Những bài học trong việc trọng dụng hiền tài của Vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông đã mất cách đây 520 năm nhưng những gì ông đã làm trong việc trọng dụng hiền tài vẫn gợi cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Hiền tài có tầm quan trọng với sự phát triển của quốc gia và sự vững mạnh của chế độ. Ảnh: Các thí sinh thi đậu thời phong kiến sau khi được cấp mũ áo tiến sĩ

Hiền tài có tầm quan trọng với sự phát triển của quốc gia và sự vững mạnh của chế độ. Ảnh: Các thí sinh thi đậu thời phong kiến sau khi được cấp mũ áo tiến sĩ

Tất nhiên, dùng thực tiễn của lịch sử cách chúng ta khá xa để nói về bài học cho ngày hôm nay là điều không đơn giản. Mỗi thời mỗi khác, lịch sử xoay vần, nhiều điều đã đổi khác. Chúng ta hiện nay đã chuyển sang chế độ chính trị dân chủ XHCN người dân đã không còn vị trí thần dân mà là vị trí công dân, mọi người, về nguyên tắc, đều bình đẳng trước pháp luật và được tự do thi thố tài năng. Mặc dù vậy, tấm gương lịch sử Lê Thánh Tông trong việc trọng dụng hiền tài vẫn gợi cho chúng ta những điều mà tôi thiển nghĩ rất có thể cần học ở ngài:

Thứ nhất, thực sự hiểu sâu sắc tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của quốc gia và sự vững mạnh của chế độ. Không chỉ trong lịch sử mà thực tiễn phát triển của thời hiện tại càng cho thấy tầm quan trọng của nhân tài đối với sự phát triển của quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở đó đổi mới, sáng tạo, cùng hệ thống công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, trí thông minh nhân tạo trở thành nhân tố then chốt quyết định sức mạnh của mỗi quốc gia và sức cạnh tranh của mỗi nền kinh tế.

Trước những vấn đề khá bức xúc trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ ở một số cơ quan, địa phương trong thời gian qua đã đến lúc, chúng ta phải làm sao để người dân thực sự thấy được và tin rằng chế độ ta là chế độ trọng dụng nhân tài, coi trọng hiền tài. Đây cũng là một trong những tư tưởng nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên sáng lập chế độ.

Những động thái gần đây của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong việc phê phán các biểu hiện lệch chuẩn trong công tác cán bộ, đồng thời bày tỏ quyết tâm “chọn người tài thay vì người nhà” đang được đông đảo người dân hoan nghênh, ủng hộ. Nếu thực hiện được nghiêm túc định hướng đó để chúng ta có được nền công chức, công vụ dựa trên thực tài thì sẽ rất có lợi cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của Việt Nam. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa yếu tố cạnh tranh trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí trong nền công chức, công vụ nước ta và cả trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, đối với hiền tài, cần thực sự tin tưởng và giao trọng trách tương xứng với tài năng và đạo đức của người được giao. Đi kèm với đó, cần cải cách chế độ giao trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn trách nhiệm với quyền hạn, giảm bớt cơ chế chịu trách nhiệm tập thể, tăng cường cơ chế quy trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với kết quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống công quyền. Mạnh dạn trao quyền tự chủ hơn cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng ngân sách, khen thưởng, kỷ luật vì mục đích chung là nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, cần tiếp tục cải cách chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ có liên quan xứng đáng với tài năng, đóng góp của người được trọng dụng. Một hệ thống lương còn nhiều mặt mang tính “tượng trưng” như hiện nay là điều rất cần quan tâm khắc phục.

Thứ tư, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức bởi đây chính là lực lượng có thể góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước khi đó là đội ngũ tiên tiến nhưng cũng có thể gây nhiều vấn đề phức tạp khi bị tha hóa, biến chất. Cần học tập cách tiếp cận của Vua Lê Thánh Tông khi vừa trọng dụng hiền tài nhưng cũng yêu cầu rất cao đối với đội ngũ nhân tài khi được trọng dụng, ngăn ngừa các nguy cơ, biểu hiện tha hóa khi đã có quyền lực ở trong tay. Trên cơ sở đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực sự không có vùng cấm trong kiểm soát quyền lực, không ai đứng trên pháp luật, cao hơn pháp luật. Tinh thần của luật hồi tỵ mà Vua Lê Thánh Tông khởi xướng rất nên nghiên cứu để có hình thức áp dụng phù hợp.

Thứ năm, đầu tư mạnh cho giáo dục và khoa học, công nghệ theo hướng coi trọng hiệu quả, đề cao thực học, học gắn chặt với hành, dùng thực tiễn để kiểm tra tài năng, năng lực của người được đào tạo, đưa hệ thống giáo dục và hệ thống nghiên cứu khoa học, công nghệ thực sự là vườn ươm nhân tài cho quốc gia, là động lực thực sự cho quá trình phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta “xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả… Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao… Đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ”.

Có thể nói, những yêu cầu mà Đảng đặt ra đối với nền hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức là rất trúng với nguyện vọng của nhân dân, trúng với đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay và rất tương đồng với những gì mà Vua Lê Thánh Tông đặt ra đối với nền hành chính và đội ngũ quan lại cách đây hơn 500 năm. Thực hiện đúng đắn, đầy đủ chủ trương của Đảng vừa nêu đang là đòi hỏi rất cấp bách và cũng chính là việc chúng ta kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu mà Vua Lê Thánh Tông đã để lại cho hậu thế.

TS. Nguyễn Văn Cương Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/vua-le-thanh-tong-nhung-bai-hoc-trong-viec-trong-dung-hien-tai-321280.html