Nhức nhối tội phạm nguy hiểm 'nhập cư'

Thời gian gần đây, TP.HCM có nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Ngoài những cá nhân có hoạt động lành mạnh, có một số không ít phần tử lại lợi dụng mọi sơ hở, tận dụng mọi cơ hội để tổ chức phạm tội. Hành vi phạm tội của người nước ngoài ở TP.HCM khá đa dạng từ trộm cắp vặt cho đến vận chuyển, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, lừa đảo...

Thời gian gần đây, TP.HCM có nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Ngoài những cá nhân có hoạt động lành mạnh, có một số không ít phần tử lại lợi dụng mọi sơ hở, tận dụng mọi cơ hội để tổ chức phạm tội. Hành vi phạm tội của người nước ngoài ở TP.HCM khá đa dạng từ trộm cắp vặt cho đến vận chuyển, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, lừa đảo...

Từ dàn cảnh trộm cắp vặt...

Ngày 17/11, Công an quận 1, TP.HCM cho biết, đơn vị đã củng cố hồ sơ chuyển giao các đối tượng người nước ngoài có hành vi trộm cắp tài sản ở trung tâm TP.HCM cho Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định. Theo hồ sơ vụ án, lúc 17h45 ngày 10/11, tổ công tác Công an quận 1 thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đến giao lộ Lý Tự Trọng – Pasteur, phường Bến Thành, quận 1. Tại đây, tổ công tác phát hiện 04 đối tượng Dorjkhorol Amarbold (SN 1999), Lkharvasura Orgilsuren (SN 1985), Ganzorig Khosbayar (SN 1997), Ayush Shinekhuu (SN 1987, cùng Quốc tịch Mông Cổ) có biểu hiện nghi vấn nên bí mật tiến hành theo dõi.

Đến trước số 69 đường Lý Tự Trọng, tổ công tác phát hiện đối tượng Dorjkhorol Amarbold mở khóa túi đeo chéo của anh Shinya Fukuada (SN 1975, Quốc tịch Nhật Bản) lấy trộm điện thoại di động hiệu iPhone. Các đối tượng còn lại đứng xung quanh làm nhiệm vụ cảnh giới. Lúc này, Tổ công tác nhanh chóng ập tới, bắt quả tang hành vi trộm cắp tài sản của đối tượng Dorjkhorol Amarbold cùng những đối tượng cảnh giới. Cũng liên quan đến tình trạng người nước ngoài trộm cắp tài sản ở quận 1, cơ quan công an cũng phát hiện và bắt giữ hai đối tượng Sereeterbat Munkhtsetseg (SN 1989), Tsetsegmaa Chimgee (SN 1990, cùng quốc tịch Mông Cổ). Hai đối tượng này trộm cắp chiếc ví của anh Nishihara Yasundo (SN 1970, quốc tịch Nhật Bản).

Cụ thể, lúc 10h30 phút ngày 12/11, anh Nishihara Yasundo trình báo cho ban Quản lý Hội trường Thống Nhất về việc bị mất chiếc ví trong balo đeo chéo phía sau lưng, trong khi đang tham quan ở trong Hội trường Thống Nhất. Qua trích xuất camera, ban Quản lý phát hiện đối tượng Sereeterbat Munkhtsetseg, Tsetsegmaa Chimgee nghi vấn trộm cắp chiếc ví của anh Nishihara Yasundo nên yêu cầu lực lượng bảo vệ tạm giữ 2 đối tượng trên bàn giao cho Công an phường Bến Thành. Tại trụ sở Công an phường Bến Thành, cán bộ công an kiểm tra, thu giữ 231USD, 09 tờ tiền Nhật mệnh giá 1.000 yên, 01 tờ tiền Nhật mệnh giá 10.000 yên trên người đối tượng Sereeterbat Munkhtsetseg. Cơ quan chức năng cũng thu giữ 709.000 đồng, 10 Đô- la Singapore, 01 tờ tiền Nhật mệnh giá 10.000 yên trên người đối tượng Tsetsegmaa Chimgee.

Đối tượng người Trung Quốc điều hành đường dây ma túy tại TP.HCM.

Đối tượng người Trung Quốc điều hành đường dây ma túy tại TP.HCM.

Cho vay nặng lãi, buôn ma túy

Trước đó, vào giữa tháng 9/2019, Công an quận 2, TP.HCM cũng bàn giao 9 nghi phạm gồm 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam để Công an TP.HCM tiếp tục điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Những người bị bắt gồm: Song Yu Jie ( 27 tuổi), Yan Ze Feng ( 28 tuổi), Han Chao (28 tuổi), Zang Jin Cheng (27 tuổi), Qian Ying Jie (21 tuổi), Qian Liang Yo (25 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc ), Nguyễn Vương Bảo (23 tuổi), Nguyễn Thị Hoàng Mỹ (28 tuổi), Phạm Viết Thanh Nhã (20 tuổi). Theo điều tra ban đầu, tại một ngôi nhà ở phường An Phú, quận 1 có công ty TNHH Kyushu và công ty Star City với 30 người (cả Trung Quốc và Việt Nam) làm việc.

