Những bê bối chính trị 'rung chuyển' thế giới năm 2018

Cùngđiểm lại các vụ bê bối chính trị khiến thế giới trải qua một năm 2018 với nhiều sóng gió.

Năm 2018, thế giới chứng kiến hàng loạt các vụ bắt giữ, các lệnh trừng phạt và những tranh cãi chính trị không hồi kết.

Cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh

Ngày 4/3/2018, cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và Yulia Skripal được phát hiện bất tỉnh tại nơi công cộng ở thành phố Salisbury, Anh. Giới chức trách Anh nhanh chóng cáo buộc Nga đứng sau vụ việc, trong khi Matxcơva đanh thép phủ nhận. Vụ việc gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga-phương Tây tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Cho đến nay chính phủ Anh và các cơ quan điều tra quốc tế vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cáo buộc Nga.

Bê bối tham nhũng Quỹ phát triển nhà nước Malaysia 1MDB

Khi Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad lên nắm quyền vào tháng 5/2018, chính quyền của ông đã mở lại cuộc điều tra vụ bê bối Quỹ 1MDB. Không lâu sau đó, cựu Thủ tướng Najib Razak (bên trái) bị cấm xuất cảnh trước khi bị buộc tội rửa tiền và lạm quyền. Vợ ông là Rosmah Mansor (bên phải) cũng bị bắt giữ với nhiều cáo buộc, trong đó bao gồm các hành vi rửa tiền cùng một số tội danh khác. Malaysia đang phát lệnh truy nã tài phiệt Jho Lowsau với cáo buộc rửa 400 triệu USD tiền biển thủ được từ 1MDB để sử dụng cho mục đích cá nhân ở Mỹ. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ và 2 cựu nhân viên ngân hàng này cũng bị cáo buộc liên quan đến vụ tham nhũng và rửa tiền tại 1MDB.

Nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại

Nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi (phải) được nhìn thấy lần cuối cùng ngày 2/10 khi đến lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau thời gian phủ nhận liên quan, Ả Rập Xê Út xác nhận nhà báo Washington Post chết trong lãnh sự quán nhưng không làm rõ được vị trí thi thể của ông. Vụ sát hại với nhiều thông tin về các tình tiết rùng rợn khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, làm rạn nứt mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và các nước phương Tây trong khi Thái tử Ả Rập Xê Út (trái) hứng chịu nhiều chỉ trích và bị tình nghi là người đứng sau chỉ thị vụ việc.

Cựu Chủ tịch Interpol bị bắt giữ

Cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ) bất ngờ mất tích cuối tháng 9/2018 khi đang tại chức. Trung Quốc sau đó tuyên bố đang bắt giữ ông này để điều tra cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước", đồng thời thư từ chức của ông được gửi đến trụ sở Interpol ở Pháp và có hiệu lực ngay lập tức. Sự việc khiến giới quan sát đặt câu hỏi khi Bắc Kinh sẵn sàng bắt giữ lãnh đạo của một tổ chức quốc tế, điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng hình ảnh toàn cầu của nước này. Ông Mạnh là người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016. Chủ tịch hiện tại là ông Kim Jong-yang người Hàn Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ

Giám đốc tài chính công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi (từng là quan chức quân đội Trung Quốc) - bà Meng Wanzhou (Mạch Vãn Chu) bị bắt tại Vancouver, Canada ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Vụ việc làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trên đà đàm phán có thể căng thẳng trở lại, dù hai bên tuyên bố tách bạch vụ việc với các cuộc đối thoại. Không lâu sau, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc làm hại an ninh quốc gia nước này, làm nổ ra căng thẳng Trung Quốc - Canada và các nước lên tiếng phản đối vụ bắt giữ.

Nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016

Quan hệ Nga – Mỹ năm 2018 bị bóng đen nghi vấn 'Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016' bao trùm, trong đó ông Donald Trump đã giành chiến thắng bất ngờ trước đối thủ Hillary Clinton. Tháng 7/2018, Mỹ cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga xâm nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ năm 2016. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga, ông Trump vấp phải làn sóng chỉ trích khi không công khai buộc tội Tổng thống Putin. Một cuộc điều tra hiện đang được thực hiện bởi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller và Quốc hội hai nước Nga – Mỹ, liên quan đến cáo buộc.

Hàng loạt cựu thân tín của Tổng thống Trump vướng vào vòng lao lý

Michael Cohen (trái), cựu luật sư thân cận từng nói sẵn sàng nhận đạn thay cho Tổng thống Trump, bất ngờ nhận các tội danh tài chính trong chiến dịch tranh cử và tuyên bố được ông Trump chỉ thị. Vụ việc khiến Tổng thống Mỹ trải qua quãng thời gian "sóng gió", đứng trước viễn cảnh bị luận tội hoặc trở thành tổng thống đầu tiên bị bắt giam, đặc biệt là khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện ở Quốc hội mới đã nhăm nhe đào sâu điều tra những tổ chức và cá nhân liên quan đến ông. Paul Manafort (phải), cựu chủ tịch chiến dịch của Trump, cũng bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến thuế và ngân hàng trong tháng 8.

Mỹ truy tố hàng loạt gián điệp Trung Quốc ăn cắp công nghệ hàng không

Mỹ tố một nhóm 10 người dẫn đầu bởi các đặc nhiệm chi nhánh tỉnh Jiangsu của Bộ An ninh Trung Quốc (MSS) đã cố gắng xâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp từ một văn phòng ở Suzhou, Trung Quốc. Cả hai công ty đều là nhà sản xuất động cơ turbofan được sử dụng trong các máy bay thương mại, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/10 cho biết. Ngày 20/12, Mỹ tiếp tục tố Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ từ ít nhất 12 quốc gia trong một chiến dịch tin tặc khổng lồ nhằm phục vụ siêu chiến lược 'Made in China 2025'. Hơn 90% các cáo buộc phản gián trong 7 năm qua của Mỹ liên quan đến Trung Quốc, các sản phẩm công nghệ Trung Quốc cũng bị Mỹ tình nghi cài cắm thiết bị tình báo ăn cắp dữ liệu.

(Tổng hợp)

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-be-boi-chinh-tri-rung-chuyen-the-gioi-nam-2018-d448923.html