Những ảnh hưởng nghiêm trọng khi cơ thể bị thừa sắt

Trong một số trường hợp, quá tải sắt (ngộ độc sắt) có thể gây đau khớp, mệt mỏi, đau bụng, giảm ham muốn tình dục... nặng hơn sẽ có khả năng mắc xơ gan hoặc ung thư gan.

Ảnh minh họa/https://dulich.petrotimes.vn

Ảnh minh họa/https://dulich.petrotimes.vn

Nguyên nhân quá tải sắt có thể do yếu tố di truyền hoặc uống quá liều lượng sắt cho phép. Bệnh thừa sắt hay bệnh quá tải sắt (Hemochromatosis) là một trong các bệnh có liên quan đến lượng sắt trong cơ thể, trong trường hợp này, ruột mất khả năng điều hòa lượng sắt không cần thiết, cùng với đó, sắt lại bị tích trữ quá nhiều ở gan dẫn đến sự nhiễm sắt (Siderosis - hiện tượng các mô tích trữ quá nhiều sắt) và gây thương tổn đến các cơ quan.

Tổn thương gan: Sắt dư thừa trong cơ thể sẽ gây áp lực đến gan, làm thúc đẩy quá trình oxy hóa mô gan, tổn thương nội tạng và tạo sẹo tại gan. Các sẹo này có thể gây tắc nghẽn, co thắt khiến người bệnh có cảm giác đau bụng và nôn mửa. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan và dẫn tới ung thư gan.

Bệnh tim mạch: Sắt thừa sẽ cản trở sự dẫn điện của tim gây suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, khi bị dư thừa sắt cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc bơm máu và lưu thông máu.

Bệnh lý thần kinh: Một số bệnh thần kinh do thừa sắt như Parkinson, ADHD, Alzheimer, những hành vi chống xã hội và bạo lực. Những tình trạng tâm lý mà bệnh thừa sắt để lại như mệt mỏi, căng thẳng, giận dữ, sợ hãi và chống đối với mọi người.

Thay đổi màu da: Sắt dư thừa sẽ đi từ máu đến những mô của cơ thể và đọng lại ở những tế bào da. Kết quả là da xám lại, bạc màu và có thể nhạy cảm với những tia cực tím có hại.

Tiểu đường: Chất sắt thừa tích tụ trong tụy và làm ảnh hưởng quá trình tổng hợp insulin làm đường trong máu tăng gây bệnh tiểu đường.

Viêm khớp: Sắt thừa cũng tồn tại trong những khớp xương làm tổn thương mô, rồi đến viêm khớp sau đó.

Ảnh hưởng đến buồng trứng: Ở phụ nữ, sắt dư làm ảnh hưởng đến buồng trứng, cụ thể là chu kỳ kinh nguyệt không đều, không rụng trứng, chậm dậy thì.

Kích thích vi khuẩn sinh sôi: Sắt là chất vận chuyển oxy trong cơ thể nên nếu dư thừa sắt sẽ là điều kiện thuận lợi kích thích vi khuẩn phát triển. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân bị thừa sắt cũng mắc phải bệnh truyền nhiễm mãn tính.

Lưu ý: Sắt không phải là một chất có thể hấp thu bao nhiêu cũng được, đối với những bệnh nhân đã mắc các bệnh liên quan đến gan và tim, nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, hay uống các loại vitamin bổ sung sắt. Bất cứ ai dự định uống bất kỳ loại vitamin tổng hợp hoặc chất bổ sung, thực phẩm chức năng có chứa chất sắt trước tiên phải tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.

https://dulich.petrotimes.vn/

Đồng Hoa (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/nhung-anh-huong-nghiem-trong-khi-co-the-bi-thua-sat-612320.html