Những ấn tượng đẹp về tập thơ 'Từ miền lễ hội'

Lê Quang Vinh là cây bút quen thuộc với độc giả và các văn nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ. Là một cựu chiến binh - bộ đội Tăng thiết giáp thời chống Mỹ, kết thúc chiến tranh anh chuyển ngành về công tác tại UBND thành phố Việt Trì và từ năm 2014 đến nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Việt Trì.

Các sáng tác của anh tập trung ở hai thể loại chính: Thơ và truyện ngắn, đạt một số giải thưởng ở Trung ương và địa phương. “Từ miền lễ hội” là tập thơ mới nhất của anh, được NXB Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tháng 6 năm 2020. Tập thơ gồm 58 bài với ba đề tài chính: Quê hương-đất nước, anh Bộ đội Cụ Hồ và tình cảm gia đình. Về đề tài quê hương-đất nước nổi bật là các bài: Thành phố và em, Hà Giang, Gửi Đà Nẵng, Trở lại phố Vàng...

Hình ảnh thành phố Việt Trì-thành phố lễ hội, thành phố ngày càng đổi mới hiện lên thật đẹp, thật lạ trong đôi mắt của người thơ:

Em có còn nhớ tháng năm xưa

Thành phố hắt hiu những con đường không phố

Đến hôm nay thênh thang đại lộ

Ở nơi đâu cũng hối hả công trình

Em có về thành phố cùng anh

Chiều nhẹ bước hồ Văn Lang lộng gió

Em sẽ thấy thành phố mình rất lạ

Nét quê ngay giữa đô thành

(Thành phố và em)

 Bìa cuốn sách "Từ miền lễ hội".

Bìa cuốn sách "Từ miền lễ hội".

Việt Trì xa xưa từng được gọi là “thành phố bụi”, “đường không phố, nhà không số” thì nay đã hoàn toàn đổi khác, hiện đại sầm uất đúng như lời thơ của đồng chí Nguyễn Hữu Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ đã viết:

Tám mươi năm - từ ấy một con đường

Cùng cả nước Việt Trì bao thay đổi

Cờ đỏ búa liềm, sao vàng phấp phới

Để Việt Trì tỏa sáng khắp muôn nơi.

(Việt Trì - 80 năm vẻ vang)

Hình ảnh Hà Giang với những nét độc đáo (cao nguyên đá, hoa rừng, Tam Giác Mạch...) hiện lên thật gợi cảm, ấn tượng:

Em

cao nguyên đá mùa này Tam Giác Mạch

bông hoa rừng

ẩn trong lau lách

khiêm nhường

(Hà Giang)

Với những nét đặc trưng nơi vùng đất Thanh Sơn (sông Bứa, những chiều sương lốc cốc tiếng mõ trâu - Em gái Mường cõng mây về xóm phố...) “Trở lại phố Vàng” là một bài thơ hay viết về đất rừng Thanh Sơn - một huyện miền núi thân thương của quê hương Phú Thọ.

Tập thơ có nhiều bài thơ viết về tình cảm gia đình, tác giả viết về người mợ - “Mợ tôi” viết về người chị - “Chị tôi”, viết về người vợ vất vả tảo tần, đảm đang, chung thủy - “Em” và tình cảm sâu nặng với những người con thân yêu của mình: Phương, Việt, Hằng, Nam...

Đưa con gái về Thủ đô học đại học, biết bao lo lắng của người cha trước những bỡ ngỡ, khó khăn mà con phải vượt qua:

Đưa con về học Thủ đô

Liêu xiêu quán trọ, ngác ngơ phố phường

Lo con mới bạn, lạ trường

Bữa cơm no đói, chiếu giường khấp khênh...

(Hằng)

Và tình cảm, sự lo lắng với đứa con trai đang trong tuổi học trò:

Con đi học muộn chưa về

Bố ngồi với những bộn bề trở trăn

Điện thoại không thấy hồi âm

Ngoài kia trời đã tối dần đấy con

(Nam)

Sâu đậm trong tác phẩm là những bài thơ cựu chiến binh Lê Quang Vinh viết về đồng chí, đồng đội của mình - những người lính Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những CCB trở về cuộc sống đời thường, tình cảm đồng chí đồng đội, trong đó nổi bật là các bài thơ: “Nắm cơm đen”, “Cuộc điện thoại lúc nửa đêm”, “Người lính trở về”, “Cuộc chia tay sau chiến tranh”, “Biển đảo và tôi”...

Bài thơ “”Nắm cơm đen” là khúc bi tráng về những người lính xe tăng Bộ đội Cụ Hồ trong trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4-1972 của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:

Trong vòng vây kẻ thù trên đồi Tân Cảnh

Anh ngạo nghễ, kiêu hùng hy sinh trong tư thế

tiến công

Xung quanh anh, ngổn ngang xe tăng Mỹ

cúi đầu gục ngã

Nắm cơm cùng anh và chiếc xe tăng hóa thành

lịch sử

Ở bài thơ này, tiếc là phần chú thích trong tập thơ chưa thật đầy đủ, rõ nghĩa: “Trong trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4-1972, chiếc xe tăng mang số hiệu 377 của ta sau khi bắn cháy 7 xe tăng Mỹ đã anh dũng hy sinh. Trong số các hiện vật còn lại, có nắm cơm các anh chưa kịp ăn đã cháy thành than. Hiện nắm cơm này được lưu giữ tại Bảo tàng của Binh chủng Tăng thiết giáp” (trang 14, tập thơ). Cần chú thích rõ là 4 chiến sĩ trong Xe tăng 377 đã anh dũng hy sinh chứ không phải chiếc xe tăng của ta “đã anh dũng hy sinh”.

Sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường nhưng tình cảm đồng chí đồng đội của các “anh Bộ đội Cụ Hồ” vẫn nặng sâu da diết :

Mấy mươi năm sau

Quê lặng lẽ ra đi như thằng Sang, thằng Tiến

Vẫn biết đời người, bọt biển

Mà âm thầm nỗi đau

Ừ, thì thôi, lần này lại xa nhau

Nhưng mãi mãi bọn mình còn Quốc Điếc.

(Cuộc điện thoại lúc nửa đêm)

Hình ảnh người lính Trường Sơn năm xưa vượt qua mọi thử thách khó khăn, dũng cảm, lạc quan yêu đời hiện lên thật ấn tượng trong bài thơ “Trở lại Trường Sơn”. Kết thúc bài thơ là tình yêu và trách nhiệm của tác giả, của mọi người và thế hệ trẻ với Tổ quốc trong thời hiện tại :

Hôm nay lặng ngắm Trường Sơn

Mà cồn cào phía Biển Đông nổi sóng...

Tổ quốc ơi nếu cần cầm súng

Thế hệ cháu con tiếp bước lên đường.

Với ngôn từ giản dị, tình cảm sâu lắng, tập thơ “Từ miền lễ hội” là một đóng góp quý của tác giả Lê Quang Vinh đối với văn học nghệ thuật vùng Đất Tổ.

Chúng ta hy vọng và tin tưởng sẽ được đón nhận thêm các tác phẩm mới (thơ, truyện ngắn) có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật của tác giả Lê Quang Vinh trong những năm tiếp theo...

ĐOÀN HẢI HƯNG (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-an-tuong-dep-ve-tap-tho-tu-mien-le-hoi-646853