Những ẩn ý được cài cắm trong các cảnh phim 'Trò chơi con mực' không ai biết

Giám đốc nghệ thuật của bộ phim Hàn gây sốt toàn cầu 'Trò chơi con mực' (Squid Game), bà Chae Kyoung Sun, vừa tiết lộ 5 chi tiết ý nghĩa ẩn trong các cảnh quay mà hầu như không ai nhận ra.

Những bông hoa

Chae Kyoung Sun cho biết, đã khóc sau khi đọc kịch bản của tập 6. Một trong những cảnh phim xúc động nhất là cuộc trò chuyện ngắn ngủi của hai cô gái Kang Sae Byeok (Jung Ho Yeon) và Ji Yeong (Lee Yoo Mi) trước khi quyết đấu để giành bi trong trò chơi thứ 4.

Kang Sae Byeok (trái) và Ji Yeong ngồi nói chuyện lần cuối trước khi sinh ly tử biệt.

Kang Sae Byeok (trái) và Ji Yeong ngồi nói chuyện lần cuối trước khi sinh ly tử biệt.

Một chi tiết mà người hâm mộ phim không để ý là lúc hai cô gái ngồi tâm sự trên bậc cầu thang, phía sau lưng họ có hai chậu hoa. Chậu hoa sau Sae Byeok còn tươi, trong khi chậu hoa sau Ji Yeong đã tàn. Phía chỉ đạo nghệ thuật cố tình sắp xếp như vậy để dự báo cho số phận của hai nhân vật. Kết thúc trò chơi thứ 4, Ji Yeong chấp nhận hy sinh cho người bạn mới quen được sống tiếp.

Sau lưng hai cô gái có hai chậu hoa, nhưng một chậu nở hoa, một chậu tàn đại diện cho số phận của từng người.

Phân cấp bậc theo hình học

Những ai đã xem kĩ tập cuối “Trò chơi con mực” đều nhận ra hình tròn, hình tam giác và hình vuông xuất hiện xuyên suốt bộ phim được lấy từ hình vẽ con mực trong trò chơi cuối cùng. Chúng cũng được dựa trên các ký tự “ㅇ”, “ㅈ” và “ㅁ” trong tên tiếng Hàn của phim “오징어 게임”. Tuy nhiên, ý nghĩa của những hình học này không dừng lại ở đó.

Hình tròn, tam giác và hình vuông xuất hiện xuyên suốt phim.

Theo Chae Kyoung Sun, các nhân viên của Squid Game được xếp thứ bậc dựa trên hình vẽ trên mặt nạ của họ. Hình có nhiều góc nhất là hình vuông, tương đương người có quyền lực nhất trong số nhân viên áo đỏ, tiếp đến là tam giác và thấp nhất là hình tròn vì không có góc nào.

Các nhân viên Squid Game phân cấp theo hình vẽ trên mặt nạ.

Ý nghĩa của màu sắc

Trong “Trò chơi con mực”, màu sắc được sử dụng đều có hàm ý riêng. Theo đó, bộ đồ thể thao màu xanh lá cây do người chơi mặc được lấy cảm hứng từ màu sắc biểu tượng của Phong trào Saemaul (Phong trào Nông thôn mới) ở Hàn Quốc những năm 1970, thúc đẩy hiện đại hóa kinh tế nông thôn.

Màu sắc trong phim đều mang ý nghĩa.

Bên cạnh màu xanh, màu hồng được chọn làm màu chủ đạo tại căn cứ của bên tổ chức Squid Game. Nó được dùng trong hành lang giống như mê cung, nơ vẽ trên quan tài và trang phục của nhân viên trò chơi.

Chae Kyoung Sun tiết lộ, lý do chọn màu hồng vì nó gợi nhớ đến các câu chuyện cổ tích. Bên cạnh đó, hồng và xanh lá cây nằm đối diện nhau trên vòng tròn màu. “Màu xanh lá rất sợ màu hồng bởi vì màu hồng giám sát và kìm hãm màu xanh lá cây”, nữ giám đốc nghệ thuật nói.

Hành lang màu sắc trong căn cứ của Squid Game.

Sự thiếu chân thực

Trong trò chơi “Đèn xanh, đèn đỏ”, người chơi được đưa đến căn phòng kín rộng lớn với hình vẽ cánh đồng lúa vàng và bầu trời bao quanh trông rất “giả trân”. Nhiều người thắc mắc tại sao thiết kế đấu trường sinh tử lại sơ sài và giả như vậy.

Trả lời câu hỏi này, bà Chae khẳng định, đây hoàn toàn là ý đồ của bộ phim. Cụ thể, sự thiếu chân thực trong bộ phim được sử dụng để gây lẫn lộn giữa thực tế và trò chơi. “Khi người chơi lần đầu bước vào khu vực chơi trò ‘Đèn xanh, đèn đỏ’, mọi thứ đều có vẻ giả và nhân tạo. Vì thế, họ mất cảnh giác, không tưởng tượng nổi cảnh tượng tàn sát thảm khốc sẽ diễn ra không lâu sau đó”, bà Chae nói.

Nữ giám đốc nghệ thuật nói thêm, hàm ý tương tự cũng được dùng trong trò chơi thứ 4 (giành bi). Ê kíp hậu trường tạo ra bối cảnh hoàng hôn giả, những ngôi nhà giả nhưng lại thêm vào các chi tiết thật như giỏ sữa, ánh sáng hiên nhà hay cây cỏ… để tạo cảm giác mơ hồ, nửa thực nửa ảo.

Sân chơi kéo co

Quan sát kỹ mặt sàn ở khu vực các đội chơi trò kéo co, người xem dễ dàng nhận thấy nó được mô phỏng hình dạng của con đường. Chae Kyoung Sun cho biết, đây không phải ngẫu nhiên mà có ẩn ý bên trong.

Trong phim, những người tham gia trò chơi sinh tồn đều rơi vào tình cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất và tương lai mịt mờ. Phía chỉ đạo nghệ thuật quyết định dùng hình ảnh một con đường đứt đoạn để ám chỉ những người chơi bất lực với cuộc sống, không tìm ra hướng đi để thoát khỏi “địa ngục” hiện tại. Bên cạnh đó, chi tiết này cũng để phản ánh nhiều người không có nhà để về, phải sống lay lắt qua ngày trên đường phố.

Tú Oanh

Theo Koreaboo

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-an-y-duoc-cai-cam-trong-cac-canh-phim-tro-choi-con-muc-khong-ai-biet-post1385693.tpo