Những bất cập và khó hiểu của Sabeco

Dù thương vụ Sabeco rất đáng chú ý và là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam, vẫn còn những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cho là bất cập và 'khó hiểu'.

Càng gần đến ngày chính thức chào bán 53,59% cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco-mã SAB) 18/12/2017, càng rộ lên nhiều đồn đoán về nhà đầu tư nước ngoài sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến cam go này.

Trước đó, ngày 29/11/2017, Bộ Công Thương đã công bố thông tin đợt chào bán công khai 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Tổng giá trị theo mệnh giá là 3.437 tỷ đồng và mức giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phần. Theo đại diện Bộ Công Thương, phương thức chào bán là chào bán cạnh tranh giữa các nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia mua cổ phần, theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Với mức giá chào bán khởi điểm lên tới 320.000 đồng/cổ phần (các công ty bia Nhật nhận định đây là mức giá cao phi lý), cùng thời gian chào bán ngắn kỷ lục tính từ lúc công bố thông tin đến lúc bỏ phiếu đấu giá chỉ có 3 tuần và điều kiện tham gia khá khó (khó cho phép nhà đầu tư tiềm năng tiến hành khảo sát minh bạch (Due Deligence), soát xét hệ thống kế toán, thuế, vấn đề quản trị… tại Sabeco), các nhà đầu tư nội cùng nhà đầu tư ngoại không đủ am hiểu Sabeco sẽ tự “rơi rụng” hết do không đáp ứng được điều kiện thầu.

Do vậy, đợt chào bán này có thể nói là sân chơi cho không nhiều các “đại gia” quốc tế nhiều tiền nhưng phải am hiểu M&A Việt Nam và có thể đưa ra quyết định nhanh chóng bởi ông chủ các đế chế kinh doanh thuộc sở hữu của các gia tộc châu Á.

Đó là lý do chúng ta không thấy phía AB Invev của Mỹ thể hiện quyết tâm mua bằng được cổ phần SAB, dù tập đoàn bia số 1 thế giới này có tiềm lực tài chính rất hùng mạnh và rất muốn sở hữu Sabeco. Tương tự là các tập đoàn Nhật Bản như Kirin và Asahi vốn nổi tiếng minh bạch và vô cùng thận trọng trong việc lựa chọn doanh nghiệp mua với các điều kiện đàm phán chặt chẽ.

Theo Reuters, dù thương vụ Sabeco rất đáng chú ý và là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam, vẫn còn những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cho là bất cập và "khó hiểu".

Lấy ví dụ như việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư ngoại. Mặc dù việc bán cổ phần tại Sabeco đã được biết đến từ lâu, song những chi tiết về quy mô, giá cả của đợt thoái vốn chỉ được công bố vào tuần cuối của tháng 11. Điều đó đồng nghĩa những nhà đầu tư thực sự quan tâm sẽ chỉ có 3 tuần để chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, hoàn thành các thủ tục liên quan và thu xếp tiền đặt cọc, mở tài khoản.

Thêm vào đó, không giống như các cuộc đấu giá quen thuộc ở các thị trường phát triển, nơi mà các nhà đầu tư có thể được điều chỉnh mức giá mua trong một vài vòng, các nhà đầu tư quan tâm Sabeco cần phải nộp một mức giá duy nhất cho một số lượng cổ phần cụ thể được đặt trong một phong bì niêm phong.

Các hồ sơ tham dự đấu giá sẽ được xếp hạng theo giá đăng ký mua, vì vậy nhà đầu tư trả giá cao nhất sẽ mua được số cổ phần đăng ký và lượng cổ phần còn lại sẽ được bán cho các nhà đầu tư với mức giá thấp hơn tiếp theo.

Ví dụ, nếu một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 25% cổ phần của Sabeco và giá của công ty này đưa ra là cao nhất, họ sẽ giành được toàn bộ 25% cổ phần đó. 14% cổ phần còn lại sẽ được bán cho các nhà đầu tư còn lại đã đưa ra mức giá ban đầu thấp hơn.

Điều này sẽ khiến những nhà đầu tư có mong muốn mua 26% hay thậm chí 39% cổ phần sẽ không có được cổ phần như mong muốn vì đã đưa ra giá thấp hơn người muốn mua 25% cổ phần nói trên.

"Mọi người biết quá trình này không ổn và họ đang cố giải quyết vấn đề", đại diện một ngân hàng nói với Reuters.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-bat-cap-va-kho-hieu-cua-sabeco-218925.htm