Nhức nhối vấn nạn ngư phủ 'bùng tiền' chủ tàu cá

Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thường xuyên diễn ra tình trạng nhiều chủ tàu bị ngư phủ lừa tiền, nhiều trường hợp chủ tàu phải ngậm đắng nuối cay chịu để mất những khoản tiền lớn, thậm chí có những cú lừa tiền của ngư phủ đối với chủ tàu nghe mà cười ra nước mắt.

Tàu đánh cá thứ 2 của anh Nguyễn Văn Toàn trong quá trình tu sửa lại. Ảnh: Kim Nhượng

Cửa Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, là một trong những cửa sông chính đổ ra cửa biển, nơi tập trung nhiều tàu đánh cá lớn nhỏ. Lượng tàu cá tại đây có tới hàng nghìn chiếc, cũng chính vì lý do đó mà việc thuê ngư phủ của chủ tàu cá ngày càng nhiều. Có những người làm chủ từ 2 đến 3 chiếc, mỗi chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ cần phải thuê 7-8, thậm chí 10 ngư phủ để đi biển dài ngày. Vài năm trở lại đây, vấn đề ngư phủ “bùng tiền” chủ tàu tại địa phương này đã trở nên thường xuyên và trở thành nỗi ám ảnh, mất niềm tin của nhiều chủ tàu.

Số là, trước mỗi chuyến đi biển, chủ tàu bao giờ cũng phải ứng tiền trước cho các ngư phủ, chủ tàu gọi đây là "tiền đặt cọc bạn thuyền". Số tiền mà chủ tàu bỏ ra cho mỗi ngư phủ từ 4-5 triệu đồng hoặc có thể hơn. Có chủ tàu phải ứng trước cho mỗi ngư phủ từ 20 đến 30 triệu đồng, số tiền ứng phụ thuộc vào từng loại tàu cá to hay nhỏ. Nhưng đến ngày đi biển, “bạn thuyền” chẳng thấy đâu, vậy là chủ tàu vừa bị mất tiền, lại không thể “mở biển” như dự định.

Anh Nguyễn Văn Toàn, trú tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những chủ tàu đánh cá lâu năm tại thị trấn Sông Đốc và đang sở hữu một chiếc tàu đánh cá trị giá hơn 17 tỉ đồng, một chiếc khác hơn 10 tỉ đồng, hiện tại đang sửa chữa, tu bổ”.

Nhắc tới tình trạng những chủ tàu bị ngư phủ “bùng tiền”, anh Toàn cho biết: “Ở thị trấn Sông Đốc có tới hàng nghìn hộ là chủ tàu cá và hầu như ai cũng đều rơi vào hoàn cảnh bị ngư phủ “bùng tiền”. Khác nhau ở chỗ bị lừa ít hay nhiều. Tháng 5-2018, gia đình tôi chuẩn bị một chuyến cho tàu ra khơi, dự tính kéo dài khoảng 15 ngày. Công tác chuẩn bị đã xong, liên hệ với bạn tàu để thuê ngư phủ. Trước khi hành trình, thuyền trưởng mới tá hỏa nhận ra các ngư phủ đã biệt tăm mà trước đó chưa lâu đã ứng tiền cho mỗi người 8 triệu đồng”.

Thở dài nhìn ra phía xa cửa biển Sông Đốc, anh Toàn nói tiếp: “Chủ tàu ở đây đi thuê ngư phủ giống như đánh bạc, tốt thì không sao, chứ một năm bị hai, ba lần bị lừa là oải, không còn hứng thú để đầu tư cho tàu ra khơi nữa!”.

Vấn nạn ngư phủ “bùng tiền” của chủ tàu ở đây diễn ra như cơm bữa. Chủ tàu khi đưa tiền trước cho lao động đi biển, không hề có một giấy tờ cam kết, có những chủ tàu đề phòng bằng cách giữ chứng minh thư, hay giấy tờ tùy thân, nhưng những biện pháp đó cũng chẳng làm cho ngư phủ cố tình “bùng tiền” phải sợ. Tuy biết sẽ gặp rủi ro, nhưng chủ tàu vẫn chấp nhận vì đang cần lao động đi biển. Trong khi đó, vùng biển thì lại khan hiếm lao động.

