Những bệnh dịch ở xứ nhiệt đới qua ghi chép của bác sĩ Pháp

Ghi chép của các bác sĩ Pháp tới Sài Gòn những năm 1880 cho thấy những bệnh dịch có ảnh hưởng lớn ở xứ nhiệt đới.

Sau hòa ước Giáp Tuất (1874), triều đình Huế nhượng 6 tỉnh Nam kỳ cho Pháp làm thuộc địa. Pháp nhanh chóng thiết lập, hệ thống hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy thương mại. Những năm từ 1875 đến 1925 (từ sau hòa ước Giáp Tuất đến phong trào Duy Tân ở giai đoạn cuối) được coi là giai đoạn canh tân của người Việt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp thực hiện công trình Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925. Trong sách, tác giả dành một phần dung lượng để nói về y tế ở Sài Gòn - Nam kỳ khoảng thời gian này.

Bệnh truyền nhiễm

 Sách Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925.

Sách Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925.

Trước dịch bệnh vùng nhiệt đới, một số bác sĩ nghiên cứu, tìm căn nguyên dịch bệnh vùng Nam kỳ. Các bác sĩ ghi chú lại tỉ mỉ những nghiên cứu này.

Bệnh sốt rét ở Nam kỳ được bác sĩ Francois Laure - bác sĩ hải quân trưởng tháp tùng quân Pháp đánh thành Kỳ Hòa - ghi trong cuốn Histoire médicale de la marine française pendant les expéditions de Chine et de Cochinchine (de 1859 à 1862) (Lịch sử y khoa hải quân Pháp trong cuộc viễn chinh ở Trung Quốc và Nam kỳ từ năm 1859 đến 1862)

Các bệnh dịch ở Nam kỳ được Francois Laure liệt kê: Bệnh sốt rét, đau bụng, tiêu chảy, kiết lị, dịch tả, viêm gan. Ông còn theo dõi bệnh sốt rét xuất hiện vào tháng 3, đến tháng 6 là cao điểm, giảm từ tháng 7 đến tháng 10. Sang tháng 11 lại xuất hiện bệnh theo đường tiêu hóa.

Bên cạnh sốt rét, bệnh truyền nhiễm nguy hại nhất mà người Pháp và người dân Nam kỳ sợ là dịch tả (cholera) và kiết lị (dysenterie). Từ ngày 1 đến 5/3/1861, tại bệnh viện Chợ Quán có 55 ca bị bệnh dịch tả và 41 bệnh nhân trong số đó bị chết (gồm cả binh lính Pháp và người dân).

Bệnh viện Chợ Quán lúc ấy lại có nhiều lính thương vong đang nằm. Do tỉ lệ tử vong vì bệnh tả cao nên toàn bộ binh lính được đưa lên tàu chữa trị.

Cho đến những năm 1880, thế giới chưa biết nguyên nhân gây ra bệnh dịch tả. Năm 1854, bác sĩ John Snow khám phá ra bệnh dịch tả truyền đi rất nhanh là do các hạt “miasmata” từ các chất hữu cơ, đồ ăn, thịt bị thối rữa truyền qua không khí và gây bệnh ở người tiếp xúc với “miasmata”. Tuy nhiên phát hiện này không được sở y tế ở London công nhận.

Khi dịch tả xảy ra ở Nam kỳ, bác sĩ Laure đã viết: “Nếu chúng ta tìm kiếm nguyên nhân của dịch bệnh dịch tả ở nhà thương Chợ Quán, sự bối rối của chúng ta sẽ rất lớn, bởi vì toàn bộ nguyên nhân của bệnh dịch tả, như chúng ta đã biết, vẫn còn là một trong những bí ẩn của khoa học”.

