Những bà mẹ… bất đắc dĩ

Bà Huấn dựa lưng vào tấm phên cũ nát, thở dài,'kiếp trước vận mệnh cướp đi mọi thứ của tôi, sao kiếp này vẫn không buông tha. Đời tôi khổ vì con, nay cháu tôi lại vì con tôi mà khốn khổ…'.

Ảnh minh họa (IT)

Ảnh minh họa (IT)

Bà Nguyễn Thị Huấn chua chát khi nghĩ đến tương lai của hai đứa cháu. Lắm lúc bà Huấn sống gồng mình, sống gấp gáp, làm mọi thứ một cách vội vàng, bà giải thích… đó là bà đang chạy đua với thời gian. Bà sợ quỹ thời gian càng ngày càng ngắn sẽ không còn cơ hội bù đắp những thiệt thòi mà cháu mình đang phải chịu.

Những ngày đầu vợ chồng con trai bà Huấn vào tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, mấy bà cháu chới với vô cùng, một tuần liền bà ốm liệt giường. Bà tưởng bận đó, bà “không từ mà biệt” với con cháu, nhưng rồi khi sắp bước chân vào cửa tử, bà đã nghĩ đến hai đứa trẻ bơ vơ, bà không thể. Trốn tránh thống khổ là bản năng của con người, nhưng một khi không có người thay bà “che mưa chắn gió” thì bà phải tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân. Nhìn hai đứa trẻ ngơ ngác chưa hiểu chuyện đời, bà cố hết sức mới có thể làm trái tim đang đập những nhịp yếu ớt kia quay về tiết tấu vốn có. Bà cứ vậy mà buộc mình phải sống.

Hai cháu nội của bà, đứa trai lớn 5 tuổi, đứa gái nhỏ mới hơn 3 tuổi. Ban ngày, có thể vì tác động của ngoại cảnh chúng ít quấy bà nhưng đêm về với bà mà nói là cả một cực hình. Thiếu hơi cha mẹ, tiếng khóc ngặt mỗi đêm chẳng khác nào ai cầm dao đâm thẳng vào tim bà, lòng như bị xát muối. Rồi những hôm chúng bệnh, bà không ăn, không ngủ cứ vậy mà túc trực thâu đêm, thương cháu đứt ruột mà không thể làm gì hơn.

Bà Huấn nói, “20 năm nữa cha mẹ chúng mới về, hai đứa sẽ lớn lên như thế nào. Tôi dẫu có thương, có lo nhưng làm sao bằng tình cảm cha mẹ dành cho con. Lắm lúc nghe anh em chúng nói chuyện tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi nay đã già, bệnh tật vây lấy thân, liệu còn bao nhiêu thời gian cho chúng”. “Làm mẹ của cháu”, bà Huấn phải vất vả bằng năm, bằng mười trước đây. Không có vốn làm ăn, bà đi nhặt ve chai, lúc rảnh rỗi bà làm giúp việc theo giờ để kiểm tiền nuôi cháu. Mệt lắm, tủi thân lắm nhưng bà chỉ cho phép mình yếu đuối, cho phép mình rơi nước mắt khi chỉ có một mình.

Công bằng mà nói, ở tuổi của bà Huấn đáng lẽ được nghỉ ngơi, vui niềm vui bên con cháu. Vậy mà giờ đây bà phải làm thay trách nhiệm của những đứa con đã trưởng thành. Ở góc độ những đứa trẻ, xét cho cùng, dù được bà yêu thương chăm sóc đến đâu, cũng không thể hạnh phúc hoàn toàn nếu thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Cho nên, chỉ cần nghĩ đến những điều này, bà Huấn đã xót xa bội phần.

Cùng cảnh với bà Huấn là bà Lê Thị Thuyên năm nay đã gần tuổi 70. Gia cảnh bà Thuyên nghèo có tiếng. Chồng bà làm nghề đánh cá, một lần ra biển rồi đi mãi không về, bà thành góa phụ một mình nuôi con trai, cũng từ đó lăn lộn trong nghèo đói. Sơn- con trai bà lớn lên vì nghèo nên “đánh rơi” con chữ khá sớm. Đánh giày, phụ hồ, lơ xe… việc gì Sơn cũng làm qua nhưng lại chẳng theo được lâu dài. Người ta nói, “nghèo không phải là cái tội” nhưng với Sơn, nghèo khó dường như đã chặn mọi nẻo đường của anh ta. Làm gì cũng trầy trật, bao gồm cả lập thất. Người đàn bà đến với Sơn vội vàng rời đi không một lời giải thích để lại đứa con trai 24 tháng tuổi cùng với nỗi buồn chồng chất.

