị biến chứng thận của bệnh tiểu đường nhưng ông M.B.M. (52 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) chưa bị phù nề toàn thân như bà L. Ông M. bị chướng bụng, sưng tay, chân và suy giảm thị giác. Vợ ông M. cho hay, 13 năm qua, ông M. liên tục phải nằm viện, bất cứ khi nào trong người cảm thấy mệt mỏi lại nhập viện, mỗi lần nằm viện từ 10 ngày đến cả tháng.

* Khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện bệnh

BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh tiểu đường chia thành 3 loại chính là tiểu đường tuýp 1 (chiếm khoảng 10%), tuýp 2 (chiếm khoảng 90%) và tiểu đường thai kỳ (thường gặp ở phụ nữ mang thai có một số nguy cơ). Ngoài ra, còn có loại tiểu đường thứ phát không rõ nguyên nhân.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường thường chia thành biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Trong đó, biến chứng mạch máu lớn bao gồm bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não), bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim), mạch máu ngoại biên (xơ vữa động mạch chi dưới, động mạch chủ, động mạch cảnh). Biến chứng mạch máu nhỏ gồm biến chứng thận (dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo), biến chứng mắt (đục thủy tinh thể xảy ra sớm hơn và nặng hơn, gây bệnh võng mạc có thể dẫn đến mất thị lực) và biến chứng thần kinh làm bệnh nhân mất cảm giác nên nếu bệnh nhân bị vết thương ở chân sẽ không nhận biết được gây tình trạng nhiễm trùng, khó lành, có thể dẫn đến đoạn chi.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị nội trú cho hơn 30 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, chủ yếu là bị biến chứng của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, khám và cấp thuốc điều trị ngoại trú cho 300-400 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường mỗi ngày.

Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là tiền căn gia đình có người bị tiểu đường, bệnh nhân ít vận động, béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, nữ có tiền căn sinh con nặng trên 4kg, bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang.

Dấu hiệu nhận biết của tiểu đường tuýp 1 là người bệnh khát nước nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều. Riêng tiểu đường tuýp 2 thường ít người có dấu hiệu rõ, chỉ phát hiện tình cờ qua việc thử đường huyết, thấy mắt mờ đi khám bệnh mới phát hiện ra hoặc có một vết thương ngoài da nào đó chữa hoài không lành, đi khám mới phát hiện bệnh.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Bệnh tiểu đường là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời. Vì thế, ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, người bị bệnh tiểu đường phải thực hiện tốt việc ăn kiêng, tránh những thức ăn làm tăng đường huyết, ăn tinh bột ở mức vừa phải, hạn chế ăn chất béo; thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao điều độ và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202007/nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-tieu-duong-3014577/