Những bàn tay ấm đưa sách về bản xa

Cũng là những quyển sách thơm mùi giấy, nhưng sách ở thành thị và bản xa sẽ mang những giá trị khác nhau. Những quyển sách về đến bản xa mang theo cả tấm lòng người trao sách, và được đón nhận bởi những ánh mắt long lanh, nơi đó, quyển sách sẽ sống một đời sống với nhiều ý nghĩa đẹp…

Những người mang sách đi xa

Ở TP.HCM, nhiều người biết đến nhóm Chủ nhật yêu thương, một nhóm những người hoạt động thiện nguyện tích cực, hướng đến giúp đỡ những đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Trong đó, nổi bật là dự án vô cùng ý nghĩa mang tên “1001 Thư viện nơi bản xa”.

Trong quá trình hoạt động từ thiện, đi đến nhiều nơi, từ nông thôn, làng quê nghèo, miền núi, bản nhỏ…, anh Nguyễn Tú Anh, trưởng nhóm Chủ nhật yêu thương đã nhận ra sự thiệt thòi của những trẻ em vùng sâu vùng xa khi thiếu sách, món ăn quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần.

Từ đó, anh nghĩ đến một chương trình có thể hỗ trợ sách cho các em, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng cao, vùng sâu. Để rồi, năm 2014, chương trình 1000 thư viện nơi bản xa ra đời. Dự án được khởi động bằng việc xây dựng thư viện sách đầu tiên cho học trò nghèo tại tỉnh Bình Phước. Trong 6 năm qua, với sự miệt mài, nỗ lực của những thành viên trong nhóm Chủ nhật yêu thương, giờ đây đã có hơn 300 thư viện sách về đến các vùng đất nghèo, bản xa trên cả nước: Từ làng nghèo sát biên giới Campuchia, bản xa ở Đắk Lắk, Đắk Nông...

Sách của nhóm Chủ nhật yêu thương đã xuất hiện trong trường học, nhà văn hóa thôn xã, các tụ điểm văn hóa, thư viện gia đình mà còn có cả ở nhà chùa, nhà thờ…Đã có hàng ngàn trẻ em những vùng đất nghèo, người dân tộc thiểu số được tiếp cận với lượng sách nhóm đưa về. Điều đáng quý là thư viện không chỉ được lập lên, đưa sách về rồi “để đó”.

Những thành viên trong nhóm đều đồng hành cùng mỗi thư viện bằng cách thường xuyên cập nhật sách mới, rồi tổ chức liên kết giữa các thư viện các vùng với nhau để trao đổi sách. Từ đó, các thư viện sẽ có nguồn sách phong phú hơn, giúp trẻ em có hứng thú đọc hơn.

Khó có thể nói hết những nỗ lực và tấm chân tình của nhóm Chủ nhật yêu thương dành cho các em nhỏ thông qua những quyển sách được chuyển đi xa. Những thành viên trong nhóm tâm sự, họ như những người bị “ám ảnh” bởi sách, vì đi đâu, làm gì cũng luôn hướng đến việc làm sao để có thêm nhiều sách lập ra thư viện cho các em nhỏ.

Từ việc săn lùng trong các hiệu sách cũ mới, các gian hàng sách giảm giá, liên hệ các Mạnh thường quân, các đơn vị làm sách ủng hộ… Sách của nhóm chọn phải theo tiêu chí tươm tất, đẹp, nội dung phù hợp, có chất lượng, có ý nghĩa… chứ không phải “làm cho có” với số lượng đạt yêu cầu mà thả nổi chất lượng. Không chỉ gửi sách tạo thư viện, các thành viên trong nhóm còn tự bỏ chi phí đến thăm và tổ chức lễ hội sách để kết nối các em nhỏ.

Giờ đây, số người biết đến dự án ngày một nhiều hơn, và cũng ngày càng nhiều hơn những em nhỏ vùng sâu vùng xa được tiếp cận với sách. Thông qua những quyển sách mang tấm lòng người trao tặng, không ít em nhỏ đồng bào đã khai tâm mở trí, đã khám phá ra thế giới mới ngay bên trong tâm hồn mình, đã hiểu được những giá trị mới của cuộc sống, biết nỗ lực để thoát khỏi hủ tục, đói nghèo để vươn lên…

Nói đến các hoạt động đưa sách về bản, không thể không nhắc đến dự án "Sách hóa nông thôn" của anh Nguyễn Quang Thạch, được biết đến từ nhiều năm nay. Khởi đầu từ một tủ sách ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cho đến nay, chương trình Sách hóa nông thôn đã phủ sóng tủ sách sách ở rất nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.

