Những bà mẹ anh hùng vùng đất thép

Chuyện về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vùng đất thép Củ Chi thật khó lòng có thể kể hết. Mỗi mẹ là một huyền thoại về tinh thần chịu đựng hy sinh cao cả. Tảo tần, chung thủy, tất cả vì hạnh phúc của chồng con. Nhưng, khi đất nước cần, các mẹ sẵn sàng hy sinh đến núm ruột cuối cùng của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

42 năm sau Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, qua các lần phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), toàn huyện Củ Chi có 2.048 mẹ được tặng Danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành (má Tám Rành) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở xã Phước Hiệp, có tám người con trai, hai người cháu hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ Rành được biết đến như một biểu tượng sáng ngời về tinh thần cách mạng, tinh thần hy sinh gian khổ, kiên gan bám trụ chiến đấu chống quân thù, động viên chồng con ra trận và tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng. Ðể tri ân mẹ và nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Ðảng bộ, chính quyền thành phố đã xây dựng nhà tưởng niệm mẹ đặt tại ấp Trại Ðèn, xã Phước Hiệp và đặt tên đường mang tên mẹ từ quốc lộ 22, kết nối các xã Anh hùng của Củ Chi như: Tân An Hội, Trung Lập Hạ, Nhuận Ðức, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng về Ðền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi) và ngược lại. Tại địa phương, mẹ được an vị thờ phụng, tên mẹ được đặt cho trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế xã...

Ngoài má Tám Rành, ở Củ Chi có mẹ có con độc nhất là liệt sĩ, có mẹ có chồng, con là liệt sĩ, có mẹ bản thân là thương binh, có chồng và ba con đều hy sinh cho cách mạng. Ngoài trực tiếp chiến đấu, các mẹ còn động viên chồng con, người thân ra trận. Sự hy sinh của các mẹ đã góp phần làm sáng thêm phẩm chất anh hùng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Củ Chi có 178 ấp khu phố, với 1.828 tổ nhân dân, tổ dân phố thì hầu hết đều có đền thờ phụng, tri ân các mẹ. Ðối với các mẹ còn sống luôn có những việc làm đầy ý nghĩa, là điểm tựa của con cháu và chính quyền. Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Nghị, 86 tuổi (ấp Phú Bình, xã An Phú) là một minh chứng. Khi chính quyền địa phương dự kiến mở đường giao thông nông thôn, sẽ ảnh hưởng đến 15 m2 đất bên hông của gia đình. Không đợi chính quyền xã đến vận động, mẹ đã bảo con cháu tự chặt phá tầm vông, tre trúc... để xã thi công tuyến đường đúng theo thiết kế và tiến độ, bảo đảm cho việc đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa của bà con. Mẹ Nghị tâm sự: "Vì cái chung thôi bây, chứ công lao gì, thấy tụi nhỏ hằng ngày đi học không bị dính sình lầy trơn trợt là má vui lắm". Còn Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Hãnh, 85 tuổi (ấp Xóm Chùa, An Phú), đã dành ngôi nhà ở làm điểm để các cháu thiếu nhi trong xóm đến sinh hoạt. Tại đây, các cháu luôn quây quần bên mẹ, được mẹ dạy điều hay, lẽ phải và kể chuyện truyền thống...

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết: Trong số 95 Bà mẹ VNAH còn sống ở huyện, đến thời điểm này hầu hết đã được các cơ quan trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Bình quân mỗi mẹ được hỗ trợ chín triệu đồng/tháng. Về nhà ở, 100% các mẹ đều có nhà ở khang trang, nơi thờ tự các Anh hùng liệt sĩ ấm cúng trang trọng. Việc thăm hỏi, chăm sóc các mẹ khi ốm đau được xem là nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp ủy Ðảng, chính quyền của huyện Củ Chi.

Chiến công và sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ VNAH là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn đối với thế hệ trẻ hôm nay quyết tâm ra sức phấn đấu xây dựng Củ Chi ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại để đền đáp xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ VNAH với đất nước, quê hương.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33566502-nhung-ba-me-anh-hung-vung-dat-thep.html