Những bí mật lần đầu công bố trong vụ ám sát Tổng thống John Kennedy: Truy tìm kẻ chủ mưu

Những lời lẽ của Hoover cho thấy bản thân ông cũng không hề tin tưởng vào kết luận Oswald là kẻ chủ mưu duy nhất trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

Theo kết luận đưa ra vào cuối năm 1964 của Ủy ban Warren - ủy ban được thành lập để điều tra vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, Lee Harvey Oswald - một cựu quân nhân của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ là thủ phạm duy nhất.

Nhưng hơn 50 năm qua, vẫn có nhiều thuyết âm mưu về việc ai thực sự là chủ mưu đứng sau vụ việc này. Và những tài liệu mới được Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ công bố một lần nữa cho thấy chính các cơ quan điều tra Mỹ cũng hoàn toàn rối bời vì câu hỏi này.

Nhiều nghi ngờ nhằm vào lãnh đạo Cuba Fidel Castro sau cái chết của Tổng thống Kennedy.

Như thông tin trong kỳ trước, một bản ghi nhớ của Giám đốc FBI khi đó là J. Edgar Hoover, đề ngày 24/11/1963, chỉ vài giờ sau khi Jack Ruby bắn chết Lee Harvey Oswald, cho biết FBI đã cử một nhân viên đến bệnh viện với hy vọng nhận được lời thú nhận của Oswald trước khi hắn qua đời.

Sau nỗ lực không thành công, bản ghi nhớ lưu lại một yêu cầu khẩn cấp của Hoover về việc “cần có gì đó công bố để chúng tôi có thể thuyết phục công chúng rằng Oswald là sát thủ thực sự”.

Những lời lẽ của Hoover cho thấy bản thân ông cũng không hề tin tưởng vào kết luận Oswald là kẻ chủ mưu duy nhất trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

Sự trả thù của Fidel Castro?

Sự suy đoán về các hoạt động của Oswald trong chuyến đi Mexico trước khi vụ ám sát diễn ra từ lâu đã thúc đẩy một trong những thuyết âm mưu phổ biến nhất, đó là nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã lên kế hoạch ám sát Kennedy để trả thù cho cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn.

Trong những năm 1970, những phát hiện về việc chính quyền Kennedy từng nhiều lần cố gắng ám sát Castro cũng đã củng cố ý tưởng rằng Castro đứng đầu danh sách những người muốn chống lại Tổng thống John Kennedy.

Trong số tài liệu được công bố, có một bản tóm tắt cuộc họp của CIA vào tháng 5/1962 gửi cho Tổng thống Kennedy, trong đó có đề cập đến việc thuê các sát thủ của thế giới ngầm ám sát Castro.

Đây là thời điểm chính quyền Tổng thống Kennedy đã phát động cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn nhưng thất bại. Theo tài liệu này, chính quyền Kennedy có ít nhất 2 lần cố gắng để ám sát Fidel Castro, trong đó sử dụng các loại thuốc độc gây chết người và do các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện.

Cụ thể, một đề xuất của CIA có tên “Chiến dịch Khoan hồng” năm 1962, trong đó đề cập tới “các phần thưởng tài chính cho người giết “những người Cộng sản còn sót lại” - được cho là ám chỉ nhà lãnh đạo Fidel Castro.

Một kế hoạch tiềm năng khác là tẩm một loại vi khuẩn gây bệnh lao chết người vào bộ vest của Castro, và nhiệm vụ của CIA là phải tìm được người đủ thân cận với Castro để thực hiện nhiệm vụ này. Những nhân vật từng có liên hệ với CIA gồm John Rosselli và Sam Giancana - những “bố già” khét tiếng trong giới mafia Italy.

Giancana được CIA nhắm tới bởi một năm trước đó, ông này đã nhờ một nhân viên trung gian của CIA là Arthur Balletti hỗ trợ cài một thiết bị nghe lén trong một căn phòng ở Las Vegas của một ngôi sao giải trí - người mà ông ta nghi ngờ có quan hệ với người tình của mình.

Bản ghi nhớ về báo cáo của CIA cũng trùng hợp với một bản ghi nhớ của FBI nói rằng Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Robert Kennedy, em trai của Tổng thống John Kenndey đã nói với FBI về việc CIA thuê người trung gian để tiếp cận ông trùm Sam Giancana và đề nghị ông ta thuê người nào đó giết Castro.

Dấu hỏi cho Việt Nam Cộng hòa

Xung quanh cái chết của Tổng thống Kennedy, mọi người đều có giả thuyết của riêng mình, kể cả Phó Tổng thống Lyndon Johnson.

