Những ảnh hưởng tích cực từ chính sách năng lượng tái tạo

Tại hầu hết các quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạnh, lượng khí thải carbon cũng thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế. Tăng trưởng càng lớn đồng nghĩa với việc lượng phát thải càng cao hơn. Nhưng trong thập kỷ qua, những chính sách về năng lượng tái tạo của các quốc gia trên thế giới đã phát huy ảnh hưởng, giúp khắc phục tình trạng trên.

Năng lượng tái tạo là giải pháp cho tương lai (Ảnh: Renewable Energy World)

Năng lượng tái tạo là giải pháp cho tương lai (Ảnh: Renewable Energy World)

Sẽ thật đơn giản để mô tả xu hướng bùng nổ năng lượng tái tạo, các quốc gia như Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong việc sử dụng năng lượng tái tạo; Đức và Nhật Bản đã mở rộng việc phát triển năng lượng tái tạo ngay cả khi cắt giảm năng lượng hạt nhân; tại Hoa Kỳ, Chính phủ và các bang đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề này.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thực hiện việc phân tích thực trạng đang diễn ra tại 79 quốc gia, bao gồm một số quốc gia đã giảm lượng phát thải và những quốc gia chưa giảm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng sử dụng năng lượng tái tạo là một yếu tố quan trọng bên cạnh việc giảm tiêu thụ năng lượng về tổng thể. Đối với cả 2 yếu tố này, chính sách của các chính phủ đóng một vai trò cốt yếu.

Theo thông kê, các quốc gia có mô hình phát thải carbon có sự biến động từ những năm 1990 là 18 quốc gia, trong đó 17 nước châu Âu và Hoa Kỳ. Để so sánh, các nhà nghiên cứu đã chia các quốc gia cần được kiểm soát thành 2 nhóm, mỗi nhóm 30 quốc gia nhằm ghi nhận lượng khí thải của mỗi nhóm. Theo đó, cả hai nhóm quốc gia này đều không có sự giảm rõ rệt về lượng khí thải. Một nhóm có sự tăng trưởng GDP cao trong khi ở nhóm thứ hai, GDP tăng trưởng vừa phải. Trong quá khứ, sự khác biệt về tăng trưởng GDP có sự liên quan mật thiết với những thay đổi tương ứng về lượng khí thải.

Đối với mỗi quốc gia, các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu chính sách năng lượng của chính phủ có ảnh hưởng đến quỹ đạo phát thải hay không. Họ cũng xem xét bốn thành phần có thể thúc đẩy sự thay đổi về khí thải, đó là tổng năng lượng sử dụng, nhiên liệu hóa thạch được sử dụng, cường độ carbon trong tổng thể hỗn hợp năng lượng và hiệu suất. Tính trung bình, lượng khí thải trong nhóm có sự biến động đã giảm 2,4% trong một thập kỷ từ 2005-2015. Một nửa lượng khí thải giảm đi này là từ việc giảm tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch được sử dụng đồng thời với việc tăng sử dụng năng lượng tái tạo và 35% khác do giảm tổng lượng năng lượng tiêu thụ. Những yếu tố này có sự khác nhau giữa các quốc gia. Áo, Phần Lan và Thụy Điển là những quốc gia đã giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối lập với các quốc gia này, tổng lượng năng lượng sử dụng có sự giảm xuống rõ rệt và là nhân tố chính ở các quốc gia như Pháp, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Tại Hoa Kỳ, cả 4 yếu tố trên đều đóng những vai trò quan trọng như nhau trong việc làm giảm tiêu thụ năng lượng.

Năng lượng tiêu thụ giảm 75% và 80% tương ứng với nhóm tăng trưởng kinh tế thấp và nhóm tăng trưởng kinh tế cao.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang giảm lượng phát thải (Ảnh: Climate Strategies)

Vậy, tại sao một số quốc gia trên thế giới đạt được thành công nhất định trong việc giảm phát thải khí? Một trong những nguyên nhân có liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các quốc gia trong nhóm có lượng khí thải giảm có trung bình 35 chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo và 23 chính sách khác thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng. Các con số này đều cao hơn đáng kể so với ở mức trung bình của nhóm còn lại. Số lượng các chính sách hỗ trợ hiệu quả tương quan với việc giảm sử dụng năng lượng, trong khi số lượng các chính sách tái tạo tương quan với sự sụt giảm tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch.

Có thể khẳng định rằng tại các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, các chính sách năng lượng tái tạo đang phát huy hiệu quả ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tương tự, các chính sách bảo tồn tương quan với việc giảm cường độ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP.

Thực tế là 1% điện năng trên toàn cầu được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Trong năm 2017, đã có 178Gw năng lượng sạch được tạo ra trên thế giới, con số này đã tăng hơn 11% so với năm 2016. Năng lượng mặt trời cung cấp một nửa lượng điện năng tái tạo, tiếp theo là năng lượng gió, thứ ba là thủy điện đóng góp 15%. Những nền kinh tế khổng lồ mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ đã nhận thức được mức độ ô nhiễm quá mức ở nhiều thành phố lớn. Mặc dù, Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris, thì Hiệp định này vẫn được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy các quốc gia phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.

Có sự sụt giảm về chi phí sản xuất năng lượng sạch trong vài năm trở lại đây. Cả năng lượng mặt trời và năng lượng gió đều đang trải qua việc giảm chi phí sản xuất trung bình. Sự sụt giảm được dự đoán sẽ mạnh mẽ hơn trong thập kỷ tiếp theo.

Với khả năng chi trả ngày càng tăng, việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng được mở rộng. Bên cạnh sản xuất điện năng, các ứng dụng này còn cung cấp giải pháp mới cho việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng, dẫn đầu là Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và Hoa Kỳ. Các quốc gia như Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu điện khí hóa toàn quốc vào năm 2030. Đây là một trong những giải pháp giúp ổn định việc tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, còn có những giải pháp khả thi như sự kết hợp với điện nhiệt và điện gió, quản lý lưới điện bằng ắc quy tiện ích và lưu trữ năng lượng thay thế một cách hợp lý.

Việt Nam cần những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (Ảnh: Báo Chính phủ)

Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những tiến bộ về công nghệ. Các quốc gia này có thể được cung cấp năng lượng từ nguồn năng lượng sạch và ổn định. Các chính phủ cần tập trung vào những cam kết về công nghệ và sản xuất năng lượng hỗ trợ. Đồng thời cần có sự khuyến khích hợp lý đối với các công ty trong nước để phát triển sản xuất năng lượng sạch. Theo dự kiến kịch bản phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể khai thác 3.000-5.000MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý thì đây là một đóng góp lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện.

Hồng Nhung biên dịch

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/nhung-anh-huong-tich-cuc-tu-chinh-sach-nang-luong-tai-tao-23314.html