Những bất thường trong vụ án mạng xôn xao Hà Tĩnh: Có dấu hiệu 'kịch bản đổ tội'

Quá trình điều tra vụ án mạng xôn xao hà tĩnh này có nhiều dấu hiệu của một 'kịch bản đổ tội' , vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Tin nên đọc

Giết người để chiếm chỗ ngủ trên võng

Bắt thêm đồng phạm trong vụ giết người sau mâu thuẫn “chia ma túy” ở Huế

Quảng Ninh: Hai nghi phạm giết người ra đầu thú

Vì sao tòa cấp cao trả hồ sơ điều tra lại nghi án giết người tại số 8 Lê Ngọc Hân, Hà Nội?

Vụ án có 3 bị cáo bị truy tố về tội giết người thì một người không ngừng kêu oan. một người nói bị cQđt ép khi lấy lời khai. người còn lại ra đầu thú lại có biên bản “thả” cho về và liên tục thay đổi lời khai.

Quá trình điều tra vụ án mạng xôn xao hà tĩnh này có nhiều dấu hiệu của một 'kịch bản đổ tội' , vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

CQĐT bị tố ép cung

Phiên sơ thẩm đầu tiên mở vào các ngày 19 – 20/10/2017 tại TAND tỉnh Hà Tĩnh, hơn một năm sau ngày trọng án. Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là ông Trần Hồng Hải, đại diện VKSND tỉnh là các ông Trần Trọng Thưởng, Phan Thanh Nam. Các bị cáo Trần Văn Thìn (SN 1976), Nguyễn Đức Hiệp (SN 1981), Hồ Anh Tuấn (SN 1984, cùng ngụ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được cách ly khi thẩm vấn.

Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Thìn kể, khi Thìn cùng Tuấn áp sát nạn nhân Nguyễn Văn Đắc (SN 1989, ngụ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Thìn trở sống kiếm chém một nhát vào người, còn Tuấn đấm, ôm Đắc, sau đó thấy nạn nhân gục xuống.

Thìn khai mình không đâm nạn nhân, cũng không biết ai đâm. Đáng chú ý, bị cáo khẳng định lúc này không nhìn thấy Hiệp – người bị các cơ quan tố tụng cáo buộc có hành vi trực tiếp đâm nạn nhân. Lời khai này không giống với một số lời khai trước của Thìn tại CQĐT.

Chủ tọa phiên tòa hỏi Thìn: - Trong quá trình lấy lời khai bị cáo có bị ép cung gì không? - Không - Bị cáo cam đoan các lời khai của bị cáo đều đúng? Vậy lời khai đầu tiên bị cáo nói có nhìn thấy Hiệp, bị cáo trả lời như thế nào về lời khai này?

- Từ đầu bị cáo đã khai là không thấy Hiệp, nhưng CQĐT cứ ép bị cáo nên bị cáo phải khai như thế.

- Bị cáo đã trả lời không bị ép cung cơ mà?

- Nhưng việc bị cáo không nhìn thấy Hiệp là đúng. Bị cáo đang bị hai người chặn đánh trước cổng nhà, không thể để ý đến xung quanh được. Trong khi đó trên sân có quá nhiều người.

- Vậy lời khai tại CQĐT là bị cáo khai không đúng?

- Bị cáo đã khai là không thấy Hiệp nhưng CQĐT đặt câu hỏi tại sao vụ án liên quan đến bị cáo mà bị cáo không biết, nên buộc bị cáo phải khai như vậy.

- Bị cáo chứng minh được việc bị cáo trình bày?

- Không. Vì lúc đó chỉ có điều tra viên và bị cáo. Làm sao bị cáo chứng minh được. Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay bị cáo mới khẳng định, bị cáo hoàn toàn không nhìn thấy Hiệp tham gia vây đánh anh Đắc và đâm anh Đắc.

Cùng về vấn đề trên, luật sư hỏi Thìn: - Bị cáo trình bày lý do bản cung bị cáo khai không đúng sự thật tại CQĐT và xin khai lại?