Chỉ riêng thị trấn Sông Đốc, số lượng tàu cá hoạt động khoảng 2.000 chiếc và cần từ 15 đến 20.000 lao động đi biển. Thế nhưng, chỉ khoảng 1/3 số lao động này là cố định ở làng biển, 2/3 còn lại là những lao động thời vụ từ các địa phương khác và để thu hút lao động đi biển, thu nhập cần phải được nâng lên. Chủ tàu cũng không thể quyết định được bởi phụ thuộc vào chuyến biển có khai thác được nhiều cá hay không và cá có bán được giá hay không? Vậy nên chuyện khan hiếm lao động đi biển càng ngày càng trầm trọng. Chính vì lẽ đó mà nhiều chủ tàu đành phải “tặc lưỡi”, thậm chí ngậm đắng nuối cay để bỏ qua những vụ “bùng tiền” như thế.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, trú tại khóm 5, thị trấn Sông Đốc vừa bị 6 ngư phủ lừa hơn 50 triệu đồng tiền ứng trước, cho biết: “Hợp đồng đi tàu với các ngư phủ là 3 tháng, mọi việc đều suôn sẻ. Trước khi ra khơi, tôi còn ra tận bến để canh ngư phủ. Tưởng đã chắc chắn, thế nhưng tàu chỉ ra khơi được 5 ngày thì ngư phủ đòi thuyền trưởng quay lại bờ, với đủ thứ lý do, con ốm, mẹ đi viện... Thậm chí, ngư phủ dọa đòi đánh thuyền trưởng. Vậy là phải quay về bờ và họ trốn biệt tăm”.

Anh Hoàng cho biết thêm: “Phần lớn những ngư phủ là người từ địa phương khác đến, có những thành phần rất phức tạp, đã có những trường hợp ngư phủ đòi quay về bờ nhưng thuyền trưởng không đồng ý, rồi xảy ra cãi vã, ngư phủ đâm chết thuyền trưởng, vứt xác xuống biển, như trường hợp của Thuyền trưởng Chiến cách đây 2 năm cũng chính tại thị trấn Sông Đốc này”.

Thiếu tá Lê Quang Đức, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau cho biết: “Đồn Biên phòng Sông Đốc có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 32,7km bờ biển, với 4 xã và một thị trấn, trong đó, thị trấn Sông Đốc là nơi tập trung nhiều tàu đánh cá nhất của toàn huyện. Là cửa biển lớn nên tàu cá chủ yếu tập trung tại đây, do đó, nhu cầu thuê ngư phủ cũng rất cao. Cũng chính vì vậy mà dẫn tới tình trạng nhiều ngư phủ hám lợi lừa tiền chủ tàu. Nhiều chủ tàu cá khi thuê ngư phủ đều ngại trình báo cơ quan chức năng, có những người đến trình báo trạm kiểm soát Biên phòng về số người, giấy tờ đầy đủ, nhưng ra khơi, họ lại ép thuyền trưởng quay tàu lại rồi bỏ trốn”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: Kim Nhượng

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Sông Đốc thường xuyên tăng cường cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền, vận động bà con, nhất là những chủ tàu khai báo chính xác số lượng thuê ngư phủ, cảnh báo cho các chủ tàu những phương thức, thủ đoạn của kẻ xấu lừa tiền của chủ tàu để mọi người cảnh giác. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Sông Đốc còn lập kế hoạch kết hợp cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn, thường xuyên xuống bến cảng kiểm tra các thiết bị an toàn của từng tàu cá trước khi ra khơi.

Thiết nghĩ, chính quyền, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và có biện pháp hạn chế tình trạng ngư phủ “bùng tiền” của chủ tàu, đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lợi dụng lòng tin của chủ tàu, ứng tiền công trước rồi bỏ trốn để răn đe, giáo dục, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhuc-nhoi-van-nan-ngu-phu-bung-tien-chu-tau-ca/