Những âu lo về dự án 3000 tỷ cống Cái Lớn-Cái Bé

''Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 1 sẽ lại thêm một ngọn lao đã phóng ra thì sẽ phải theo lao'' - GS Nguyễn Ngọc Trân.

Ngày 05.04.2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 2832/TTr-BNN-XD Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1).

Ngày 17.04.2017, Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.309,5 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 – 2020 là 3.300 tỷ đồng.

Tàu cá neo đâu trên sông Cái Bé-Cái Lớn, Kiên Giang. Ảnh TTXVN

Tàu cá neo đâu trên sông Cái Bé-Cái Lớn, Kiên Giang. Ảnh TTXVN

Có thêm một cụm công trình quy mô giúp đồng bằng sông Cửu Long ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu nước biển dâng vì sự phát triển bền vững là điều cử tri rất đồng tình, mong đợi và không tiếc tiền thuế đóng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong Tờ trình dự án có mấy vấn đề gây âu lo.

Thứ nhất, kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án là 04/23 phiếu đạt, không cần bổ sung chỉnh sửa; 19/23 phiếu đạt, cần bổ sung chỉnh sửa, và 0/23 phiếu không đạt, cần chuẩn bị lại.

Những nội dung cần chỉnh sửa bổ sung hết sức cơ bản. Xin trích: Cần đánh giá tác động của dự án, trong đó có đánh giá, làm rõ mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án; Làm rõ các quan điểm tính toán hiệu quả kinh tế, tiêu chí và số liệu tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội, từ đó phân tích rõ hiệu quả đầu tư của toàn dự án; Làm rõ cơ chế vận hành, phối hợp với hệ thống các cống đập khác trong vùng dự án; Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt; v.v. ... Đó là những nội dung cơ bản của dự án cần làm rõ trước khi Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.

Thế nhưng bằng cách xem các nội dung này “thuộc giai đoạn 2”, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng rằng HĐTĐ đã nhất trí thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án!

Thứ hai, giai đoạn 1 của dự án gồm những hạng mục nào? Trong Quyết định số 498/QĐ-TTg ghi rõ:

“Cụm công trình giai đoạn 1, gồm các hạng mục: cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61; Kênh nối sông Cái Lớn - Cái Bé; sửa chữa cống âu Tắc Thủ”.

Nói cách khác, giai đoạn 1 gồm toàn các công trình cứng được xây lên mà chưa trả lời về chế độ vận hành, tác động của chúng lên môi trường, chưa rõ hiệu quả kinh tế, xã hội. Như vậy có hợp lý và có trách nhiệm không?

Tôi e rằng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 1, như cách đã làm, sẽ lại thêm một ngọn lao đã phóng ra thì sẽ phải theo lao, mặc cho nợ công chồng chất.

Thứ ba, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16.4.2017 trình bày suy nghĩ của mình về Tờ trình dự án, tôi yêu cầu Bộ nói rõ dựa trên các cơ sở nào, tiêu chí gì, vị trí các cống Cái Lớn và Cái Bé trong dự án đã được quyết định.

Hồ sơ dự án đã cơ bản hoàn thành từ năm 2011. Đã 6 năm, tình hình thủy văn, thủy lực ở ĐBSCL nói chung, ở địa bàn của dự án nói riêng đã có nhiều thay đổi, đến từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từ nguồn nước ở thượng lưu chảy về đồng bằng, và từ việc xây dựng hệ thống đê bao triệt để để làm ba vụ lúa. Vị trí các cống đã định có bất di bất dịch trước những thay đổi này?

Dự án Kênh KH8 – KH9 với hệ thống hơn 30 cống là một ví dụ ngay trong địa bàn của Dự án nhắc chúng ta phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, đặc biệt các quy luật thủy văn nhất là khi địa bàn của Dự án là một vùng rất thấp, trũng, và chịu cùng lúc ba tác động từ sông Hậu và từ hai chế độ triều Biển Đông và Biển Tây.

Tôi thiết nghĩ Bộ cần tiến hành mô phỏng tình hình thủy văn, xâm nhập mặn trong khu vực dự án theo các kịch bản vị trí khác nhau của các cống, theo các kịch bản vận hành các cống, và theo các kịch bản biến đổi khí hậu, với địa hình địa bàn được cập nhật. Từ đó mà đề xuất các phương án cho vị trí hai cống để HĐTĐ lựa chọn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án sẽ tác động sâu sắc đến môi trường tự nhiên, đến sản xuất, sinh kế, và đến đời sống của cả triệu người dân trong vùng dự án. Các tác động lên cả ba mặt này (ba cột trụ của phát triển bền vững), phải được tính đến ngay từ đầu của dự án chứ không phải sau giai đoạn 1 khi các công trình đã được xây xong!

Thứ tư, những bài học Lúa – Tôm (người dân đập các cống ngăn mặn để đưa nước mặn vào nuôi tôm) ở Cà Mau cuối thập niên 1980, và ở nhiều địa bàn khác mãi cho tới hiện nay; những bài học từ dự án “Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau”(1) và dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre cần được rút ra một cách đầy đủ, từ quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi đến chế độ vận hành các công trình này, cần được rút ra để không duy ý chí và quyết định vội vã, phiến diện trong việc xây công trình ngăn mặn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nhung-au-lo-ve-du-an-3000-ty-cong-cai-lon-cai-be-3335949/