Theo một tài liệu được Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ công bố, Johnson tin rằng John Kennedy đã đứng sau vụ lật đổ dẫn tới cái chết của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, và việc ông Kennedy bị ám sát là hậu quả của quyết định này.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Richard Helms trong một phiên lấy lời khai năm 1975 cho biết, Phó Tổng thống Johnson “từng nói rằng lý do ông Kennedy bị ám sát là vì ông ấy đã cho ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và đây là sự công bằng của công lý”.

Ông Helms khi đó còn nói thêm: “Tôi không biết ông ấy lấy ý tưởng này từ đâu”. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm bị giết vào ngày 2/11/1963, đúng 20 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát. Đây không phải là lần đầu tiên giả thuyết của Phó Tổng thống Johnson được nhắc đến.

Trước đó cuốn sách “Kẻ hủy diệt Kennedy” của Max Holland cũng trích dẫn lời ông Johnson cho rằng “Kennedy đã chết vì “sự trả thù thần thánh”. Ông đã gây nên cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông phải trả giá”.

Theo nhà sử học Ken Hughes thuộc Trung tâm nghiên cứu Miller của Đại học Virginia, vai trò của Tổng thống Mỹ John Kennedy trong cái chết của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vẫn còn gây tranh cãi.

Theo ông Ken Hughes, một tháng trước khi Ngô Đình Diệm bị ám sát, các tướng lĩnh miền Nam lên kế hoạch đảo chính đã trao đổi với CIA rằng họ sẽ lật đổ chính phủ nếu họ có thể yên tâm Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho chính quyền mới và họ đã có được sự đảm bảo của Kennedy.

Một trong những hồ sơ mấu chốt có thể làm sáng tỏ nghi vấn về sự liên quan giữa cái chết của Ngô Đình Diệm và cái chết của John Kennedy là một báo cáo của CIA về sự can dự của chính quyền Mỹ trong cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên, tài liệu này cuối cùng vẫn chưa được công bố bởi lý do mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ đối ngoại”.

Phó Tổng thống Johnson lọt “tầm ngắm”

Một thông tin đáng chú ý trong các hồ sơ mới được công bố xung quanh vụ ám sát Tổng thống Kennedy là Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) cho biết họ có thông tin về việc chính Phó Tổng thống Johnson đứng sau vụ việc này.

Trong một lá thư năm 1966 cho một trợ lý Tổng thống, Giám đốc FBI Edgar Hoover viết: “Một nguồn tin của FBI cho biết, năm 1965, các quan chức của KGB tuyên bố họ nhận được thông tin rằng “có dấu hiệu cho thấy” Johnson có vai trò trong vụ ám sát”.

Lá thư của Hoover không nêu rõ nguồn cung cấp thông tin cho KGB là ai mà chỉ nói rằng đó là “nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy trong quá khứ”.

Các tài liệu cũng cho thấy mạng lưới của KGB tại New York đã nhận được chỉ thị từ Moscow về việc “tìm hiểu mọi thông tin có thể” về Johnson - người được coi là “nhân vật không rõ ràng” đối với chính phủ Liên Xô vào thời điểm đó.

Lá thư của Edgar Hoover cũng mô tả phản ứng của Liên Xô sau cái chết của Kennedy là “giới lãnh đạo của ĐCS Liên Xô tin rằng có một âm mưu được tổ chức cực kỳ tốt sau vụ ám sát”, và rằng “KGB đang sở hữu những dữ liệu cho thấy Tổng thống Johnson (đã kế nhiệm ông Kennedy ngay sau vụ ám sát) chịu trách nhiệm về vụ việc này”.

Theo đánh giá của Edgar Hoover, những thông tin mà FBI có được cho thấy Liên Xô không có liên hệ với sát thủ Oswald, người mà Liên Xô gọi là “kẻ điên loạn thần kinh, kẻ không trung thành với đất nước của mình”.

Bức thư của Hoover gửi tới Nhà Trắng còn cho thấy ông không hài lòng với quyết định của Tổng thống Johnson về việc lập Ủy ban thuộc thẩm quyền Tổng thống để điều tra vụ việc, thay vì giao cho Bộ Tư pháp. Hoover lập luận rằng việc thành lập ủy ban điều tra sẽ khuấy đảo sự quan tâm của toàn thế giới và “trên một số khía cạnh có thể làm phức tạp thêm các quan hệ ngoại giao”.

Dù vậy, ủy ban này vẫn được thành lập với tên Ủy ban Warren, và một năm sau đã đưa ra kết luận Lee Harvey Oswald là thủ phạm duy nhất trong vụ ám sát - một kết luận có lẽ chính Edgar Hoover không hài lòng. Như vậy, vai trò của Phó Tổng thống Johnson trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy vẫn chỉ là một thuyết âm mưu chưa được làm sáng tỏ...

Thúy Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nhung-bi-mat-lan-dau-cong-bo-trong-vu-am-sat-tong-thong-john-kennedy-truy-tim-ke-chu-muu-d58256.html