Những bảo vật của Trung Quốc lưu lạc khắp thế giới

Ấn vàng ròng thời Đông Hán, đàn dây từ thế kỷ thứ 7 hay tranh cổ đời Tống nằm trong số 1,67 triệu cổ vật Trung Quốc lưu lạc tại hơn 200 viện bảo tàng ở 47 quốc gia.

Các cổ vật thất lạc bao gồm nhiều loại như: thư pháp, đồ đồng, sứ, sách cổ... Bức tranh hoa được vẽ năm 1197 từ thời nhà Tống. Hiện nay bức tranh nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Quốc gia Tokyo. Ảnh: People.cn.

Hầu hết cổ vật này đang thuộc sở hữu của các viện bảo tàng hoặc nhà sưu tập tư nhân ở Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Tượng đồng "Lão hổ thực nhân" thời nhà Thương (khoảng thế kỷ 16 tới thế kỷ 11 trước Công nguyên). Hiện bức tượng được trưng bày tại bảo tàng Izumiya, Nhật Bản. Ảnh: People.cn.

Hơn 23.000 cổ vật Trung Quốc được trưng bày trong Bảo tàng ở Anh và trong số 300.000 bộ sách khắc chữ có gần 13.000 bản được lưu trữ tại Nhật. Bộ Bách khoa toàn thư "Vĩnh lạc Đại điển" được biên soạn vào năm 1403 dưới thời Minh Thành Tổ nhà Minh và hoàn thành năm 1408. Bộ sách gồm 11.095 cuốn sách, chia thành 22.877 tập. Bộ sách tập hợp hơn 8.000 văn bản trên mọi lĩnh vực của các triều đại từ thời Tần tới thời Minh. Sau nhiều biến động lịch sử, bộ sách bị thất lạc và hiện chỉ còn khoảng 400 tập. Các cuốn trong bộ "Vĩnh lạc Đại điển" hiện được lưu trữ riêng lẻ tại bảo tàng và thư viện nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Theo các chuyên gia, kinh phí hạn chế là một trở ngại cho Trung Quốc trong việc mua lại cổ vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm đưa các cổ vật từ nước ngoài về nước. Bát uống trà Yohen Temmoku được tạo ra từ thời Nam Tống (1127-1279). Họa tiết bên trong trông giống như bầu trời đầy sao, vì vậy người Nhật gọi nó là "một vũ trụ trong bát". Nó đang được lưu trữ tại Tokyo. Ảnh: People.cn.

Cây đàn cổ 5 dây được tạo ra từ thời nhà Đường (618-907). Đây là cây đàn cổ 5 dây đời Đường duy nhất còn lại và được coi là một "báu vật" quốc gia. Nó được đưa đến Nhật Bản thời nhà Đường và được trưng bày ở Imperial House. Ảnh: People.cn.

Cặp bình sứ tráng men trắng xanh David. Cặp bình được làm tại Trấn Cảnh Đức, Giang Tây. Sau đó, chúng được hiến tặng cho một ngôi đền của Đạo giáo vào năm 1351. Chúng được thu thập bởi Percival David, nhà sưu tập gốm sứ sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Cặp bình được cho là bằng chứng của những đồ sứ tráng men trắng xanh ra đời sớm nhất tại Trung Quốc. Hiện cặp bình sứ được trưng bày tại Viện bảo tàng Anh Quốc. Ảnh: China Daily.

Kim ấn của Thiên hoàng nước Nô (Nakoku). Ấn vàng được chế tác tại Trung Quốc vào thời Đông Hán. Ấn nặng 0,1 kg và được làm từ 95% vàng nguyên chất. Theo sử sách, ấn vàng được Hán Quang Vũ Đế tặng cho một phái đoàn ngoại giao từ Nhật Bản năm 57 sau Công nguyên. Nó được tìm thấy vào năm 1784 trên đảo Shikanoshima quận Fukuoka, Nhật Bản. Hiện ấn vàng được trưng bày tại bảo tàng thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: People.cn.

Bức chạm khắc trên đá "Chiêu Lăng lục tuấn", tức "6 con tuấn mã tại lăng vua Đường Thái Tông". 6 bức chạm khắc được thực hiện năm 636 và hoàn thành năm 649 dưới thời vua Đường Thái Tông. Chúng bị hư hỏng năm 1914 bởi những kẻ trộm mộ. 2 trong số các bức chạm khắc được chuyển ra nước ngoài. Bảo tàng Đại học Pennsylvania, Mỹ hiện lưu giữ 1 bức chạm khắc. Ảnh: China Daily.

Bình gốm tráng men "Kháp ti pháp lang" thời Minh Tuyên Tông (1426 - 1435). Nó được trang trí họa tiết thần long há miệng đuổi theo viên ngọc lớn, thể hiện sức mạnh và tham vọng của nhà vua. Bình gốm hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng Anh. Ảnh: China Daily.

Bức tranh "Nữ sử trâm đồ" thời nhà Đường (618 - 907). Bức tranh ghi lại 12 câu chuyện tiếu lâm châm biếm Hoàng hậu Giả Nam Phong nhà Tây Tấn. Bức tranh được vẽ bằng mực và màu trên lụa. Nó được lưu trữ tại Tử Cấm Thành trước khi bị quân đội Đế quốc Anh cướp đi năm 1900 trong sự kiện liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh. Hiện bức tranh được trưng bày tại Viện bảo tàng Anh. Ảnh: China Daily.

VIDEO: Chùa 1.000 năm tuổi 'ngập' trong tiền ở Trung Quốc

Hầu hết du khách đến thăm chùa Lôi Phong ở thành phố Hàng Châu đều ném tiền xu hoặc tiền giấy để cầu may mắn, gây ảnh hưởng đến mỹ quan di tích.

Duy Anh - Oanh Vũ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-bao-vat-cua-trung-quoc-luu-lac-khap-the-gioi-post763721.html