Những ấn tượng ở thiên đường châu Âu

Cứ nhắc đến Paris là người ta lại gán cho nó những cái tên mỹ miều như 'thủ đô hoa lệ', 'kinh đô ánh sáng', 'trung tâm văn hóa thế giới' hoặc thậm chí 'thiên đường của châu Âu'. Theo thống kê của chính phủ Pháp thì bình quân hàng năm có tới 15 triệu lượt người tới Paris để tham quan, đem về tổng số doanh thu cho nhà nước là 80 triệu USD từ ngành du lịch.

Quận 13 - quận của người châu Á

Du thuyền trên sông Seine

Du thuyền trên sông Seine

Tắc đường ở Paris là lẽ thường tình, đặc biệt là cửa ngõ dẫn vào nội thành. Bản đồ Paris có hình dáng giống quả trứng, từ đường vành đai đi sâu vào trong theo kiểu xoắn trôn ốc. Tôi nghỉ tại khách sạn Ibis ở quận 13, quận của người châu Á. Trước kia quận 13 chủ yếu là nơi cư ngụ của người ngoại tỉnh đến Paris. Sau Thế chiến thứ nhất, một số người nhập cư từ các nước thuộc địa tới định cư ở đây. Nhưng phải đến thập niên 70, quận 13 mới thực sự chứng kiến làn sóng nhập cư của người châu Á từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Ở quận này có nhiều doanh nghiệp của người Việt Nam thành đạt. Chủ yếu họ kinh doanh các mặt hàng rau quả, thực phẩm và ăn uống. Chỉ cần ra khỏi khách sạn vài chục mét là có thể bắt gặp những biển hiệu như “Huế Ngự Bình”, “Sài Gòn quán”, hay “Phở Hà Nội”… nằm ngay trên đại lộ D’lvry, phố Tolbiac và phố Choisy. Tuy nhiên một bát phở cũng 8 euro.

Nhìn chung giá cả của Pháp được xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Một que kem nhãn hiệu Wall (giống kem Wall loại 4.000 đồng trẻ con ở Việt Nam vẫn ăn) được bán dưới chân tháp Eiffel với giá 3 euro. Một cân rau muống cũng cỡ hơn 7 euro. Nhớ hồi bác tôi mới sang Đức định cư, khi về thăm nhà có kể rằng, lần đầu tiên ông sang Paris, biết giá cả đắt đỏ nên mang sẵn bánh mì, nước suối, vừa đi tham quan, vừa ngả ra ăn dọc đường. Cuối cùng nước suối cũng hết, mua một chai lại tiếc rẻ vài euro mới ra vòi nước công cộng hứng vào chai uống dần. “Khổ đến nỗi vậy thì đi du lịch làm gì chứ”, tôi đã thốt lên như vậy.

Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà cửa trung tâm Paris không cái nào cao quá 3 tầng, kiến trúc vẫn nguyên xi như vài thế kỉ trước với một màu vàng vàng, xam xám. Đi dạo phố dễ bắt gặp nét gì đó vừa quen, vừa lạ, hao hao những kiến trúc thuộc địa Pháp còn lại trên phố Tràng Tiền, Lê Thánh Tông hay Trần Phú. Thành phố nào sở hữu một con sông cũng đều tận dụng dịch vụ du thuyền để phục vụ khách du lịch.

Thường những tour sông nước như vậy cực kỳ tẻ nhạt. Theo kinh nghiệm thì tôi không bao giờ tham gia River-tour. Nhưng một chuyến du ngoạn sông Seine thật đáng để thưởng lãm. Những khu phố cổ dọc 2 bờ sông đúng như những gì tôi vẫn hình dung qua các trang sách của Honoré de Balzac, Victor Hugo hay Guy de Maupassant. Ấn tượng nhất là những bức phù điêu trên các thành cầu bắc ngang qua sông. Tàu đi dưới gầm cầu, những gương mặt người khổng lồ vươn bóng xuống lòng nước, tạo một cảm giác kỳ dị xen lẫn thán phục.

Sông Seine chia Paris ra làm 2 nửa. Nhìn trên bản đồ, nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) nằm oai vệ ngay trên mũi đảo Île de la Cité. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 dưới thời vua Louis VII. Năm 1845, đã có một cuộc sửa chữa lớn dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Jean-Baptiste Lassus, sau khi ông chết thì người kế nhiệm việc xây dựng là công tước Eugene Viollet. Ông cho xây thêm tháp nhọn, đặt thêm những bức phù điêu, tượng điêu khắc, tranh kính màu... vào trong nhà thờ. Đây là một trong những kiến trúc Gotic đặc thù đầu tiên của người Pháp. Tuy nhiên những bức phù điêu và kính màu lại tạo một âm hưởng tiền Roman.

Hôm tôi đi du thuyền trên sông Seine, mưa đã lâm thâm. Lúc lên bờ tham quan nhà thờ Đức Bà, trời u ám và ảm đạm. Những bức phù điêu mặt quỷ trên Notre Dame in hình xám xịt dưới bầu trời. Nguồn cảm hứng của đại văn hào Victor Hugo là đây. Hễ cứ đứng trước nơi này, người ta hay nhắc đến thằng gù Quasimodo như một phản xạ có điều kiện. Sau này, Nhà thờ Đức Bà Paris còn xuất hiện trong cả các siêu phẩm điện ảnh Mỹ như Val Helsing - Khắc tinh của Ma cà rồng, Mật mã De Vinci… Trong đó các diễn viên hết đu người trên nóc nhà thờ lại phi từ đỉnh tháp xuống giáo đường hết sức ngoạn mục. Phía sân trước Notre Dame có một vết lõm, nơi được tính là km số 0, giống như ta lấy Tháp Rùa làm km số 0 vậy. Du khách từ khắp nơi tranh nhau dậm chân vào vết lõm đó. Người ta cho rằng nếu ướm chân vào, sẽ có may mắn được quay trở lại Paris lần thứ hai. Người đông quá nên tôi không có cơ hội được thò bàn chân vào đó. Lúc rời khỏi nhà thờ thấy tiếc hùi hụi một cách rất mê tín.

