Những bệnh dịch không thể 'coi thường' trong mùa đông – xuân

Thời tiết nóng, ẩm kèm theo mưa vào mùa đông – xuân làm gia tăng nguy cơ các bệnh dịch bùng phát và lây lan nhanh chóng. Đặc biệt, là các bệnh sởi, rubella, cúm, ho gà… là những bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp khiến người dân không kịp trở tay.

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2019 số ca mắc bệnh sởi tại Hà Nội và TP.HCM đã tăng nhanh với diễn biến hết sức phức tạp. Tại Hà Nội đã có 114 ca, trong đó 6 ca mới mắc trong đợt nghỉ Tết vừa qua. Hiện số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện của Hà Nội.

 Số bệnh nhân mắc bệnh sởi trong đầu năm 2019 tăng cao so với mọi năm

Số bệnh nhân mắc bệnh sởi trong đầu năm 2019 tăng cao so với mọi năm

Tuy chưa có ổ dịch lớn nhưng ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Còn tại TP.HCM, số ca mắc sởi phải nhập viện điều trị có xu hướng giảm nhẹ, tại các tỉnh phía Nam số trường hợp mắc bệnh vẫn không ngừng tăng. Việc không tiêm phòng vaccine sởi là lý do khiến trẻ khi mắc sởi bệnh càng nặng hơn. Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), 90% trẻ nhập viện vì bệnh sởi chưa tiêm phòng vaccine sởi hoặc có tiêm phòng nhưng không đủ liều.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc sởi nhập viện tại bệnh viện không giảm so với trước Tết, trung bình 20 - 30 bệnh nhi mắc sởi nặng phải nhập viện. Các trường hợp mắc sởi đều không tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều nên nhiều ca bị biến chứng nặng như: viêm phổi, giảm thính lực, thậm chí giảm sức đề kháng, sau điều trị có thể bị chậm phát triển, còi xương.

Trong khi dịch sởi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì dịch sốt xuất huyết lại tăng đột biến. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018-2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới, đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.

Với thời tiết như hiện tại thì những bệnh dịch như sởi, sốt xuất huyết, ho gà, rubella, cúm tăng nhanh và không thể “coi thường”.

Bệnh sởi, rubella

Theo VNE, đây là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi trong những ngày thời tiết giao mùa

Biểu hiện của bệnh gồm sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh, cần đưa trẻ 9-12 tháng đi tiêm văcxin phòng sởi mũi một và tiêm nhắc lại mũi hai khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm văcxin sởi-rubella cho trẻ ở độ tuổi 1-14; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Cần lưu ý không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung thông thường 1-2 lần một ngày. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày...

Bệnh ho gà

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng.

Bệnh hiện ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc, với khoảng 550 ca bệnh từ đầu năm đến nay, ba trường hợp tử vong. Biểu hiện của bệnh gồm sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính.

Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Chủ động đưa trẻ đi tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

- Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.

- Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.

Bệnh cảm cúm

Cảm cúm là dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa hoặc vào những ngày đông lạnh giá. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vây, cơ thể chúng ta phản ứng không kịp, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập. Bệnh này thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi, đờm của người bị bệnh.

Bệnh cảm cúm nặng thường có triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ... Bạn cần tìm gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chữa trị kịp thời dứt điểm.

Uống nước ấm, tránh ăn đồ lạnh, tăng cường bổ sung các loai rau quả tươi có chứa vitamin C, ăn đủ bữa... là những điều cần lưu ý để phòng tránh căn bệnh này.

Bệnh viêm đường hô hấp

Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh đột ngột là thời điểm thích hợp cho các loại vi-rút hợp bào phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng ăn uống chúng.

Bệnh viêm đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng

Viêm đường hô hấp thường có biểu hiện như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy nhẹ… Để phòng tránh căn bệnh này bạn cần lưu ý luôn đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc trong môi trường đông người, luôn tăng cường, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để tăng khả năng miễn dịch, phòng tránh bệnh hiệu quả.

Bệnh virus Adeno

Bệnh có nhiều tuýp huyết thanh nên biểu hiện lâm sàng đa dạng: viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm họng, viêm kết mạc, có thể gây tiêu chảy… Hiện chưa có văcxin phòng bệnh Adeno.

Trường hợp nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Trường hợp nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng thì cần được điều trị và cách ly tại bệnh viện.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-benh-dich-khong-the-coi-thuong-trong-mua-dong-xuan/799434.antd