Những bài báo không nhuận bút

Không chỉ bằng những bài báo chính xác, thông tin chính thống, đội ngũ báo chí trên khắp cả nước còn dùng chính mạng xã hội với những bài báo không nhuận bút để đẩy lùi những thông tin sai sự thật.

Nhà báo trên mặt trận cá nhân

Trong thời kỳ chống dịch covid-19, nhà báo Đình Trung (Báo Tài Nguyên Môi Trường) liên tục đăng những “tút” về chống dịch, trấn an dư luận, cảnh báo cộng đồng không được chủ quan trong phòng chống dịch… và được nhiều người chia sẻ, tương tác. Khương Trung cho biết lý do anh kiên trì và dành nhiều thời gian viết những “bài báo không nhuận bút” này là bởi khi cả nước đang dốc sức chống dịch covid- 19, thì những người làm báo tiếp tục ở trên tuyến đầu của mặt trận chống dịch, cùng với các lực lượng y tế, công an, quân đội. Ngoài những bài viết tuyên truyền chống dịch, nâng cao tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, trấn an dư luận…. các nhà báo còn có trách nhiệm lan tỏa những thông tin này tới càng nhiều bạn đọc thì hiệu quả chống dịch càng cao.

“Ngoài những tút đăng kèm đường link các bài báo, tôi và nhiều đồng nghiệp còn tuyên truyền bằng cách viết những tút có thông tin ngắn gọn, xúc tích để người đọc cập nhật nhanh chóng. Không phải lúc nào thông tin cũng được thể hiện dưới dạng một bài báo và được đăng trên báo chí, đặc biệt là những quan điểm cá nhân trong tình hình dịch bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là nhà báo dùng facebook để đăng những thông tin thiếu sự chính xác, mà chúng tôi chỉ muốn làm rõ vấn đề qua góc nhìn của một nhà báo mà thôi. May mắn thay, mặt trận thông tin cá nhân của các nhà báo đã trở thành một kênh đáng tin cậy và có sức lan tỏa nhanh, mạnh đến cộng đồng”, nhà báo Khương Trung cho biết.

Nhà báo Lương Hằng, một thành viên trong nhóm phản ứng nhanh của một tờ báo uy tín thành phố Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, phải cách ly toàn xã hội, nhóm của cô phải liên tục đưa tin trên mọi mặt trận. Những thông tin này được cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội của Lương Hằng. Tuy nhiên, Ban biên tập cũng đặt ra mục tiêu là phải phản ánh đúng sự thật, nhưng lại không được gây hoang mang trong dư luận. Đây là việc khó nhưng các phóng viên vẫn cố gắng thực hiện một cách chính xác. Mạng xã hội cá nhân của mỗi người chính là phương tiện để góp phần bổ sung những ý mà trong một bài báo không thể nói hết được. Chính vì vậy, cập nhật thông tin thường xuyên trên trang facebook cá nhân chính là cách truyền tải nhanh nhất tới cộng đồng trên mặt trận chống covid-19.

Để có những bài báo hay, những hình ảnh thiết thực và ý nghĩa đưa đến bạn đọc, thời gian gian qua, các cơ quan báo chí, mà trực tiếp là các nhà báo đã không quản nguy hiểm, khó khăn xung phong vào các ổ dịch, khu cách ly, chốt kiểm dịch… bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo của các cấp chính quyền nhằm thông tin kịp thời, định hướng dư luận. Báo chí cũng lan tỏa tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người khó khăn trong dịch Covid-19. Trên mặt trận Covid-19, các nhà báo đang góp công, góp sức cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân, các lực lượng y tế, quân đội, công an để đẩy lùi dịch bệnh.

Nhà báo trên mặt trận bảo vệ sự thật

Nhà báo góp phần bảo vệ sự thật (Ảnh minh họa)

Nhà báo góp phần bảo vệ sự thật (Ảnh minh họa)

Có lẽ chưa bao giờ những thông tin bịa đặt xuất hiện trên mạng xã hội lại nhiều đến thế, gây hoang mang dư luận. Có thể thấy trên trang facebook của nhiều nhà báo là những bài viết nhằm bảo vệ sự thật, không để bị bẻ cong, trấn an dư luận. Nhà báo Đình Trung cho rằng, là người cầm bút, không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình trên những bài báo có nhuận bút, mà còn phải thể hiện trách nhiệm của mình trên mọi mặt trận tư tưởng.

Trong thời gian cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chung tay chống dịch, thì những bài viết xuyên tạc, bẻ cong sự thật, gây hoang mang dư luận cũng xuất hiện tràn lan, đôi khi lấn át của những thông tin chính thống. Điều này là vô cùng nguy hiểm đối với cách tiếp cận thông tin của người đọc.

Nhà báo Nguyễn Hoa (Hà Nội) chia sẻ quan điểm, ở một số bộ phận người dân, những thông tin tiêu cực lại được họ tin tưởng hơn những thông tin tích cực. Ví dụ, xu hướng thích đọc “cướp, hiếp, giết” bao giờ cũng cao hơn xu hướng đọc những thông tin ít giật gân, phản ánh tích cực những hành động đẹp. Chính vì vậy, những thông tin giật gân, thiếu chính xác lại được nhiều người đọc tin và chia sẻ ngay, còn những tin chính xác thì bị bỏ qua. Lợi dụng xu hướng này, nhiều người có quan điểm lạc hoặc những thế lực ngầm chống phá nhà nước đã đưa ra những thông tin nhiễu loạn, làm lung lay tư tưởng của người dân.

Chính vì vậy, các nhà báo không chỉ là người đưa những thông tin chính thống mà còn phải là những người ngăn chặn thông tin sai sự thật, định hướng tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

“Tôi thấy nhiều nhà báo đã đăng bài phản bác những thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân, họ còn dành thời gian phân tích rất chuyên sâu để dư luận nhận biết đâu là sự thật, đâu là lừa đảo. Để làm việc này, tôi cho rằng họ còn mất nhiều thời gian hơn so với việc viết một bài báo chính thống. Nhưng rất rất nhiều nhà báo đã làm bởi đó là lương tâm và trách nhiệm của họ. Đó cũng là một cuộc chiến đấu giữa đen và trắng mà các nhà báo không quản ngày đêm quyết tâm chiến thắng”, nhà báo Nguyễn Hoa nói.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nhung-bai-bao-khong-nhuan-but-d158375.html