Vứt đi những tháng ngày buồn chán, nhìn vào đứa con nhỏ dại, Sơn quyết tâm "sống vì con" với hy vọng đời con mình sẽ khác. Vậy nhưng, gánh nặng cơm áo cho gia đình, rồi đối diện với sự trống trải cô đơn... Sơn đã đánh rơi niềm hy vọng vốn mong manh ấy. Sơn đã sa vào con đường nghiện ngập, rồi buôn bán ma túy để kiếm tiền và tất nhiên con đường chờ Sơn phía trước chính là cảnh cổng trại giam.

Vậy là, không chờ không đợi mà đến, bà Thuyên cũng bất đắc dĩ trở thành mẹ của con Sơn. 7 tuổi, con trai Sơn còn quá nhỏ để hiểu hết sự mất mát và những khó khăn trên chặng đường phía trước của cuộc đời mình. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nuôi cháu thay con… lại một lần nữa xoay vòng bà Thuyên trong cảnh khó. “Lắm lúc nghe cháu nói, ‘con nhớ ba lắm, đã lâu con không được gặp ba. Con nghe nói ba đi tù, nhưng đi tù là đi đâu? Lúc nào ba mới về hả bà, hay bà cũng cho cháu đi tù với ba’..., tôi đau lắm, đau vô cùng. Không biết cuộc đời bà cháu tôi sẽ ra sao”, bà Thuyên nghẹn ngào.

Đã gần hai năm, bà Nguyễn Thị Hay cho rằng đã quen nhưng giờ bà mới biết bà cũng không kiên cường như mình nghĩ. Bà vẫn chưa hết đau lòng cũng chưa hết mềm yếu. Bà từng tự trách, cuộc đời bà là những chuỗi dài khốn khổ, cho nên cuối cùng vận khổ ấy lại ứng lên con trai và các cháu của bà. Bà vì xuất thân nghèo khó nên không nghĩ đến chuyện gá nghĩa cùng ai, đến lúc “quá lứa lỡ thì” bà tự túc một đứa con để nương cậy tuổi già.

Niềm tin, sự kỳ vọng của bà đặt lên đứa con trai quá lớn nên khi nhận lại hiện thực làm bà tuyệt vọng vô cùng. Nguyễn Văn Hiếu, con trai bà lớn lên đi qua 3 cuộc hôn nhân có dư nhưng cuối cùng vẫn không có lấy một người đàn bà nào bên cạnh. Đáng nói, trong số những người đàn bà đó, đã có người bỏ lại cho Hiếu hai đứa con nhỏ, một trong hai đứa ấy tật nguyền. Đương nhiên, bà Hay là người làm tất cả những việc đáng ra Hiếu phải làm. Bà Hay kể trong nước mắt, “20 ngày tuổi đứa trẻ khát sữa, thiếu hơi mẹ tưởng đã mấy bận chết đi. Nuốt nước mắt vào trong, tôi đành phải gửi đứa lớn vào trại trẻ mồ côi để có thời gian chăm đứa tật nguyền”.

Cháu của bà Hay không đến ngày, đến tháng thì… lẫy, bò, hay lò dò tập đi như những đứa trẻ khác. Cho nên cái sự vất vả của bà là không thể nào đo đếm. Hiếu cũng vì hận người đàn bà bên cạnh ngoại tình mà rước họa vô thân. Giờ Hiếu đi tù, bà Hay lại lay lắt theo cháu. Bà cũng đã nhiều lần nghĩ đến hai chữ “buông tay” nhưng bà đã không làm được. Bởi vì bây giờ bà không còn sống vì bản thân, vì con trai mà bà đang sống vì đứa trẻ đáng thương kia.

Những người phụ nữ hết lòng vì con lại đến vì cháu chẳng biết nỗi khổ cực ấy bao giờ mới dừng lại, thực chẳng có một chút công bằng. Những năm tháng cha, mẹ chúng ở tù thừa thời gian để một đứa trẻ trưởng thành nhưng liệu chúng có được hạnh phúc? Ngần ấy năm đủ để mọi thứ thay đổi nhưng những người bà trở thành những người mẹ bất đắc dĩ có đủ thời gian để chờ con?

Những câu hỏi ấy thực sự như đáy ngọn nguồn của tầng tầng đắng chát. Nó khiến những người phụ nữ đáng thương kia cứ quấn riết trong vòng luẩn quẩn “vì quá đau đớn mà bất tỉnh, rồi lại từ trong đau đớn mà tỉnh lại”…

(Tên của nhân vật đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/nhung-ba-me-bat-dac-di-61582.html