Những bản tình ca công chúng nổi tiếng

Cho đến hôm nay, trong các liên hoan văn nghệ, đặc biệt là các hoạt động công chúng, các cây văn nghệ nghiệp dư thường hát những ca khúc có từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, làm cho mọi người đều xúc động thấu cảm từng nét của thanh âm giai điệu. Đây là sự kỳ diệu của âm nhạc giàu cảm xúc của một thời rất xa.

Cho đến hôm nay, trong các liên hoan văn nghệ, đặc biệt là các hoạt động công chúng, các cây văn nghệ nghiệp dư thường hát những ca khúc có từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, làm cho mọi người đều xúc động thấu cảm từng nét của thanh âm giai điệu. Đây là sự kỳ diệu của âm nhạc giàu cảm xúc của một thời rất xa.

Chúng ta có thể kể đến ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sĩ quê Quảng Bình - Hoàng Sông Hương sáng tác ngay sau khi đất nước giải phóng. Ngay từ mở đầu, người nghe đã thấy một bức tranh thật đẹp của người ngư dân đánh cá với tâm hồn phơi phới đầy lạc quan yêu đời, yêu lao động. Bài hát với lời ca rất chân chất, mộc mạc về chồng đánh cá, vợ trồng lúa khoai. Giai điệu tác giả sử dụng trên nền của điệu hò miền Quảng Bình âm vang trên dòng Kiến Giang! Nói về chuyện đánh cá, trồng lúa mà sao lại hay thế, mượt mà tha thiết thấm sâu đến thế? Đó chính là tài của nhạc sĩ. Bài hát được giải thưởng của Bộ Nông nghiệp năm 1976, từ đó tới nay sống mãi với thời gian. Quảng Bình thật tự hào có 2 ca khúc nổi tiếng: “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân) và “Tình ta biển bạc đồng xanh”.

Thái Bình cho đến hôm nay vẫn cảm nhận được điều tuyệt vời từ “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An viết dành cho mảnh đất lúa của mình. Hiếm có bài hát nào lại liệt kê những địa danh, đặc sản, thế mạnh của miền đất gọn gàng trong lời ca khúc như trong “Nắng ấm quê hương”. Nhạc sĩ Vĩnh An quê Tây Sơn - Bình Định tập kết ra Bắc, những lần về với Thái Bình thập niên 60 của thế kỷ trước, ông thực sự yêu mến mảnh đất quê hương 5 tấn nổi tiếng! Rồi trong một sáng mùa xuân tràn ngập nắng, nhạc sĩ đã viết ca khúc này. Từ đó đến nay, bài hát thành “Thái Bình ca”, được người Thái Bình hát ở bất cứ đâu vì lời ca kể về quê hương, giai điều rất mượt mà, hồn hậu chân chất. Với công chúng cả nước, “Nắng ấm quê hương” cũng như nắng ấm quê mình, luôn hát vang trong các cuộc vui cộng đồng.

Thập niên 60, 70, cùng với chiến đấu thì lao động ở miền Bắc XHCN thực sự là một cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ. Chúng ta vẫn nhớ: “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu” , “Cô thợ quét vôi” (Đỗ Nhuận), “Người đi xây hồ kẻ gỗ” (Nguyễn Văn Tý), “Bài ca xây dựng” (Hoàng Vân)…, tất cả đều hay nhưng “Trên công trường rộn tiếng ca” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính thực sự là một bức tranh tươi trẻ xinh xắn: “Đôi bồ câu trắng bay về… anh cùng em đi ra công trường”. Bài hát ra đời năm 1973, trở thành tình ca cho bao chàng trai, cô gái trên công trường lao động, có giai điệu tự nhiên, trong sáng rất nhẹ nhàng như tâm hồn của tuổi trẻ khi ấy… Cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn âm vang trong các cuộc vui của mọi người, kể cả lớp trẻ. Ai hát cũng tràn đầy sức sống như thở đầu của 50 năm trước.

Lược sơ như vậy để cảm nhận về những nét nhạc tưởng xưa cũ, lời ca cũng mộc mạc chân tình mà sao lại quyến rũ công chúng cho tới tận hôm nay. Chợt ngẫm thấy trong gần 20 năm qua, nền âm nhạc nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, nhất là hơn 10 năm nay có những bài hát phát trên internet, thu hút hàng triệu người xem và nghe nhưng không đến được với cộng đồng ở các cuộc vui, rất hiếm ai thuộc từ giai điệu và lời ca. Còn công chúng khi vui vẫn trở về với bài hát một thời mà ta gọi là “tình ca công chúng”. Đó chính là âm nhạc “trái tim” đích thực.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201906/nhung-ban-tinh-ca-cong-chung-noi-tieng-8119502/