Nhức nhối nạn phá rừng tại rừng A Lưới

Những cánh rừng ở huyện miền núi A Lưới, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vẫn chưa thôi chảy máu. Các đối tượng khai thác rừng trái phép tiếp tục xâm hại rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng rừng tái sinh.

Từ trung tâm xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế men theo con đường mòn vào nương rẫy chừng 2 tiếng đồng hồ, trèo qua nhiều đèo dốc khúc khuỷu mới vào được khu vực rừng thuộc tiểu khu 256 vừa bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, gốc cây còn tươi nguyên. Để bảo vệ rừng nơi đây, bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách, Bộ đội Biên phòng và các tổ bảo vệ rừng cộng đồng được lập ra để phối hợp, ngăn chặn nạn phá rừng... Thế nhưng, những vụ phá rừng tại đây vẫn liên tiếp diễn ra, rừng vẫn ngày đêm bị xâm hại.

Cây rừng bị chặt phá.

Cây rừng bị chặt phá.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng nhóm giao khoán bảo vệ rừng tiểu khu 256, ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới cho biết, các đối tượng phá rừng hầu hết từ tỉnh Quảng Bình vào đây cấu kết với một số người dân địa phương, lén lút vào rừng khai thác.

Khu vực rừng bị lâm tặc đốn hạ do xã Hồng Thủy quản lý. UBND xã Hồng Thủy đã giao khoán cho nhóm hộ ông Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy, quản lý, bảo vệ.

Những cây gỗ lớn đều bị lâm tặc đốn hạ từng ngày.

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, cho biết, tại khu vực này, qua kiểm tra có 10 gốc cây bị chặt hạ, đường kính từ 45cm - 70 cm. Cây gỗ bị chặt hạ thuộc các chủng loại như Bạng, Phò Lái, Xoan, Trám,… Ông Phước cho biết thêm, tình trạng khai thác gỗ trái phép thường xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nơi đây, địa hình phức tạp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua, lực lượng kiểm lâm địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức các đợt truy quét tại rừng, đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ với hơn 13m3 gỗ.

Những cây to lớn ở tiểu khu 256 bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc.

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, cho biết: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi đã nhắc nhở những cộng đồng, nhóm hộ đã có nhận rừng để quản lý, bảo vệ và hưởng chính sách theo Nghị định 75 là phải có trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý rừng được giao. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn diễn ra".

Thời gian qua, rừng ở huyện miền núi A Lưới nói chung và ở xã Hồng Thủy nói riêng được giao cho cộng đồng quản lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chi trả cho bà con trong các tổ cộng đồng còn bất cập, kinh phí hạn hẹp, bà con nhận quản lý, bảo vệ rừng nhưng tình trạng phá rừng không giảm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm, các tổ bảo vệ rừng làm tốt nhiệm vụ của mình: “Bà con có quyền lợi nhưng không làm tốt công tác bảo vệ rừng thì chúng ta chưa có một chế tài để xử lý vấn đề này. Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền, đặc biệt quan tâm kinh phí hỗ trợ cho các tổ quản lý bảo vệ rừng. Thứ hai, là cần có quy định chế tài cụ thể để mà xử lý các trường hợp không làm tốt công tác bảo vệ rừng”.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc bảo vệ rừng, chống nạn chặt phá, khai thác rừng không đúng quy định còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nói, người dân còn ỷ lại lực lượng Kiểm lâm, chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng cộng đồng: “Việc quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, gắn kết cộng đồng ở bản địa ở đây đối với rừng nhưng thực ra hưởng lợi 300.000 đồng/ ha cũng chưa đáp ứng được đời sống của bà con nên gần như công việc Kiểm lâm phải cáng đáng cả"./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nhuc-nhoi-nan-pha-rung-tai-rung-a-luoi-851077.vov