Những ai được dự tòa xử kín cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm nay?

Do bị cáo Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước' nên phiên tòa sơ thẩm sẽ tiến hành xử kín. Dư luận băn khoăn, liệu những ai được quyền tham dự phiên tòa này.

Sáng nay (11/12), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - C03, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, cựu chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, cựu Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" theo Điều 337 (Bộ luật Hình sự 2015).

Phiên tòa sẽ được xét xử kín, do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là ông Khuất Hữu Ánh và ông Đỗ Minh Tuấn.

Dự kiến, phiên sơ thẩm sẽ diễn ra trong 1 ngày. Tòa xử kín nhưng sẽ tuyên án công khai. Có 7 luật sư tham gia bào chữa cho 4 bị cáo, trong đó, ông Chung có 4 luật sư.

Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai. Mặc dù là xét xử kín, nhưng khi tuyên án thì phải công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.

Căn cứ Điều 103 (Hiến pháp năm 2013) quy định về nguyên tắc xét xử: "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín".

Bên cạnh đó, tại Điều 25 (Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) quy định: "Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức (ảnh TL)

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức (ảnh TL)

Luật sư Anh khẳng định: "Việc tòa án xét xử kín vụ án này là đúng với các quy định hiện hành. Theo đó, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Do bị cáo Nguyễn Đức Chung cùng các đồng phạm bị truy tố về tội danh liên quan đến tài liệu bí mật nhà nước nên tòa án sẽ tiến hành xử kín nhằm giữ kín các bí mật này. Dù xử kín nhưng tòa vẫn sẽ tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 (BLTTHS 2015). Tuy nhiên, khi tuyên án, tòa chỉ đọc phần quyết định trong bản án, chứ không đọc toàn bộ bản án".

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Để nghe ngóng, bị cáo Chung đã liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 62020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật liên quan đến vụ án Nhật Cường.

Trong đó, Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung hai lần gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật. Đối với Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, hai bị cáo này tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.

Nguyễn Hằng - Thanh Phong

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nhung-ai-duoc-du-toa-xu-kin-cuu-chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-20201211074425535.htm