Nhức nhối vi phạm trong vận tải đường bộ

Trong cơ cấu vận tải hành khách và hàng hóa hiện nay, đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; song hành với nó là những hệ lụy nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là vai trò của quản lý Nhà nước còn mờ nhạt, thiếu hiệu quả.

Nở rộ vận tải "trá hình"

Từ lâu, vận tải hàng hóa, hành khách bằng ô tô đã trở thành thị trường hấp dẫn, thu hút hàng vạn DN đầu tư kinh doanh. Cung vượt quá cầu ở cả hai lĩnh vực nêu trên đã phát sinh hàng loạt hệ lụy như xe “dù”, bến “cóc”; xe khách trá hình; chở quá khổ, quá tải… Trong khi thị trường vận tải tràn ngập DN với sự đua tranh khốc liệt tăng lên từng ngày, chính sách quản lý, định hướng phát triển cũng như chế tài kiềm chế vi phạm lại chưa đáp ứng thực tiễn.

Đơn cử như hiện tượng xe khách trá hình, còn được biết đến với tên gọi "xe Limousine", núp bóng vận chuyển khách theo hợp đồng để hoạt động như xe khách liên tỉnh (XKLT). Loại hình này mới chỉ xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng nhanh chóng nở rộ ở khắp các tỉnh, thành.

 Xe khách đón trả khách sai quy định trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Phạm Hùng

Xe khách đón trả khách sai quy định trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Phạm Hùng

Ước tính, chỉ riêng khu vực Hà Nội có đến hàng vạn chiếc xe khách trá hình đi và đến mỗi ngày. Bên cạnh hệ lụy về UTGT, mất an ninh trật tự, nó còn xô đẩy các DN vận tải vốn làm ăn theo luật, phải đi đến bước đường cùng. Tính tới nay đã có hơn 400 tuyến XKLT tại các bến xe lớn của Hà Nội phải bỏ bến, tự xóa tên trên bản đồ vận tải của TP.

Bất chấp hàng chục lá đơn kêu cứu, hay sự kiện đình công, phản đối của XKLT, xe khách trá hình vẫn ung dung tồn tại. Bởi thiếu quy định rõ ràng của luật pháp nên lực lượng chức năng gặp khó khăn rất lớn trong xử lý loại hình vi phạm này. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Điều đó không chỉ thể hiện sự bất lực của hàng loạt DN mà còn cho thấy bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình xe hợp đồng nói riêng và xe vận tải hành khách nói chung”.

Song song với căn bệnh mãn tính của vận tải hành khách là vấn nạn xe quá khổ, quá tải lan tràn khắp các địa phương. Xe ô tô vận tải đua nhau cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng, chạy nhanh, phóng ẩu, gây nên biết bao vụ tai nạn thảm khốc, kinh hoàng khiến cộng đồng xã hội hoang mang, mệnh danh là “hung thần xe tải”.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến phân tích, do cung vượt quá cầu, xe nhiều mà khách ít nên buộc các DN phải hạ giá cước để cạnh tranh. “Hạ giá cước mà vẫn muốn có lãi thì chẳng cách nào khác là xe phải chở quá tải, chạy nhanh để tăng chuyến, liều lĩnh đi cả vào giờ cấm, phố cấm… dẫn đến vi phạm cả về giao thông, vận tải lẫn môi trường” - ông Tiến lý giải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN vận tải đang phải đấu tranh để sinh tồn trong một cuộc thương chiến quá khốc liệt. Bên cạnh sự tham lam còn có cả sự bất đắc dĩ, buộc lòng phải phạm luật, lách luật để tìm đường sống. DN vận tải trượt dài từ chỗ làm ăn chân chính đến sẵn sàng phạm luật, rồi đút lót, hối lộ, làm tha hóa cả một bộ phận cán bộ, lực lượng chức năng, có phần trách nhiệm chính của công tác quản lý Nhà nước.

Chủ một DN vận tải hành khách tại Hà Nội (xin giấu tên) xót xa nói: “Đi làm ăn không ai muốn gian dối, vi phạm pháp luật để rồi phải trốn tránh, chui lủi, nơm nớp lo sợ hay đầu lạy tay van. Nhưng không làm thế không sống nổi giữa một thị trường bất ổn, thiếu sự bảo vệ của pháp luật như hiện nay”.