Hai công ty đăng ký hoạt động kinh doanh tại quận Gò Vấp (TP.HCM) từ tháng 4/2019 nhưng đến tháng 5/2019 dời về ngôi nhà tại phường An Phú để hoạt động. Hai công ty này tạo ra những ứng dụng phục vụ việc cho vay tiền. Người vay tiền từ các ứng dụng này phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, người vay phải trả đủ số tiền gốc và lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ngày trên tổng số tiền vay; bị khủng bố, đe dọa qua điện thoại...

Cũng tại TP.HCM, vào hồi giữa tháng 5/2019, hàng trăm trinh sát cục Cảnh sát ma túy, bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, TP.HCM, các quận Tân Phú, Bình Chánh, Tân Bình... ập vào kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tại đây, công an phát hiện 4 máy ép bao bì chân không dùng để ép ma túy và nhiều bao hóa chất sệt màu nâu chứa khoảng nửa tấn ketamin trong ô tô Innova và hai valy vải, được ngụy trang dưới lớp vải bạt. Cùng lúc, ban chuyên án cũng đã đồng loạt bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở Liu Minh Yang (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc, nghi can cầm đầu), Nguyễn Thị Thu Vân, Jhu Minh Jyun và Tô Gia Mỹ (đều có quốc tịch Trung Quốc). Theo điều tra ban đầu, Liu Minh Yang chỉ đạo đàn em người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, thuê kho bãi ở Bình Chánh, nhập ma túy từ nước ngoài về bằng ô tô. Sau khi tập kết, ma túy sẽ xuất đi nước thứ ba.

Vỏ bọc hoàn hảo của những tội phạm nguy hiểm

Một cán bộ phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM cho biết, TP.HCM có nhiều khu vực tập trung người nước ngoài thăm thú, đầu tư, lao động. Ví dụ, khu Ngô Văn Năm (quận 1) dành cho người Nhật Bản, khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), Trường Sơn (quận Tân Bình) dành cho người Hàn Quốc... Việc người nước ngoài tập trung về một khu vực dễ quản lý nhưng ở một số nơi người nước ngoài sinh sống rất khó kiểm tra hành chính. Các đối tượng phạm tội thường chọn sinh sống trong các chung cư cao cấp. Việc ra vào sảnh chung cư phải gọi điện thoại lên, chủ căn hộ ấn nút mới mở cửa được. Cảnh sát khu vực không phải lúc nào cũng kiểm tra. Từ đó, họ dễ dàng ẩn nấp, thấy người lạ lên sẽ dễ dàng xóa bỏ vật chứng.

“Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng người nước ngoài ít tiếp xúc với người dân xung quanh. Họ thuê các nhà xưởng kín cổng cao tường, có gắn camera giám sát. Họ làm đóng gói ma túy, lập kế hoạch lừa đảo, hoạt động phạm tội ở dạng công nghệ cao... cũng không ai biết. Nhiều vụ khi công an phát hiện ập bắt, người dân địa phương hết sức ngỡ ngàng”, cán bộ này cho biết thêm. Một cán bộ Công an quận Bình Tân cho biết thêm, những vụ việc liên quan đến người nước ngoài phạm tội thường có những vướng mắc, phức tạp. Do đó, khi phát hiện và củng cố hồ sơ ban đầu, công an cấp quận, huyện đều chuyển giao đối tượng lên Công an TP.HCM xử lý.

Nhận định về những khó khăn trong việc phát hiện tội phạm nước ngoài, PGS.TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia xã hội học, Giảng viên trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “Để ngăn chặn và phát hiện tội phạm nước ngoài ở TP.HCM, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác. Người nước ngoài có hành vi phạm tội thường sống khép kín, người dân sống xung quanh cần nhận biết và có trao đổi với công an quản lý khu vực. Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền để người dân nhận thức việc người nước ngoài đến nước ta không chỉ kinh - doanh, làm việc, du lịch mà còn có nguy cơ và khả năng phạm tội”.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Thường hành vi phạm tội do người nước ngoài gây ra rất đa dạng (giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu qua biên giới, vận chuyển, mua bán tiền giả, lừa đảo rút tiền ngân hàng, kinh doanh hướng dẫn du lịch trái phép, mở cơ sở chữa bệnh trái phép, hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật... ); nhiều vụ với tính chất rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Theo qui định của pháp luật hiện hành Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Như vậy người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định nêu trên, căn cứ vào hành vi và mức độ phạm tội của người nước ngoài, thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật, không phân biệt...”.

NGỌC LÀI

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 184

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/nhuc-nhoi-toi-pham-nguy-hiem-nhap-cu-a301859.html