Khải hoàn Môn nhìn ra Đại lộ Avenuedes Champ Elysee

Không gian sống - Ấy là người

Paris có Avenue des Champ Elyseé, một trong những đại lộ đẹp nhất thế giới. Đi trên đại lộ, có cảm giác đúng là… đi trên đại lộ, như bản thân từ đó gợi tả. Tôi đã từng xem một bức tranh sơn dầu vẽ góc đại lộ nơi có Khải hoàn môn. Bức tranh hoàn thành vào đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên khi đứng ở nơi mà người họa sỹ đã phác họa bức tranh, thấy vẫn nguyên vẹn từng góc phố, quán cà phê và vỉa hè qua lại. Tôi đến Paris đúng vào những ngày có đêm trắng, nên không được chứng kiến “Paris by night” trên đại lộ Champ Elyseé đẹp đến thế nào.

Ngoài một số đại lộ rộng lớn thì đa phần phố xá ở Paris vô cùng nhỏ hẹp. Nhiều phố nhỏ đến nỗi tưởng là ngõ, thậm chí là sân. Ấy vậy mà phố nào cũng thấy 2 dãy ô tô đỗ dọc bên đường, thành thử đường cho xe đi chỉ còn tí xíu ở giữa. Kết quả là ngày tắc đường mấy bận vào giờ cao điểm. Muốn đến một nơi nào đó trong thành phố bằng ô tô phải mất cả tiếng đồng hồ, vì thế người dân Paris thường hay dùng xe điện ngầm, vừa tiện lợi lại vừa rẻ tiền. Người Pháp đặc biệt tôn trọng luật lệ giao thông. Ngay cả lúc gần sáng không một bóng người, họ vẫn kiên nhẫn chờ cho đến khi có tín hiệu đèn xanh nổi lên. Thái độ lịch lãm của họ thể hiện ngay cả trên đường và ngay cả đối với những người không quen biết.

Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, đường phố Paris vắng tanh, mọi người đã tạm gác công việc của mình để nghỉ ngơi hoặc đi dã ngoại. Trên xa lộ, dễ bắt gặp nhiều xe con kéo theo cả một xe thùng đằng sau. Đó chính là ngôi nhà di động dành cho các gia đình đi nghỉ ngắn ngày, trong xe có đủ bếp ga, tủ lạnh, vô tuyến, radio, xe đạp… Mức độ tiện nghi tùy theo giá cả của chiếc rơ moóc đó. Người sử dụng loại xe kép này còn phải thi thêm một bằng lái xe đặc biệt nữa mới được lái. Tuy luật lệ giao thông khắt khe là vậy, nhưng trên đường cao tốc vẫn xảy ra những tai nạn xe hơi kinh hoàng. Chỉ tính riêng đoạn đường từ Paris tới Lyon dài hơn 300km, tôi đã chứng kiến tới 3 tai nạn xe hơi.

Tôi vẫn cho rằng không gian sống và kiến trúc bộc lộ rõ tính cách và văn hóa của chủ nhân. Những ngôi nhà của người Pháp mang một nét rất đặc trưng của những tâm hồn khoáng đạt và lịch lãm với cửa trắng hoặc xanh lá cây, còn ban công phủ đầy hoa hồng và đỗ quyên. Kích thước cửa sổ của họ rất lớn, to gần bằng cửa ra vào, có lắp thêm cánh cửa chớp bằng gỗ và phần mái dốc quay ra mặt tiền. Trong khi nhà của người Đức thì ngược lại, vì thường sử dụng gam màu trầm hơn như nâu, ghi xám, màu gạch đỏ nguyên bản, cửa sổ nhỏ, không cửa chớp, chóp mái quay ra mặt tiền và không có bao lơn.

Người Pháp rất thích chó. Đi qua nhiều tỉnh thành thấy các gia đình dắt chó đi dạo chơi vào chiều muộn. Nhiều người còn cho chó trèo lên bàn ăn chung. Có lần thấy 3 ông cụ ngồi nói chuyện trên ghế đá, trên đầu gối mỗi cụ đều có một chú chó lông xù cho ngồi sắp hàng bằng nhau. Họ quý chó như người, thành thử ở Paris có nhiều thẩm mỹ viện dành riêng cho chó, mèo để những chú thú cưng hàng năm đến đó tân trang sắc đẹp với giá cắt cổ mà chủ của chúng vẫn vui lòng thanh toán.

Người Pháp hiền hòa là vậy nhưng cũng hay biểu tình. Hôm đầu tiên đến Paris, tôi nhìn thấy các ga xe điện ngầm ngập ngụa rác, nilon, báo cũ, vỏ đồ hộp rải từ cầu thang xuống. Người ta cho biết công nhân vệ sinh xe điện ngầm biểu tình từ 3 ngày nay. Hôm sau khi đi trên xa lộ, sóng từ radio dành cho lái xe thông báo đoạn đường 10km trước mặt đang bị tắc nghẽn vì nhân viên ngành giao thông biểu tình đòi quyền lợi. Cuộc biểu tình kéo dài từ 9h đến 15h mới được cảnh sát dẹp yên.

Nhà văn Di Li

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-an-tuong-o-thien-duong-chau-au/827844.antd