Những bệnh cực kỳ nguy hiểm từ lợn có thể truyền sang người

Những sở thích ăn nem chua, nem thính, tiết canh hay do quá trình chế biến thực phẩm không chín kỹ, món thịt lợn bổ dưỡng có thể trở thành 'sát thủ', lây truyền sang người những căn bệnh khủng khiếp.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia y tế, có trên 20 loại bệnh truyền nhiễm từ lợn bệnh, lợn chết có thể lây sang người cho dù thức ăn đã được nấu chín. Các vi khuẩn gây bệnh này sẽ sinh ra những độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng. Chẳng hạn, vi khuẩn thương hàn lây sang người có thể là thương hàn hoặc một bệnh ở dạng khác. Bệnh lepto gây vàng da cho người, bệnh dấu son lây sang người biểu hiện qua dấu son. Hoặc nhiều bệnh ký sinh trùng khác từ lợn có thể lây sang người như sán lãi, sán dây....

Bệnh lở mồm long móng

Theo PGS - TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, bệnh lở mồm long móng ở heo có lây sang người (nhưng tỷ lệ thấp).

Bệnh chủ yếu lây qua đường tiếp xúc ăn uống, vi-rút gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất vẫn là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn

ThS. Nguyễn Trung Cấp (khoa Điều trị tích cực, Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn nhiễm virus lợn tai xanh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn.

Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… khi đó cơ thể người sẽ hấp thụ một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt, trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

Khi mổ thịt những con lợn bệnh, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… khi đó cơ thể người sẽ hấp thụ một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Ảnh minh họa: Internet

Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân rất dễ tử vong bởi khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, người nhiễm có thể có 1 trong 3 biểu hiện bệnh cảnh là viêm màng não mủ đơn thuần, nhiễm trùng huyết đơn thuần hoặc phối hợp cả hai. Với những trường hợp liên cầu khuẩn lợn gây ra thể bệnh phối hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết, người bệnh có biểu hiện rất nặng nề như bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất hiện hoại tử dưới da, suy chức năng hô hấp, tuần hoàn, thận và gan. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể viêm màng não thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu và nôn, sau đó có thể bị hôn mê nhưng không xuất huyết bên ngoài.

Với bệnh nhân viêm màng não, nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ bớt khó khăn. Nếu phát hiện muộn, người bệnh có thể bị phù não, thậm chí tử vong hoặc để lại các di chứng nặng như động kinh.

Bệnh giun xoắn

Là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Nguồn bệnh chủ yếu là lợn, bệnh lây sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.

Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, mức độ bệnh phụ thuộc mức độ nhiễm ấu trùng, độ toan dịch vị và tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh nhân có đi lỏng nhiều thì tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn nhiều. Sau khoảng 15 ngày kể từ khi ấu trùng từ máu vào cơ vân và tạo thành kén, có các biểu hiện chủ yếu sau: Sốt, đau cơ phù nề …Nếu không điều trị kịp thời có thể có nhiều biến chứng xảy ra như suy hô hấp, suy gan, suy tim, suy kiệt, bội nhiễm, đau đầu, mê sảng…

Mua thịt lợn tại những cơ sở uy tín và nấu chín kỹ là biện pháp phòng bệnh lây từ lợn sang người hiệu quả. Ảnh minh họa: Internet

Bệnh lợn tai xanh

Dễ kết hợp với các bệnh khác và gây nguy hiểm đến tính mạng: Được biết, bệnh tai xanh ở lợn được phát hiện cách nay cả chục năm và hiện nay đây vẫn đang là một đại dịch bệnh đối với ngành chăn nuôi.

Trường hợp lợn mắc bệnh nặng thì các hạch đều bị sưng, thịt bị nhão, có màu đỏ. Phổi hiện rõ các rãnh, thận bị xuất huyết. Bệnh lợn tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm lợn, tụ huyết trùng, tả, thương hàn. Đối với bệnh cúm lợn kết hợp với bệnh tai xanh thì khả năng lây sang người rất ít. Còn bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, thương hàn có thể lây rối loạn hệ thống tiêu hóa ở người.

Dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người, kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Không giống như cúm lợn, bệnh tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Hòa Thuận (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/nhung-benh-cuc-ky-nguy-hiem-tu-lon-co-the-truyen-sang-nguoi-1393114.tpo