Nhức nhối vấn đề bạo lực súng đạn

Thế giới những ngày này không yên bởi bạo lực súng đạn đang lan tràn và len lỏi tới cả những quốc gia vốn rất bình yên. Chưa bao giờ việc kiểm soát súng đạn và ngăn chặn bạo lực liên quan đến súng đạn lại cấp bách như hiện nay.

Phải khẳng định rằng, vụ xả súng trên tàu điện ngầm ở thành phố Utrech của Hà Lan hôm 18-3 đã vượt quá giới hạn chịu đựng của cộng đồng quốc tế về bạo lực súng đạn. Bởi lẽ trước đó 3 ngày, vụ thảm sát kinh hoàng tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand đã cướp đi sinh mạng của 49 người và làm hơn 20 người khác bị thương.

Lần này, vụ xả súng ở Utrech không có số thương vong lớn (3 người thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương) nhưng nó đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo lớn về nguy cơ bạo lực súng đạn đang lan tràn khắp nơi, nhất là các quốc gia phát triển.

Bạo lực về súng đạn đang trở thành nỗi kinh hoàng trên toàn cầu.

Bạo lực về súng đạn đang trở thành nỗi kinh hoàng trên toàn cầu.

Theo tin từ hãng Reuters, ban đầu, do lo sợ đây là hành động tấn công khủng bố, Thị trưởng thành phố Utrech Jan Van Zanen đã tuyên bố đặt tình trạng khẩn cấp, giới hạn đi lại và buộc hàng loạt trường học, địa điểm tôn giáo hay các hệ thống giao thông công cộng dưới sự kiểm soát của cảnh sát. Quân đội thì được triển khai tới nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu như nhà ga, sân bay, các tuyến phố lớn. An ninh cũng được tăng cường ở các thành phố lân cận như Amsterdam, Rotterdam và The Hague…

Chỉ đến khi nghi phạm chính vụ xả súng - Gokmen Tanis bị bắt giữ, mức cảnh báo an ninh mới được hạ xuống nhưng chính phủ Hà Lan vẫn họp khẩn để mở rộng cuộc điều tra. Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thừa nhận, động cơ của nghi phạm vẫn chưa rõ ràng và cần phải xem xét tới mọi khía cạnh của vụ việc, trong đó có cả nguyên do “mâu thuẫn gia đình” như một số tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải.

Còn theo cảnh sát Hà Lan, chiếc ôtô màu đỏ Renault Clio là manh mối quan trọng dẫn đến việc bắt giữ Gokmen Tanis. Từ đây, lực lượng cảnh sát Hà Lan đã nhanh chóng bắt được hai nghi phạm nữa trong vụ xả súng.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố cơ quan tình báo nước này sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ xả súng ở Hà Lan bởi Gokmen Tanis là công dân nước này. Hãng AP thì đưa tin, Gokmen Tanis năm nay 37 tuổi và được xác định là sinh ra, lớn lên ở tỉnh Yozgat của Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời người thân của Gokmen Tanis cho biết, tên này đã bắn vào một người phụ nữ "vì lý do gia đình" rồi tiếp tục bắn vào những người khác đang cố gắng giúp đỡ cô. Cha của nghi phạm thì nói rằng Gokmen Tanis đáng bị trừng trị nếu đúng là đã thực hiện vụ xả súng. Ông này khẳng định đã mất mọi liên lạc với người con trai sau lần Gokmen Tanis trở về Thổ Nhĩ Kỳ năm 2008 sau khi ly hôn với người vợ hiện đang sinh sống ở Hà Lan.

Utrech là thành phố lớn thứ 4 của Hà Lan và từng là trung tâm tôn giáo của Hà Lan từ thời trung cổ. Đây được coi là một trong những khu vực an toàn và yên bình nhất châu Âu. Theo nhiều nhà phân tích, vụ xả súng ở Hà Lan là một cú sốc lớn đối với châu Âu bởi quốc gia này là một trong số nhiều nước có quy định chặt chẽ về súng đạn.

