Những bài giảng sinh động nhờ công nghệ

Hiện nay, nhiều giáo viên tuổi đời khá trẻ đã đưa công nghệ vào giảng dạy với mục đích thay đổi cách dạy và học hiệu quả.

 Một tiết dạy học của cô Đỗ Ngọc Quỳnh Trâm tại Trường Tiểu học Trung Nhất, quận Phú Nhuận

Một tiết dạy học của cô Đỗ Ngọc Quỳnh Trâm tại Trường Tiểu học Trung Nhất, quận Phú Nhuận

Qua những năm đứng lớp, nhận thấy học sinh không hứng thú với môn Lịch sử, khó không nhớ số liệu, cô giáo Phan Thụy Mộng Thu (32 tuổi, Trường THCS Lữ Gia, quận 11) đã nghĩ ra cách khai thác kiến thức lịch sử thông qua đồ dùng trực quan. Việc thiết kế phương pháp dạy, truyền tải thông điệp hiệu quả là một trong những chìa khóa giúp giáo viên này nâng cao hiệu quả giảng dạy Lịch sử. “Xuất phát từ điều kiện thực tiễn, tôi sử dụng Infographic (thiết kế đồ họa thông tin trực quan) giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản môn Lịch sử. Infographic rất được các bạn trẻ ưa thích, như một cách để truyền ý tưởng và thông tin phức tạp bằng hình ảnh trực quan. Những thiết kế này cung cấp thông tin phức tạp dưới dạng ngắn gọn, rõ ràng bằng ký hiệu, biểu tượng, bản đồ, các bài viết”, cô Phan Thụy Mộng Thu chia sẻ.

Thế mạnh của Infographic là kiến thức được hệ thống hóa dưới dạng sơ đồ, các đường nối, cộng thêm màu sắc của các đường nối, màu sắc của các đơn vị kiến thức. Chính việc dạy Lịch sử qua Infographic đã giúp học sinh nhìn thấy “bức tranh tổng thể” cả phần kiến thức đã học, không chỉ “phần nhớ” mà còn chú trọng đến “phần hiểu”. Qua những thiết kế của cô Mộng Thu, học sinh dễ dàng nhớ những số liệu quan trọng. Nội dung môn học Lịch sử tưởng rằng nặng nề về lý thuyết đã trở nên đỡ nhàm chán, đánh thức sự thích thú của các bạn trẻ, thay vì những thông tin phức tạp được trình bày qua nhiều trang giấy.

Môn luyện từ và câu phần lớn là chi chít chữ, không có nhiều tranh ảnh minh họa như môn khác, nên cách dạy truyền thống phấn trắng và bảng đen khiến tiết học đơn điệu, học sinh thụ động. Trước thực tế đó, cô Đỗ Ngọc Quỳnh Trâm (26 tuổi, Trường Tiểu học Trung Nhất, quận Phú Nhuận) đã đưa giáo án điện tử, với những hình ảnh sinh động vào giảng dạy môn học. Theo cô Quỳnh Trâm, đối với lứa tuổi học sinh tiểu học, quá trình nhận thức thường gắn với những hình ảnh, hoạt động thực tiễn. Trong những tiết học có hình ảnh trực quan đẹp, rõ nét, học sinh sẽ hứng thú hơn và kết quả là tiếp thu bài tốt hơn, vận dụng tốt vào các bài tập thực hành.

Theo thầy Lê Trung Hiếu (28 tuổi, Trường THCS Trung An, huyện Củ Chi), hiện nay môn tiếng Anh đã có nhiều cải tiến trong giảng dạy. Tuy nhiên, việc giảng dạy môn này ở các trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về thời gian. Thầy Lê Trung Hiếu đã áp dụng phần mềm Activ Inspire (từ Anh), vốn là phần mềm soạn bài giảng nằm trong hệ thống dạy và học tương tác, bao gồm bảng từ tương tác, bút từ tương tác, vừa có tính năng như bút viết bảng, vừa hoạt động như một con chuột máy tính… Đây là phần mềm hỗ trợ tốt việc tương tác giữa giáo viên và trò trong quá trình dạy học, cũng như giúp giáo viên dễ dàng thiết kế các ý tưởng sư phạm, phục vụ tốt cho bài giảng. Phần mềm giúp giải quyết những khó khăn trong việc rèn luyện tiếng Anh, cụ thể là giúp học sinh tiếp cận với nội dung bài học như từ mới, cấu trúc hay chủ đề mới dễ dàng hơn, tập trung hơn vào bài giảng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động. Nhờ đó, giờ học trở nên lý thú hơn, học sinh mạnh dạn thể hiện mình và cơ hội luyện kỹ năng nói cho các em cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, để công nghệ thực sự là công cụ đắc lực phục vụ cho việc dạy học đòi hỏi người giáo viên phải cố gắng nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng vi tính, phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới hỗ trợ cho việc soạn giảng bằng giáo án điện tử. Giáo viên phải làm chủ công nghệ, làm chủ bài giảng và quan trọng nhất là giáo viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng. Công nghệ không thể thay thế giáo viên mà chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ giáo viên, trò để nâng cao hiệu quả việc dạy - học, giúp cho bài giảng sinh động hơn.

LÊ DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-bai-giang-sinh-dong-nho-cong-nghe-563603.html