Quản lý Nhà nước cần bắt kịp thực tiễn

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN vận tải đường bộ đang phải tự ngụp lặn giữa đại dương đầy giông bão. Muốn ổn định thị trường vận tải hành khách cũng như hàng hóa, chính sách và pháp luật trong lĩnh vực này phải mau chóng thay đổi, bắt kịp thực tiễn, trở thành ngọn hải đăng chắc chắn, định hướng cho sự phát triển bền vững, lành mạnh.

Từ năm 2018, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với Bộ GTVT xây dựng hệ thống quản lý điện tử chung cho loại hình xe hợp đồng trên toàn quốc. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho rằng, Bộ GTVT cần thống nhất quản lý thông tin của hợp đồng vận chuyển khách đối với xe hợp đồng, du lịch bằng một phần mềm riêng mà mọi cơ quan, lực lượng chức năng của bộ và các địa phương đều truy cập, trích xuất được dữ liệu.

“Các xe hợp đồng, bất kể ở địa phương nào, đều phải nhập thông tin, dữ liệu chuyến đi vào phần mềm này trước khi thực hiện hợp đồng. Lực lượng chức năng, khi tác nghiệp ngoài hiện trường, chỉ cần sử dụng thiết bị di động truy cập vào phần mềm, tìm kiếm bằng biển số xe, tên đơn vị... sẽ thấy được thông tin đăng ký thực hiện hợp đồng của xe. Qua đó có thể đối chiếu với thực tế, phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm ngay, rất thuận tiện, hiệu quả” - ông Hà nhận định.

Với lĩnh vực vận tải hàng hóa, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến nhìn nhận: “Cần thành lập các sàn giao dịch vận tải, quy định về giá sàn để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, DN lớn có tiềm lực sẵn sàng hạ giá, phá giá để triệt hạ DN nhỏ”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện vận tải hàng không, đường thủy hay đường sắt liên tỉnh còn chưa phát huy được hiệu quả cân bằng thị trường vận tải. Tính tiện lợi và giá cước vận chuyển của các loại hình này chưa đáp ứng mong mỏi thực tế của hành khách, DN.

Để cân bằng thị trường vận tải, không thể thiếu chiến lược lâu dài, đồng bộ và cân đối cơ cấu các loại hình. Một khi đã cân đối cơ cấu, các DN vận tải sẽ không còn phải đua tranh quá gắt gao trong lĩnh vực đường bộ, bởi cơ hội đầu tư kinh ở các lĩnh vực: đường thủy, đường sắt, hàng không cũng hấp dẫn không kém.

Tất cả những giải pháp đó đều đang trông chờ vào sự chuyển mình của chính sách và pháp luật. Hơn ai hết, Bộ GTVT phải là cơ quan quản lý Nhà nước đi đầu trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, quy định phù hợp với thực tế và xu thế phát triển của thị trường vận tải hiện tại cũng như tương lai. Quan trọng hơn, việc xây dựng chính sách, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành vận tải cần phải nhanh nhạy và chính xác. Ít năm qua, nhiều bài học nhãn tiền với Bộ GTVT đã cho thấy hậu quả của sự chậm chạp, không bắt kịp thực tế.

Nếu không có sự chuyển mình thực sự mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, gốc rễ của những tồn tại, rối loạn trong lĩnh vực vận tải đường bộ sẽ khó lòng được giải quyết, và xe "dù", bến "cóc" vẫn tồn tại, gây ra những hệ lụy trong quản lý và khiến cho những DN làm ăn chân chính nản lòng.

"Làm trong sạch và ổn định thị trường bằng các biện pháp quản lý Nhà nước sẽ cho hiệu quả tối ưu; xử phạt vi phạm chỉ là cắt ngọn mà chưa đào tận gốc những bất cập, tồn tại hiện nay. " - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến

"Vừa rồi tôi có chuyến công tác lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và đã ghé qua Bến xe tỉnh Thái Nguyên. Thật sự cảnh tượng ở đó vô cùng vắng vẻ, đìu hiu. Hỏi ra mới biết từ ngày loại hình xe Limousine xuất hiện, xe trong bến gần như mất hết khách.

Nghe đâu xe Limousine lấy giá cũng rất phải chăng và gần sát với giá xe khách truyền thống trong khi Limousine lại tiện lợi hơn nhiều. "- Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhuc-nhoi-vi-pham-trong-van-tai-duong-bo-361184.html