Nhức nhối 'nhái' thương hiệu

Không ồn ào và nổi tiếng như ở Quảng Châu (Trung Quốc), nơi được coi là 'thiên đường hàng giả' nhưng các cơ sở sản xuất túi xách (ở làng Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên), cũng sẵn sàng trình làng và sao chép mọi mẫu mã, nhãn mác của bất kỳ loại túi xách thương hiệu nổi tiếng nào trên thế giới với giá 'rẻ như cho'.

Hàng hiệu giá 30.000 đồng

Tại làng Thao Nội, xã Sơn Hà, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, người mua có thể tìm cho mình một chiếc túi xách hàng hiệu của các hãng nổi tiếng thế giới như: Burberry, Chanel, Hermes, Michael Kors (MK), Louis Vuitton… với giá rất rẻ, từ 50.000 đồng – 120.000 đồng/ 1 chiếc. Tùy vào mẫu mã, độ lớn nhỏ và sự cầu kỳ của từng nhãn hàng.

Làng Thao Nội công khai sản xuất hàng giả, hàng nhái

Làng Thao Nội công khai sản xuất hàng giả, hàng nhái

Để mục sở thị nơi được mệnh danh là “thiên đường túi xách giả của Việt Nam”, trong vai một người kinh doanh, phóng viên báo LĐTĐ đã về Thao Nội để tìm hiểu về làng chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái. Ngay từ đầu làng, hàng chục tấm biển quảng cáo, pano chỉ dẫn mọc lên với những cửa hàng, cơ sở sản xuất bán buôn, bán lẻ túi thời trang, ba lô, cặp sách… Mặc dù là sản xuất hàng giả, hàng nhái, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở này đều sản xuất công khai.

Cơ sở sản xuất T-M, một trong những cơ sở lớn và nổi tiếng ở Thao Nội. Theo tìm hiểu, sở dĩ T – M nổi tiếng là do luôn nắm bắt được thị hiếu, cũng như đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng cộng với giá cả phải chăng. Lượng khách ra vào cơ sở này rất nhộn nhịp. Theo quan sát, cơ sở sản xuất T – M, chỉ rộng khoảng 100 m2, trong đó 1/3 diện tích được sử dụng làm nơi trưng bày mẫu mã, sản phẩm, còn lại là nơi công nhân sản xuất hàng.

Cơ sở sản xuất ở làng Thao Nội vi phạm pháp luật

Tại cơ sở T – M, khách muốn mua bất kỳ loại mẫu mã nào cũng có. Thậm chí nếu muốn đặt riêng theo mẫu mã của mình, cũng được đáp ứng với tiêu chí: Nhanh, đẹp, rẻ. Và tất nhiên không chỉ là kiểu dáng, mẫu mã, mà đến từng chi tiết nhỏ như nhãn mác, móc khóa, dây đeo, lót túi…cũng được gắn thương hiệu “sao y bản chính”. “Ở đây mẫu nào cũng có, nhãn hiệu nào cũng có, giá cả thì cực rẻ. Chúng tôi chủ yếu bán buôn, còn nếu mua lẻ dù trả giá gấp hai, ba lần cũng không bán”, chị T chủ cửa hàng cho biết.

Cầm trên tay một chiếc túi xách hiệu Burberry, chị T cho biết, trên thị trường có mẫu nào mới, chỉ khoảng vài ngày sau ở Thao Nội có ngay mẫu đó. Không chỉ vậy, các cơ sở sản xuất này còn nắm bắt rất nhanh thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thị trường. Dẫn chúng tôi xem một lô hàng mới chị T bảo: “Túi này là ăn theo trào lưu của cậu ca sĩ có bài hát “Không phải dạng vừa đâu”, khách đặt hàng nhiều, thấy mẫu mã cũng hay và bán cũng được nên chúng tôi sản xuất đại trà, giá chỉ 30.000 đồng/ chiếc. Nhưng khi bán ra thị trường các cửa hàng kinh doanh có thể đẩy giá lên gấp đôi, gấp ba”.

Hàng nhái với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt

Ngỏ ý muốn đặt một số mẫu túi xách “độc quyền”, theo một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng với số lượng ít, chúng tôi nhận được ngay lời từ chối của bà chủ với giải thích: Hàng nào cũng nhận, mẫu nào cũng nhận, nhưng phải đặt số lượng lớn thì thợ mới bõ làm. Nếu người đặt có sẵn các nhãn mác, móc khóa, thì cơ sở sản xuất chỉ tính tiền công với giá dưới 20.000 đồng/ 1 chiếc. Còn nếu như hàng đặt chọn bộ, từ nhãn mác, gia công, móc khóa…thì giá cũng chưa tới 100.000 đồng/1 chiếc.

Biết vi phạm vẫn làm

Làng Thao Nội trước đây vốn nổi tiếng với nghề làm võng truyền thống, thế nhưng do kinh tế thị trường, nghề làm võng không còn đảm bảo được thu nhập cho người dân. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, một bộ phận người dân làng Thao Nội đã chuyển sang nghề làm túi xách, ba lô giả da. Nhờ làm nghề “ăn theo” này, một số hộ gia đình đã có của ăn, của để. Và chỉ một thời gian sau đó, hàng chục, hàng trăm hộ gia đình khác cũng từ bỏ nghề làm võng truyền thống, để “sản xuất hàng giả”.

Mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh, hàng ngày các cơ sở sản xuất túi xách ở Thao Nội, đón cả hàng trăm lượt khách đến lấy hàng. Khách hàng chủ yếu đến mua buôn rồi cung cấp đầu mối cho các chợ, các cửa hàng, thậm chí là xâm nhập cả vào những tiệm thời trang uy tín…Nếu như chỉ nhìn bề nổi, với sự phát triển một làng nghề nhanh, giải quyết được lượng lao động lớn và thu nhập ổn định ở địa phương là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái là vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lũng đoạn trên thị trường. Chủ cơ sở sản xuất D – P cho hay: “Vẫn biết là vi phạm, nhưng có người mua thì mới có người làm. Vả lại hiện giờ nó là miếng cơm, là cuộc sống của chúng tôi. Không làm lấy gì mà ăn?. Chúng tôi cũng muốn xây dựng một thương hiệu của riêng mình, nhưng vốn không có thì làm được gì”. Với lối suy nghĩ đơn giản như vậy, người dân Thao Nội chưa ý thức được việc xây dựng bản quyền của riêng mình, cũng như xây dựng thương hiệu của một làng nghề của địa phương.

Ông Bùi Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: “Thực trạng người dân sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Thao Nội là có. UBND đã nhiều lần phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cùng các cơ quan ban ngành tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền và định hướng người dân, nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Năm 2014, UBND xã còn xây dựng câu lạc bộ với hơn 60 hội viên, nhằm tuyên truyền và định hướng phát triển thương hiệu riêng của địa phương nhưng hiệu quả chưa khả quan. Sắp tới chúng tôi sẽ làm triệt để hơn, để Thao Nội không còn hàng giả, hàng nhái, đồng thời tập trung xây dựng hàng hóa mang thương hiệu của địa phương. Muốn được vậy cần có thời gian, có vốn và có sự chung tay của các cấp, các ngành”.

Đạt Đỗ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhuc-nhoi-nhai-thuong-hieu-20687.html