Điều đặc biệt của Dự án chính là tuy xuất phát điểm chỉ là một mong muốn của một cá nhân, nhưng sau đó đã trở thành một dự án có sự tham gia mạnh mẽ, sự chung tay của khắp cộng đồng, từ các cá nhân, các tổ chức cho đến cả các dòng họ… Anh Nguyễn Quang Thạch làm vì đam mê, vì tấm lòng, nhưng với một cách thức hết sức chuyên nghiệp. Anh và đồng đội đã tiến hành khảo sát thói quen, hành vi đọc sách của trẻ em từ nhiều nơi.

Sau đó là những kế hoạch đánh giá định lượng, đánh giá định tính, những kế hoạch truyền thông bài bản. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Nhiều vùng đất dấy lên phong trào đọc, nhiều trường học hăng hái làm tủ sách, nhiều dòng họ lập “tủ sách họ tộc” cũng nhờ những nỗ lực từ dự án “Sách hóa nông thôn”.

Đến nay, hàng trăm ngàn cha mẹ học sinh, cựu học sinh, các thành viên xã hội, học sinh, thầy cô giáo, các nhà trường, cấp huyện, cấp tỉnh đã tạo ra hơn 30.000 tủ sách, mang lại cơ hội tiếp cận sách cho hơn 1.000.000 bạn đọc nông thôn. Những Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ, Tủ sách Giáo xứ… trở nên thân thuộc với người lớn, trẻ con nhiều vùng nông thôn nghèo khó.

 Sách về với trẻ em bản xa.

Sách về với trẻ em bản xa.

Với tác động mạnh mẽ của mình, “Sách hóa nông thôn” đã được nhiều Bộ, ngành ủng hộ với việc ban hành các văn bản yêu cầu nhân rộng các tủ sách của chương trình.. Ngày 1/9/2016, Chương trình “Sách hóa nông thôn” được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong.

Dùng sách để xây dựng con người

Chỉ thị số 42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, đã xác định cần tổ chức chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bản đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Để nâng cao dân trí, không chỉ cần đến giáo dục phổ cập. Sách cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn, gieo mầm những giá trị tốt đẹp. Tất nhiên, để sách về đến nôn thôn, vùng sâu, vùng xa cũng không phải chuyện dễ dàng. Trước hết là việc lựa chọn đầu sách phù hợp, tổ chức vận chuyển cũng như thiết lập các tủ sách ở miền quê, bản xa.

Thứ nữa, sách đã có thì một vấn đề khác không kém phần nan giải là tạo ra thói quen, văn hóa đọc cho thiếu nhi, cho người dân. Trong những năm qua, đã có nhiều chương trình của Chính phủ đưa sách về với vùng sâu vùng xa. Cạnh đó, mỗi một Bộ, ngành cũng có những dự án xây dựng tủ sách riêng ở khắp các tỉnh thành.

Như ngành Tư pháp nhiều năm nay đã phát triển mạnh hình thức “tủ sách tư pháp” kết hợp với các thư viện, tủ sách địa phương nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân thông qua sách chuyên ngành.

Tuy nhiên, để sách về bản xa, vùng sâu đến tay người đọc một cách hiệu quả, còn cần rất nhiều những bàn tay chung sức của các tổ chức, cá nhân cho lòng thành. Thành công rực rỡ của các dự án “Sách hóa nông thôn” hay “1001 Thư viện nơi bản xa” của các anh Nguyễn Tú Anh, Nguyễn Quang Thạch đã minh chứng cho điều đó.

Cạnh đó, những năm qua, còn không ít dự án lớn nhỏ khác đem sách về bản như Dự án từ thiện "Thư viện nhỏ trên núi" của chị Lan Anh với gần 10 thư viện, mỗi thư viện hơn 1.000 đầu sách, chưa tính sách giáo khoa; Dự án "Tủ sách Lam Sơn" của nhóm tri thức, doanh nhân là những người con xứ Thanh hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện sách theo mô hình "Tủ sách lớp học" với mục tiêu, tặng tủ sách cho các học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình vận động các tổ chức cá nhân tài trợ tặng sách, tư liệu cho các thư viện, xây dựng Tủ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Tặng sách cho các trường mang tên Tây Tiến, một số trường ở Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Tủ sách tại đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Đà Nẵng, 10 thư viện/tủ sách cơ sở khu vực đồng bằng sông Hồng; xây dựng 02 phòng đọc, thư viện cho 02 trường liên cấp tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; liên hệ tặng sách của PGS. TS Phạm Tú Châu cho thư viện tỉnh Nam Định...

Những tủ sách mang nghĩa tình ấy đã góp phần vào công cuộc nâng cao dân trí cho đồng bào, góp phần vào công cuộc khai phóng, thay đổi cuộc đời của rất nhiều con người.

Mai Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nhung-ban-tay-am-dua-sach-ve-ban-xa-538284.html