Tại Hà Lan, để có một giấy phép săn bắn, thợ săn cũng phải vượt qua được một khóa học và bài kiểm tra về an toàn súng đạn và sử dụng súng khi đi săn. Còn để sở hữu một khẩu súng, người này phải là thành viên của một câu lạc bộ bắn súng trong một năm.

Những người có trọng tội, nghiện ma túy hay có tiền sử về bệnh tâm thần không được sở hữu súng. Nhưng nếu xét ở một khía cạnh khác về bạo lực và sự thay đổi tư tưởng cực đoan trong thủ phạm, người ta lại cho rằng, chính lịch sử các vụ xả súng và tấn công khủng bố ở Pháp, Đức, Bỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã “tạo đà” cho thủ phạm. Dường như Gokmen Tanis đã bị “tha hóa” bởi tư tưởng bạo lực đang gia tăng trong khu vực này.

Thành phố Christchurch của New Zealand cũng vậy. Nơi đây là khu vực đô thị lớn thứ 3 của quốc gia Thái Bình Dương này. Với diện tích 452km2, Christchurch không phải là khu vực đông dân cư và sở hữu vẻ đẹp tĩnh lặng trong hàng chục năm cho đến ngày kinh hoàng 15-3. Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush cho biết, bước ngoặt trong tư tưởng cực đoan của Brenton Harrison Tarrant – nghi phạm chính của vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo được cho là xuất hiện từ sau chuyến đi Pháp năm 2017.

Trong văn bản đăng lên mạng, tên này mô tả về chuyến đi đến Tây Âu vào năm 2017 đã "thay đổi hoàn toàn" quan điểm của mình về nhập cư, một trải nghiệm có vẻ như đã dẫn tới sự cực đoan hóa.

Lần đó, Brenton Tarrant đi tới Pháp, Bồ Đào Nha và những nơi khác, và hết sức kinh hoàng trước một vụ tấn công bằng xe tải ở Stockholm khiến một bé gái thiệt mạng vào khoảng thời gian đó.

Sự giận dữ của Brenton Harrison Tarrant tăng lên khi hắn quan sát cuộc bầu cử Pháp năm 2017 và đặc biệt phản đối chính sách nhập cư vào Pháp, tuyên bố rằng có nhiều người nhập cư đến nỗi "người Pháp, chính bản thân họ chỉ là những người thiểu số". Tên này cũng nhắc tới những chuyến đi đến Iceland, New Zealand, Argentina và Ukraine hay chuyến bay tới Thủ đô Sofia của Bulgaria rồi lái xe tới Hungary…

Và cái ác lớn dần lên trong Brenton Harrison Tarrant lại được “dung túng” và tạo điều kiện bởi Luật sở hữu súng đạn được ban hành từ năm 1984 của New Zealand.

Theo đó, mọi công dân New Zealand trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sở hữu súng. Sau khi vượt qua các bước kiểm tra tiền sử phạm tội, bạo lực, sử dụng ma túy, cồn, có quan hệ với thành phần nguy hiểm không…, người xin cấp phép sẽ trải qua một khóa học sử dụng súng an toàn kéo dài vài tháng, sau đó được cấp phép. Giấy phép được gia hạn sau mỗi 10 năm.

Brenton Harrison Tarrant được cấp giấy phép sở hữu súng từ tháng 11-2017. Trước khi bị bắt, tên này đã sở hữu tới 5 loại súng khác nhau (gồm hai súng trường bán tự động, hai súng săn và một khẩu súng nạp đạn bằng đòn bẩy) và dùng chính 5 khẩu súng này để tấn công người vô tội.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề nhức nhối này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định sẽ thay đổi Luật sở hữu súng đạn. Tại cuộc họp chiều 18-3, bà Jacinda Ardern đã nhận được sự ủng hộ, thống nhất hoàn toàn của các thành viên nội các về việc cần thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý súng.

Trong 10 ngày tới, New Zealand sẽ công bố chi tiết về những biện pháp mới này. Động thái này của chính phủ New Zealand nhận được hoan nghênh và hợp tác từ phía người dân cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Một bước đi được cho là thay đổi căn bản gốc rễ của bạo lực súng đạn.

Sông Thương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhuc-nhoi-van-de-bao-luc-sung-dan-537274/