Những biến chứng khi trẻ nhiễm adenovirus

Dù đa phần trường hợp nhiễm adenovirus diễn biến nhẹ, vẫn có tỷ lệ nhất định bệnh nhi gặp biến chứng và nguy hiểm tới tính mạng.

 Trẻ nhiễm adenovirus vẫn có nguy cơ diễn biến nặng và cần được lưu ý. Ảnh: Thạch Thảo.

Trẻ nhiễm adenovirus vẫn có nguy cơ diễn biến nặng và cần được lưu ý. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi phải tới khám và điều trị do nhiễm adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang liên tục tăng nhanh, lên tới gần 1.000 ca mỗi tuần.

Các triệu chứng khi nhiễm adenovirus khá dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như cảm cúm, cảm lạnh hay thậm chí Covid-19. Trong khi đó, trẻ vẫn có nguy cơ gặp phải các biến chứng khi nhiễm loại virus này.

Nguy cơ khi trẻ nhiễm adenovirus

Theo thạc sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), trong khoảng một tháng qua, khoa Nhi của cơ sở y tế này cũng phải tiếp nhận và điều trị nội trú cho 10 trường hợp trẻ em nhiễm adenovirus.

“Hầu hết bệnh nhi đều đã khỏi bệnh. Hiện trong khoa chỉ còn 2 trường hợp phải tiếp tục điều trị nội trú”, vị chuyên gia cho hay.

Thạc sĩ Ly cho hay adenovirus được chia làm 7 nhóm, từ A-G, trong đó có hơn 50 loại gây bệnh ở người và có thể tác động tới nhiều cơ quan của cơ thể.

Nhiều trẻ tại Hà Nội phải nhập viện điều trị do nhiễm adenovirus. Ảnh: Quốc Toàn.

Các tổn thương thường gặp nhất do nhiễm adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não…

Bà nói: “Bệnh do adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông”.

Theo thạc sĩ Ly, trẻ nhiễm adenovirus thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa.

Về đường lây, adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm. Virus này cũng có thể lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh.

Thời gian ủ bệnh ở các trường hợp nhiễm adenovirus thường trong khoảng từ 8 đến 12 ngày.

“Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Với trẻ em, bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Các nhóm như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm adenovirus do có sức đề kháng kém”, thạc sĩ Ly lưu ý.

Mặt khác, vị chuyên gia nhấn mạnh nếu không điều trị tích cực, bệnh có thể để lại nhiều hậu quả trên các cơ quan như tổn thương giác mạc, tổn thương đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là các di chứng nặng nề ở phổi như xơ hóa phổi, giãn phế quản…

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh do adenovirus gây ra có thể kể tới là suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng…

Đáng nói hơn, loại virus này có thể gây ra viêm phổi cho trẻ em, dẫn đến tỷ lệ tử vong từ 8 đến 10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột…

Hướng điều trị

Theo thạc sĩ Ly, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trong quá trình khám và điều cho bệnh nhi nghi có triệu chứng của nhiễm adenovirus, các bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi trẻ cho gia đình cũng như cách nhận biết các dấu hiệu trẻ diễn biến nặng, hẹn tái khám kịp thời.

Đối với những bệnh nhi có dấu hiệu triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ có chỉ định nhập viện để theo dõi điều trị. Trẻ được nằm điều trị tại phòng cách ly riêng, thăm khám thường xuyên, làm các xét nghiệm kiểm tra tổng thể để đánh giá mức độ nặng và nguy cơ tiến triển bệnh.

Thạc sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: MT.

Ngoài ra, trẻ cần được kiểm soát nhiệt độ nếu sốt cao, dùng kháng sinh trong những trường hợp biểu hiện nhiễm trùng nặng, bồi phụ nước điện giải nếu có rối loạn, đảm bảo dinh dưỡng nâng cao thể trạng, chống suy hô hấp.

Đối với những trường hợp diễn biến nặng hơn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa sẽ phải liên hệ hội chẩn ở tuyến trên như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm điều trị theo phác đồ hướng dẫn. Mặt khác, khi cần, các bác sĩ cũng phải chuyển tuyến kịp thời với những trường hợp nặng vượt ngoài khả năng, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Để chủ động tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi nhiễm adenovirus, cơ sở y tế này đã bố trí phòng khám sàng lọc. Đối với những trường hợp bệnh nhi có thể điều trị tại nhà, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi trẻ và hẹn tái khám.

“Chúng tôi có phòng cách ly riêng cho bệnh nhi nhiễm adenovirus. Bệnh viện cũng cố gắng chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, cơ số thuốc đáp ứng nhu cầu làm xét nghiệm chẩn đoán, điều trị và theo dõi trẻ”, thạc sĩ Ly cho hay.

Các phòng bệnh do adenovirus gây ra và dấu hiệu diễn biến nặng

Theo thạc sĩ Đặng Khánh Ly, để phòng bệnh do adenovirus gây ra ở trẻ, cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng. Đồng thời, giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên; vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên. Mặt khác, phụ huynh cũng nên cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để con bị nhiễm lạnh.

“Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Vì vậy, phụ huynh cần đeo khẩu trang cho con khi trẻ ra ngoài, tránh để con tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh”, vị chuyên gia lưu ý.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.

Theo thạc sĩ Ly, phần lớn trẻ nhiễm adenovirus diễn biến nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần điều trị. Cách xử trí chủ yếu là chăm sóc tại nhà và điều trị triệu chứng.

Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý theo dõi và đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi:

Trẻ sốt cao, dùng hạ sốt nhưng không hạ nhiệt
Trẻ sốt cao kéo dài nhiều ngày (trên 5 ngày)
Triệu chứng của trẻ nặng lên sau một tuần
Trẻ bị đau mắt, đỏ mắt, sưng nề quanh mắt
Trẻ mất nước, quấy khóc biểu hiện qua việc trẻ tiểu ít, mắt trũng, khô miệng...

“Dù vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng không nên hoang mang, sợ hãi và tự cho các bé đi xét nghiệm adenovirus. Việc làm này chỉ cần thực hiện khi trẻ được các bác sĩ thăm khám và cho chỉ định”, vị chuyên gia nói thêm.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-bien-chung-khi-tre-nhiem-adenovirus-post1370653.html