Những bi kịch phía sau 'giấc mộng vàng'

Có một thời, nhiều địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới, nơi có những mỏ vàng sa khoáng được ví như một lò lửa nóng rực trong cơn say của 'vàng tặc'. Đến nay, do công tác quản lý được thắt chặt nên về cơ bản, ảo vọng làm giàu từ thứ quặng sa khoáng quyến rũ phần nào đã 'giảm nhiệt', song vẫn còn đó những vụ việc đau lòng cùng hệ lụy lâu dài về môi trường, môi sinh.

Vì "giấc mộng vàng" nên nhiều người đổ xô về Nam Giang - Quảng Nam để khai thác vàng trái phép. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

Vì "giấc mộng vàng" nên nhiều người đổ xô về Nam Giang - Quảng Nam để khai thác vàng trái phép. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

"Vàng tặc" vẫn âm thầm hoạt động

Từ năm 2000 đến nay, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn liên tục mở các đợt truy quét nạn "vàng tặc", tịch thu phá hủy hàng trăm giàn máy nổ, máy hơi, lán trại, bắt giữ hàng trăm đối tượng liên quan. Thế nhưng, tình hình khai thác vàng trái phép ở địa phương vẫn còn nóng bỏng, gây nhức nhối về an ninh, trật tự. Theo phản ánh của người dân sinh sống ở xã A Vao, những ngày đầu tháng 2-2016, sau khi bị lực lượng chức năng truy quét đẩy đuổi, hoạt động của các nhóm "vàng tặc" ở khu vực này đã lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng đào đãi vàng trái phép ở A Vao lại rộ lên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, nương rẫy và sông suối.

Tại "vùng vàng" Cắm Muộn (thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An), mấy năm trước, do có một số đối tượng từ nơi khác đến tìm vận may, được đồn đại là trúng lớn nên có rất nhiều người đến đây để tìm "giấc mộng vàng". Trước đây, tất cả các phu vàng đều là người địa phương, thường làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, vùi thân trong nước, trong đất với mối nguy hiểm luôn treo lơ lửng trên đầu. Bây giờ, do đã được đưa vào "tầm ngắm" quản lý chặt chẽ, ở Cắm Muộn không còn cảnh hàng trăm người nườm nượp kéo về công khai dựng lán, đào vàng bằng máng thủ công như trước kia, mà công nghệ khai thác vàng đã rút vào bí mật. Người dân địa phương cho biết, thời gian qua, núp dưới vỏ bọc "đào ao thả cá", ở khu vực bản Cắm, có khá nhiều đối tượng sử dụng phương tiện hiện đại như máy sàng đá, máy hút bùn, máy xúc, được "vàng tặc" huy động để khai thác vàng, khiến nhiều héc-ta đất rừng bị đào bới tan hoang.

Tương tự như ở hai địa phương nêu trên, từ lâu, vấn nạn khai thác vàng trái phép luôn là vấn đề nhức nhối ở một số địa phương vùng cao thuộc tỉnh Quảng Nam. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức ra quân quyết liệt, song rất nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn vẫn âm thầm hoạt động, tập trung nhiều nhất ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), khu vực K7, bãi vàng Nhẹ (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) và thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), đặc biệt là tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - nơi giáp ranh giữa huyện Nam Giang và Phước Sơn... Để khai thác quặng có chứa vàng sa khoáng, các chủ bãi cho đào những đường hầm sâu cả trăm mét, chèn chống bằng gỗ rừng, hai bên có các ngách ăn theo từng luồng kiểu địa đạo. Người và đất, đá lên xuống hầm vàng bằng ròng rọc dây cáp, hệ thống quạt gió thổi khí xuống hầm được dẫn xuống bằng ống dây nhựa để thổi khí độc, khói thuốc nổ khi dùng mìn đánh đá. Do công nghệ thô sơ như vậy nên chuyện sập hầm, ngạt thở gây thương tích hoặc tử vong cho các phu vàng là chuyện thường xuyên xảy ra.

Tình trạng "vàng tặc" tàn phá sông suối vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

Những bi kịch từ giấc mơ đổi đời

Cho đến nay, về cơ bản, giấc mộng làm giàu từ thứ quặng sa khoáng quyến rũ phần nào đã "giảm nhiệt" so với cái thời "người người đi vàng, nhà nhà làm vàng", nhưng vẫn còn đó những vụ việc đau lòng cùng hệ lụy lâu dài về môi trường, môi sinh. Mặc dù các địa phương đã ra quân quyết liệt, nhưng nạn khai thác vàng trái phép vẫn hoành hành dai dẳng. Và đây chính là nguồn gốc khổ đau của những "phu vàng" - những người bị mất mạng hoặc bị thương tích suốt đời vì "giấc mộng vàng".

Trở lại với nạn "vàng tặc" ở Đakrông (Quảng Trị), còn nhớ, đầu tháng 6-2011, tại khe Ho (xã A Vao) đã xảy ra một vụ tai nạn sập hầm vàng, làm "phu vàng" Hồ Văn Thở, 17 tuổi, trú tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) tử vong tại chỗ và một người khác bị thương nặng. Thế nhưng, vụ việc đau lòng này cũng như rất nhiều vụ sập hầm vàng khác trước đây đã tước đi mạng sống của hàng chục người vẫn không ngăn được những bước chân lén lút "vượt rào" đến đây để khai thác vàng, gây nên trình trạng ô nhiễm môi trường, tàn phá sông suối. Thực tế, do địa điểm mà các "vàng tặc" hoạt đông cách xa khu dân cư nên việc quản lý và ngăn chặn khai thác vàng trái phép ở Đakrông rất khó khăn.

Cách đây hơn một tháng, tại khu vực Bản Nìn (thuộc xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cũng đã xảy ra sự cố sập hầm vàng, gây ra cái chết thương tâm cho hai phu vàng người địa phương là Đặng Văn Hòa, 22 tuổi và Bàn Văn Lâm, 23 tuổi. Ngày 12-4-2016 vừa qua, tại địa bàn thuộc thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), đã xảy ra vụ ngạt khí độc từ hầm khai thác vàng trái phép làm Cụt Văn Sơn, Cụt Văn Hiếu, Cụt Văn Nam (anh em ruột, cùng trú tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và Nguyễn Kim Vui (trú tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) tử vong...

Hiện nay, trên những cánh rừng, triền đồi, hẻm núi, hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn còn lén lút tồn tại, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra. Thật đáng lo vì bên cạnh những mạng người bị tước đoạt, những dòng suối, dòng sông nơi "vàng tặc" hoạt động không còn trong xanh và tệ nạn xã hội theo dòng người kiếm tìm vận may cứ gặm nhấm, đục đẽo từng thôn, bản, từng cánh rừng đại ngàn. Thiết nghĩ, để ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép, các cơ quan chức năng địa phương cần tìm ra cái gốc của vấn đề để giải quyết. Việc áp dụng các biện pháp truy quét, đẩy đuổi, dùng chất nổ đánh sập hầm vàng hay phá hủy phương tiện khai thác, lán trại của các đối tượng khai thác vàng trái phép mới chỉ ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép một cách nhất thời. Trong tương lai, nếu cơ quan chức năng không có giải pháp quy hoạch, quản lý mang tính chiến lược cùng với các biện pháp phòng chống đồng bộ và quyết liệt thì việc lén lút khai thác vàng trái phép, gây nên tình trạng "chảy máu" tài nguyên và những hệ lụy sập hầm, chết người sẽ vẫn còn xảy ra.

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-bi-kich-phia-sau-giac-mong-vang/