Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng, đến môi trường cạnh tranh, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Lừa đảo trong thương mại điện tử

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo đà cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những tiện ích như nhanh chóng và thuận tiện cho cả người mua và người bán, thương mại điện tử cũng tiềm ẩn những rủi ro từ sự lừa đảo bán hàng giả, hàng nhái.

Thông tin từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, nhóm hàng hóa bị làm giả thường có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các hành vi vi phạm phổ biến là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như giả mạo tên miền, giao diện, website, giả chất lượng, giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… trong tất cả các lĩnh vực từ hàng gia dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng… Rất nhiều những nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ về bị làm giả không thể kiểm soát như Iphone, Nike, Panasonic, Aj-no-moto, A-one…

“Trong 10 tháng đầu năm 2020, có 176 khiếu nại của người tiêu dùng. Các nội dung khiếu nại liên quan đến các vấn đề như: Hàng không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng kém chất lượng, kém so với quảng cáo; hàng giả mạo thương hiệu, nguồn gốc; hàng giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…”. Thông tin từ Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết như vậy.

Thương hiệu Panasonic từ lâu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho hay, cũng phải tự bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tung hoành. Hàng giả Panasonic đa dạng về chủng loại từ hàng gia dụng, điện tử, thiết bị điện… Nguồn gốc xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái. Hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều khắp các tỉnh thành và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các trang website của nhà cung cấp. Panasonic bị làm giả từ máy lọc nước, nồi chiên không dầu, máy sấy tóc, thiết bị điện đến vòi lọc nước…

Panasonic khẳng định, không sản xuất những mặt hàng này.

Panasonic khẳng định, không sản xuất những mặt hàng này.

Khảo sát của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam về hàng giả qua cửa hàng trực tiếp và thương mại điện tử cho ra kết quả: bình thủy điện là 19%; máy sấy tóc 49% và nồi cơm, nồi nấu cao tần, điện thoại bàn là 7%. Tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), hải quan tạm giữ 675 máy sấy tóc. Quản lý thị trường kiểm tra tại chỗ ở Chi Lăng (Lạng Sơn), tạm giữ 1000 máy sấy tóc. Ngoài ra, còn nhiều các mặt hàng khác nữa.

Tuy nhiên, những con số trên chỉ là một phần rất nhỏ trong các mặt hàng giả, hàng nhái đã được sản xuất và bán ra thị trường bằng rất nhiều con đường khác nhau. Trong đó, có sự “tiếp tay” không nhỏ của thương mại điện tử.

Ai chịu trách nhiệm?

Hàng giả, hàng nhái tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nguy cơ cháy nổ từ các mặt hàng điện tử, gia dụng. Đồng thời, xâm phạm giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thông tin từ Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cho biết: Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, Cục sở hữu trí tuệ đã phát hành 706 công văn cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn về các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp gồm thanh tra, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, tòa án và các cơ quan, tổ chức khác. Riêng 10 tháng đầu năm 2020 là 148 công văn.

Ngoài ra, các lực lượng khác như công an, hải quan, quản lý thị trường… cũng liên tục vào cuộc chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, các quy định của nhà nước, chế tài xử phạt về lĩnh vực này cũng rất nhiều và nghiêm khắc. Gần đây nhất là Nghị định 98/2020 của Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban chỉ đạo 389 quốc gia có kế hoạch 399 chống hàng giả trên thương mại điện tử. Kế hoạch này kéo dài từ tháng 11/2020 đến hết tháng 10/2023.

Dù vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn đang sống nhởn nhơ, thách thức các cơ quan chức năng. “Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi. Một phần cũng có sự tiếp tay của người tiêu dùng, biết hàng giả, nhái vẫn mua do thích các thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng nhận biết. Về phía doanh nghiệp còn tình trạng chưa phối hợp với cơ quan chức năng. Mặt khác, các cán bộ thực thi công vụ thiếu năng lực chuyên môn, kỹ thuật nhận biết, thiếu kinh nghiệm. Sự phối hợp giữa các lực lượng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng… chưa hiệu quả. Cùng với đó là các quy định pháp luật chưa hoàn thiện”. Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương Nguyễn Thị Minh Huyền nêu những khó khăn thách thức trong công cuộc đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh những doanh nghiệp còn e ngại đụng chạm trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhiều doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội rất cao kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. “Không khoan nhượng với hàng giả vì sự an toàn của người tiêu dùng, mục tiêu kinh doanh và giá trị thương hiệu của chúng tôi”. Đại diện Panasonic khẳng định.

Thiên Kim

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhuc-nhoi-van-nan-hang-gia-hang-nhai-24456.html