Những bài ca của ánh sáng hy vọng

Nhạc sĩ Văn Ký, sinh năm 1928, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như 'Bài ca hy vọng' (1958), 'Nha Trang mùa thu lại về' (1978), 'Trời Hà Nội xanh' (1983). 92 mùa xuân, ông đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc dồi dào và phong phú với hơn 400 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng…

Những bài ca của ánh sáng hy vọng

ĐỖ ANH VŨ

Thứ Năm, 29-10-2020, 16:48

+ | Print

Nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Văn Ký, sinh năm 1928, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Bài ca hy vọng” (1958), “Nha Trang mùa thu lại về” (1978), “Trời Hà Nội xanh” (1983). 92 mùa xuân, ông đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc dồi dào và phong phú với hơn 400 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng…

Từ “huyền thoại Bài ca hy vọng”

Nhạc sĩ Văn Ký từng có những tâm sự về quá trình sáng tác ca khúc này. Câu đầu tiên của bản nhạc đến với ông không phải là câu thứ nhất như thường lệ mà lại chính là điệp khúc: “Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới… Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương”. Khi đã đạt đến mức cao trào của tình cảm, ông hạ những nốt nhạc sâu lắng, tình cảm dành cho phần kết thúc: “Gió mưa buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”. Viết đến đây, ông mới quay trở lại xây dựng đoạn đầu.

Viết xong ca khúc, người đầu tiên nhạc sĩ Văn Ký chọn mặt gửi vàng đứa con tinh thần của mình chính là ca sĩ Khánh Vân. Sau khi đã trình bày tất cả những ý tưởng thể hiện của mình với ca sĩ và dành cho ca sĩ thời gian tập luyện, ba tháng sau bản nhạc mới được thu thanh lần đầu. Ca sĩ Khánh Vân đã không phụ công trông đợi của nhạc sĩ. Chị hát thành công đến nỗi được mời vào biểu diễn ca khúc cho Bác Hồ. Nghe xong, Bác lặng đi hồi lâu và nói: “Cháu phải hát bài này cho đồng bào miền nam nghe”.

Và thế là, tiếng hát Khánh Vân tiếp tục được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam và phát đi rộng rãi. “Bài ca hy vọng” đã vang lên trong biết bao nhà tù Mỹ ngụy ở miền nam, tiếp thêm sức mạnh tinh thần lớn lao cho những người chiến sĩ vượt qua và chiến thắng những đòn tra tấn dã man, tàn bạo, khắc nghiệt nhất trong chốn lao tù. Biết bao nhiêu người đã khóc khi nghe Khánh Vân hát “Bài ca hy vọng”. Đã có những sân khấu được dựng bên bờ bắc của sông Hiền Lương. Khánh Vân trong bộ áo dài mầu xanh hòa bình bước lên hát, hướng về phía bờ nam nơi có bao đồng bào đang chờ đợi. Những chùm đôi của ca khúc như “chứa chan”, “niềm tin”, “gió mưa”, “buồn thương” qua tiếng hát Khánh Vân thánh thót rơi xuống như những hạt mưa, như những giọt sương trong ngần xua tan đi bao buồn đau, thắp lên những thương yêu và hy vọng.

Sau Khánh Vân, phải kể đến các giọng hát như Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, Hồng Nhung, Lan Anh… và gần đây nữa là Khánh Linh, Trần Thu Hà… “Bài ca hy vọng” của Văn Ký, có thể nói là một trong những tác phẩm kinh điển nhất của âm nhạc kháng chiến, đã đồng hành cùng dân tộc cho đến ngày toàn thắng để rồi lại ngân vang lên trong nỗi xúc động nghẹn ngào khi hòa bình đã về trên khắp quê hương.

Hai ca khúc của thời bình

Năm 1978, nhạc sĩ Văn Ký viết ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về”, tác phẩm nổi tiếng tiếp theo của ông trong kỷ nguyên hòa bình, thống nhất của dân tộc. Ca khúc ngay lập tức nhận được giải thưởng đặc biệt của thành phố Nha Trang, trở thành một trong những bài hát hay nhất về thành phố biển đáng yêu này: “Mùa thu sang, anh cùng em lên đường. Đi xây dựng mảnh đất quê hương. Theo nhịp bước của đoàn quân chiến thắng. Anh ơi có nghe chăng mùa thu tới với muôn vàn yêu thương…”. Cũng giống như “Bài ca hy vọng” (ký âm trên fa trưởng), “Nha Trang mùa thu lại về” được viết trên điệu thức trưởng (bản ký âm sol trưởng) nồng ấm, tràn đầy tự hào mà vẫn đầy lãng mạn, xao xuyến. Có thể nói, bài hát đã trở thành một tài sản chung trong nền âm nhạc Việt, cho mỗi công chúng yêu nhạc Việt, để mỗi khi nhớ về Nha Trang là không bao giờ quên được ca khúc này.

Nhạc sĩ Văn Ký quê gốc ở Nam Định, lớn lên ở Thanh Hóa nhưng rồi cuộc đời ông gắn bó nhiều nhất với Thủ đô Hà Nội (từ 1955 cho đến lúc qua đời). Những ca khúc về Hà Nội của ông ra đời như một tất yếu nhưng nổi tiếng và ghi dấu ấn sâu đậm hơn cả với mỗi người yêu nhạc, hẳn là bài hát “Trời Hà Nội xanh”. Vẫn là điệu thức trưởng được chọn làm chủ đạo (bản ký âm rê trưởng), chất trữ tình sâu lắng mà da diết, điệp khúc vút lên hùng tráng tự hào, nổi bật một hình ảnh Hà Nội vừa thiêng liêng vừa hào hoa, vững vàng bước qua gian khó và hướng về một ngày mai đầy tươi sáng: “Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh. Thân thương quá nụ cười người Hà Nội. Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi!”.

Lắng nghe những ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký, có thể thấy cả một dòng chảy lịch sử của những chặng đường cách mạng. Từ một mùa thu của những ngày khởi nghĩa cho đến mùa thu của hòa bình đều đi vào ca từ của ông một cách nhuần nhị, tự nhiên, tràn đầy rung cảm: “Ta chưa quên một mùa thu Hà Nội vùng lên Hồng Hà cuộn sóng” cho đến “Ơi Nha Trang mùa thu lại về. Trong nụ cười và trong ánh mắt say mê…”.

Trong cả ba ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Văn Ký vừa nhắc đến phía trên, ở phần cuối của ca từ mỗi bài đều có hình ảnh nắng/ánh sáng rực rỡ tươi đẹp. Đó là “kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương”, đó là “cho em mơ mùa thu sang biển Nha Trang lộng lẫy nắng vàng”, và “Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình”. Những ánh nắng/ánh sáng rực rỡ ấy, phải chăng chính là niềm tin yêu cuộc sống, yêu quê hương thiết tha của người nghệ sĩ. Những tác phẩm của ông làm chúng ta yêu thêm mỗi ngày mình đang sống, yêu thêm quê hương đất nước mình.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-vanhoavannghe/nhung-bai-ca-cua-anh-sang-hy-vong-622460/