Những 'bà cô' đỏng đảnh

Không ít chị em phụ nữ hiện nay đều thấy ngại ngần với việc phải đi làm dâu, mà chỉ muốn làm vợ. Không chỉ là sống chung với mẹ chồng, mà đôi khi những cô em chồng đáo để lại chính là mối lo khiến họ luôn phải dè dặt, đề phòng.

Gặp em chồng hay so đo

Ngày mới yêu nhau lần đầu tiên đến nhà , Hà đã thấy không thoải mái với cái liếc xéo thăm dò của cô em gái . Mặc dù cô được người yêu tâm sự “đừng để ý về thái độ của cô em, vì em gái từ nhỏ do hay ốm yếu được cả nhà nuông chiều nên có phần đỏng đảnh”. Biết vậy nhưng Hà không nghĩ sau này có lúc mình rơi vào tình cảnh ấm ức đến thế.

Mặc dù kém chị dâu có 3 tuổi nhưng do vốn dĩ được chiều chuộng, nên khi Hà về làm dâu công việc chợ búa cơm nước chỉ có Hà và mẹ chồng đảm trách, còn Liên không hề động tay động chân. Bình thường khi còn son rỗi Hà không hề kêu ca cô đều ráng làm tròn phận sự dâu con. Thi thoảng vì thu nhập cũng khấm khá, nên cô còn rủ em chồng đi shopping. Tuy nhiên một vài lần khi thấy sự tiêu pha quá đà của cô em chồng, nên Hà cũng thưa dần sự rủ rê. Bởi, thường thì mỗi lần mua sắm Hà đều là người trả tiền. Đã vậy, cô em dâu còn ra vẻ đó là tiền của anh trai mình nên hồn nhiên lựa chọn đồ không chút đắn đo.

Chuyện xích mích cũng bắt đầu từ khi Hà mang bầu, 3 tháng đầu cô ốm nghén không ăn được gì. Mẹ chồng cũng tâm lý có mua thêm chút thức ăn cho con dâu, thì cô em chồng lại so bì tị nạnh khiến Hà ngại ngần. Sáng dậy mặc cho chị dâu vừa ậm ọe, vừa chuẩn bị đồ ăn sáng, cách cách nhà chồng Hà vẫn ngủ nướng, tỉnh dậy phấn son rồi xách đồ mà chị dâu chuẩn bị cho đến cơ quan.

Tất cả những điều ấy Liên coi như một việc tất yếu chị dâu phải làm cho mình. Được cái mẹ chồng của Hà biết điều và thương con dâu, vì vậy không chỉ nhỏ to mà có khi còn mắng cả con gái “lớn tướng rồi mà vẫn còn bắt nạt chị”. Cứ mỗi lần như thế Hà lại sợ chị em “mất hòa khí” nên thường tự nguyện nhận lỗi về mình. Mẹ chồng Hà lại lắc đầu bó tay với cô con gái tính cách đỏng đảnh của mình rồi buông ra một câu: “Bao giờ cô đi làm dâu cô mới sáng mắt ra.”

Sao không thể sống hòa thuận?

Cũng may cho Hà, cô em chồng chẳng biết trời sui đất khiến thế nào mà lại “phải lòng” cậu em cùng phòng với cô. Bắt đầu từ đó Liên ngọt nhạt lấy lòng chị dâu để hỏi dò về “đối tác”. Hà thấy cậu em cùng phòng mình lại khá ổn, còn cô em chồng tuy đỏng đảnh như vậy nhưng từ khi gặp tiếng sét ái tình tự dưng thay đổi tâm tính. Tương kế, tựu kế Hà đã nhỏ to thủ thỉ với cả hai để rồi cô em chồng phục chị dâu sát đất vì đã làm hậu thuẫn cho cô có được cậu người yêu vừa đẹp trai, vừa giỏi giang.

Cứ dần dần mà Hà đã thu phục được cô em chồng của mình về cùng một phe. Chị dâu sinh em bé, cô em chồng tự nguyện xung phong trợ giúp vô điều kiện. Sáng ra nàng dậy sớm hơn lo phụ giúp mẹ chuẩn bị bữa sáng, có khi cao hứng còn chạy vào thay bỉm cho cháu. Không những thế “giặc bên Ngô” còn biết thu vén dọn dẹp nhà cửa vì Hà đã nhỏ to rằng nhà cậu em trai ấy có những hai cô em gái vừa xinh vừa đảm đang. Sắp tới cô em chồng chuẩn bị lên xe hoa về làm dâu nhà người nên cũng phải học nữ công gia chánh…

Đã là con gái thì ai cũng có lúc trở thành nàng dâu. Bởi vậy bạn gái hãy cảm thông với những cô dâu mới đến ở nhà mình. Mối quan hệ trong gia đình sẽ thuận hòa, gắn kết nếu như tất cả mọi người đều cởi mở, tôn trọng lẫn nhau. Bởi khi mình đi lấy chồng những người chị dâu, em dâu ấy sẽ thay mình chăm sóc bố mẹ đẻ của mình. Những bà cô bên chồng “khôn ngoan” nên phải biết lấy lòng chị dâu để mình yên tâm đi làm dâu nhà người khác.

Ngược lại những chị dâu cũng cần biết quảng đại, sống vị tha thì mới mong tìm được đồng minh trong nhà chồng. Tuy nhiên để lấy được thiện cảm với gia đình nhà chồng, những nàng dâu cũng nên mở lòng yêu thương gia đình nhà chồng, coi họ là những người ruột thịt của mình trước đã.

Thu Trà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nhung-ba-co-dong-danh-3944667-b.html