Những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng thuốc kháng virus từ nguồn bảo hiểm y tế

Hôm nay (8/3), 63 tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt tổ chức sự kiện 'Những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế'.

 Bệnh nhân HIV/AIDS đang được tư vấn, điều trị tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Bệnh nhân HIV/AIDS đang được tư vấn, điều trị tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Sáng nay tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức sự kiện này tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Sự kiện do Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì.

Cũng trong sáng nay, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tổ chức 4 sự kiện song song tại 4 tỉnh: Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM và Hải Phòng. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính trong nước cho hoạt động phòng, chống HIV tại Việt Nam và đảm bảo người sống chung với HIV được tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Trong khi bệnh nhân HIV cần được điều trị cả đời với mức chi phí cao, việc tham gia điều trị sớm và liên tục giúp họ sống khỏe mạnh và loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình.

Trước đây, thuốc ARV được cấp miễn phí tại Việt Nam thông qua các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, chương trình PEPFAR, thông qua các hoạt động của mình, đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam để chuyển giao trách nhiệm về tài chính cho ứng phó HIV quốc gia từ các nhà tài trợ sang nguồn bảo hiểm y tế.

Việt Nam huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV

Những kết quả chính trong quá trình chuyển giao này gồm có việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế và gói dịch vụ bảo hiểm y tế để bao gồm dịch vụ điều trị HIV; lồng ghép các phòng khám HIV vào hệ thống y tế công; tăng số bệnh nhân HIV tham gia bảo hiểm y tế từ 40% vào năm 2014 lên 89% vào năm 2018; mua thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế; và xây dựng quy trình thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ điều trị HIV.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, trước đây rất nhiều bệnh nhân HIV bỏ nhà ra đi, không có giấy tờ tùy thân nên không thể tham gia bảo hiểm y tế. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư tháo gỡ vướng mắc này nên hiện nay tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đã chiếm 90%, gấp 3 lần so với 4 năm trước.

Theo ông Long, trong hướng dẫn gần đây của Bộ Y tế đã tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, với những người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu thì sẽ cung cấp ảnh để dán vào thẻ bảo hiểm y tế. Những người nhiễm HIV không nhất thiết tham gia BHYT theo hộ gia đình, mà chỉ cần thông qua các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, thành phố và các cơ sở điều trị để lập danh sách hỗ trợ tham gia BHYT.

Trên thế giới có rất ít các nước đang phát triển dùng nguồn bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Trong các nước trọng điểm của chương trình PEPFAR, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV.

Điều này có được là nhờ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về tính bền vững lâu dài cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam cũng là nước dẫn đầu trên toàn cầu về tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế, ở mức 93%. Tải lượng virus ức chế là thước đo mức độ virus HIV trong máu người bệnh. Khi một người dương tính với HIV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế và mức tải lượng không phát hiện, bệnh nhân không chỉ cải thiện đáng kể sức khỏe mà còn loại bỏ khả năng lây truyền HIV cho người khác.

Trong thời gian tới, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với PEPFAR và các đối tác để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tăng tỷ lệ người sống chung với HIV có thẻ bảo hiểm y tế và hướng tới đạt mục tiêu kiểm soát dịch HIV.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nhung-benh-nhan-dau-tien-duoc-dieu-tri-bang-thuoc-khang-virus-tu-nguon-bao-hiem-y-te-159274.html