- Bị cáo khai là bị cáo không thấy Hiệp vây đánh Đắc, cũng như không thấy Hiệp đâm Đắc là chính xác. Nhưng CQĐT lại hỏi tại sao liên quan đến bị cáo mà bị cáo không nhớ, nên CQĐT không tin.

- Có bao nhiêu bản cung như vậy?

- Khoảng 3 đến 4 bản cung có tình trạng như vậy.

-Sau đó tại sao bị cáo lại khai lại?

- Lúc đó có mặt luật sư thì bị cáo đã khai lại. Nội dung trên được ghi tại biên bản phiên tòa đầu tiên. Sau đó HĐXX hoãn phiên tòa để làm rõ các tình tiết liên quan đến cuộc gọi giữa Hiệp – Tuấn, kiểm tra lại quãng đường từ nhà Hiệp đến sân vận động (như các kỳ trước phản ánh).

Tại phiên xử tiếp theo ngày 14/12/2017, tòa một lần nữa chất vấn Thìn về lời khai mâu thuẫn. Một lần nữa, bị cáo này nói: “Bị cáo thống nhất trong lời khai, không có mâu thuẫn. Chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình không tin lời khai của bị cáo.

Lúc bị cáo tiến đến nạn nhân Đắc, bị cáo là người đi trước, còn những ai đi sau đó bị cáo không thể biết được. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng buộc bị cáo phải biết là không đúng”.

Thìn tiếp tục khẳng định khi vây đánh Đắc thì chỉ thấy Tuấn ôm cổ nạn nhân. Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiệp cho rằng: Hoạt động lấy lời khai tại CQĐT có dấu hiệu thể hiện sự ép cung, cần mở phiên tòa thẩm vấn công khai.

Nhưng chủ tọa không cho bị cáo khai rõ hơn. Cho đến khi khép lại phiên sơ thẩm bằng bản án hơn chục năm tù với 3 bị cáo về tội Giết người, nghi vấn ép cung cũng không được HĐXX đề cập đến.

Kịch bản đổ tội?

Ngoài bị cáo Thìn xin “khai lại” như trên, bị cáo Tuấn cũng thay đổi lời khai liên tục: Từ đầu nhận tội, sau đổ cho Thìn, cuối cùng khai Hiệp trực tiếp đâm nạn nhân. Về vấn đề này, tòa hỏi Tuấn: - Tại sao trước đó bị cáo nhận là bị cáo đâm và ra đầu thú?

- Vì trước đó anh Hiệp luôn giúp đỡ bị cáo, bị cáo xem anh như anh trai của mình. Sự việc xảy ra, bị cáo nói với anh Hiệp là để bị cáo nhận tội thay cho nên bị cáo mới khai với CQĐT là bị cáo đâm.

- Vậy tại sao sau đó bị cáo lại khai là Thìn đâm? - Có một số bản khai thì bị cáo khai Thìn đâm vì bị cáo nghĩ mọi việc xuất phát từ Thìn. Sự việc do mâu thuẫn giữa Thìn và anh Sơn (Hồ Xuân Sơn là bị cáo đưa người đến tìm đánh Thìn trả thù, lĩnh án 18 tháng tù treo – PV). Bị cáo và Hiệp không liên quan gì cả mà tự nhiên lại bị dính vào.

- Tại sao sau đó bị cáo lại khai là Hiệp đâm? - Vì được sự động viên của CQĐT là “nên khai báo đúng sự thật”, nên bị cáo mới khai lại đúng như những gì đã xảy ra. “Sự thật” như Tuấn khai là Hiệp đâm. Lời khai này được các cơ quan tố tụng ghi nhận.

Theo đó, vụ án được dựng lại như sau: khoảng 19h ngày 10/7/2016, Hiệp gọi điện cho Tuấn nói về nhà Hiệp lấy “đồ”. Tuấn đang ở quán bi da, chạy xe máy về nhà Hiệp lấy 2 con dao, đi ra sân bóng. Tuấn, Hiệp, Thìn mỗi người đều cầm dao, kiếm vây đánh nạn nhân. Nạn nhân bị đâm và tử vong tại viện. Sau khi chạy khỏi sân bóng, Hiệp nói cho mọi người biết mình “lỡ tay đâm”.