Tuy vậy, bác sĩ Laure cũng đặt giả thiết nguyên nhân do nước dùng bị ô nhiễm: “Trước hết chúng tôi tin rằng có nguyên nhân chính, và chúng tôi cho rằng nước dùng để uống chính là thủ phạm. Nước này được lấy từ một giếng cạnh nhà thương Chợ Quán”. Nước lấy từ giếng cạnh bệnh viện Chợ Quán bị nhiễm nước từ rạch Tàu Hủ - một rạch có rất nhiều ghe thuyền và bị ô nhiễm từ chất thải hữu cơ của người, động vật.

Tác giả sách Nguyễn Đức Hiệp.

Người Pháp từ bỏ không dùng nước quanh bệnh viện mà lấy nước từ nơi khác về dùng. Họ cũng làm sạch khu vực quanh bệnh viện, lấp các vũng nước, các rãnh, tưới lên đất ẩm hợp chất sulfat sắt.

Bác sĩ Laure đã dùng các loại thuốc và nhiều biện pháp mà vẫn thất bại.

Bác sĩ Laure ghi chép: “…Về vấn đề trị bệnh dịch tả, rất buồn phải nói là tất cả các phương pháp đủ loại mà chúng tôi mang ra sử dụng đều thất bại và nếu chúng tôi ưu tiên cho loại thuốc đắp ngoài da kích thích, chỉ vì chúng tôi thấy hợp lý hơn những thứ thuốc khác [dịch tả làm da bệnh nhân nhăn, thiếu nước và xanh, mắt lõm]. Nước uống nóng và thơm mùi: Nước thấm trà, bạc hà, hương phong (mélisse) phủ trong mền len; các trị liệu làm da phản ứng. Thuốc đắp lên da: Chà xát, mát-xa, thuốc đắp mù-tạt đen, (sinapisme médical), tắm thuốc; thuốc kích động da và chống co thắt như ê-the, acétate ammoniaque, rượu, rượu mạnh; các loại thuốc gây ngủ, thuốc mê: thuốc phiện (opium), chloroform; thuốc chống chu kỳ và cuối cùng thuốc sulfate de quinine ở nồng độ cao, đã được dùng không hạn chế và không cho kết quả khả quan nào mà chúng tôi mong đạt được”.

Một ghi chép của bác sĩ Lalluyeaux d’Ormay cũng cho thấy bệnh dịch tả xảy ra vào những tháng đầu năm. Bác sĩ d’Ormay quan sát ghi chú từng tháng và thống kê đầy đủ tất cả các loại bệnh và số lượng người bệnh.

Bệnh đậu mùa và chiến dịch tiêm chủng

Bên cạnh dịch tả, bệnh đậu mùa cũng là mối đe dọa người dân thời đó. Bệnh đậu mùa thường phát ở trẻ em. Theo bản tường trình của bác sĩ Vantalon trong chương trình chủng ngừa bệnh đậu mùa tại các tỉnh Nam kỳ, khi nạn dịch phát ra truyền nhanh chóng trong vùng Nam kỳ.

Bác sĩ Albert Calmette đang tiêm chủng bệnh đậu mùa cho trẻ em Sài Gòn năm 1891. Ảnh: Institut Pasteur - Bảo tàng Pasteur

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi bệnh đậu mùa tàn phá nặng nề. Điều này khiến dân số ít tăng trưởng, tạo gánh nặng lên sở y tế, sụt giảm kinh tế. Chính quyền Pháp thực hiện chủng ngừa bệnh đậu mùa trên toàn Nam kỳ. Bác sĩ Vantalon đã đi đến địa phương, các làng xã, chủng 50.798 trẻ em. Chi phí toàn bộ chương trình là 21.740 franc.

Để hạn chế các bệnh dịch, sau này Sở Y tế Đông Dương đã nhờ, tài trợ viện Pasteur ở Sài Gòn và Nha Trang bào chế ra thuốc chủng ngừa một số bệnh truyền nhiễm như ho lao cho Đông Dương.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-benh-dich-o-xu-nhiet-doi-qua-ghi-chep-cua-bac-si-phap-post1046641.html