Tuấn nói “để em chịu cho”. Mọi người bàn bạc việc Tuấn nhận tội thay Hiệp, cho Tuấn nhận dạng chiếc áo màu đỏ Hiệp mặc khi gây án (CQĐT không tìm được chiếc áo này và dao, kiếm do Hiệp, Thìn sử dụng - PV). Đến 22h30 cùng ngày, Tuấn đến Công an huyện Hương Sơn đầu thú.

Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ câu chuyện, người ta thấy những diễn biến trong câu chuyện của Tuấn cũng có nhiều nghi vấn. Tại phiên tòa đầu tiên, Tuấn khai đã bị Công an thu giữ điện thoại di động ngay trong đêm, “không được lập biên bản mà bị thu giữ luôn” và “chắc chắn” về điều này.

Tại phiên xử 2 tháng sau, luật sư hỏi, bị cáo thay đổi “không biết có lập biên bản không”. Biên bản tạm giữ này liên quan đến các cuộc gọi đi – đến liên tiếp của số máy Tuấn trong đêm 10/7, rạng sáng 11/7.

Bản kê cuộc gọi được CQĐT thu thập. Như vậy, khi đã đến Công an và bị thu giữ điện thoại, tại sao Tuấn vẫn có thể liên lạc với những người khác? Đặc biệt, trong đêm “mấu chốt” này, CQĐT không ra biên bản tạm giữ Tuấn mà lại ra “Biên bản giao trách nhiệm”, cho Tuấn về nhà “chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật”.

Trong bút lục vụ án, nội dung Biên bản thể hiện: “Vào hồi 3h30 ngày 11/7/2016, tại Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi gồm:

1. Ông Đậu Việt Dũng – Điều tra viên – Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh 2. Ông Trần Trung Kiên – Cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Hà Tĩnh 3. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cán bộ phòng PC45 Công an tỉnh Hà Tĩnh Tiến hành lập biên bản giao trách nhiệm đối với Hồ Anh Tuấn”. …

“Do sự việc mới xảy ra, có sự liên quan và tham gia của nhiều người cần có thời gian để điều tra, xác minh làm rõ những nội dung Tuấn khai nhận. Vì vậy, sau khi làm việc xong, CQĐT đã cho Tuấn về và giao trách nhiệm chấp hành đúng pháp luật, có mặt theo yêu cầu của CQĐT…”.

“Kết thúc buổi làm việc, Tuấn ra về trong tình trạng sức khỏe bình thường. Biên bản được lập xong vào hồi 4h0 cùng ngày”.

Luật sư hỏi Tuấn nói biên bản này không đúng. Tại sao có chữ ký của bị cáo, Tuấn nói không biết. Bị cáo nói không nhớ rõ bị tạm giữ ở Công an huyện Hương Sơn bao lâu, chỉ nhớ ở phòng làm việc, không được đi ra ngoài, chỉ ngồi ở bàn.

Đối với một vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nghi can ra tự thú, vì sao CQĐT không ra biên bản tạm giữ mà lại ra “Biên bản giao trách nhiệm”?

Luật sư đã đề nghị VKSND Hà Tĩnh làm rõ hoạt động tố tụng này. Luật sư tại tòa cho rằng vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, để từ đó bị cáo Tuấn có thời gian thay đổi liên tục về lời khai. Điều này cần đánh giá năng lực, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đại diện VKS im lặng. Không chỉ bị cáo Tuấn, nhiều lời khai của nhân chứng cũng thay đổi theo hướng tương tự. Sự trùng hợp này khiến luật sư phải nêu nghi vấn: Vụ án có sự bàn bạc “nhận tội thay” hay “đổ tội thay”? Những “điểm mờ” tố tụng trong vụ án chưa dừng ở đây. CCPL sẽ phản ánh trong bài sau.

Tuyết Lan

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nhung-bat-thuong-trong-vu-an-mang-xon-xao-ha-tinh-co-dau-hieu-kich-ban-do-toi-d76061.html