Nhức nhối nạn đuối nước ở Gia Lai

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt cái chết thương tâm do đuối nước của các học sinh ở Gia Lai, khiến cho nhiều gia đình chìm trong đau thương, tiếc nuối. Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, tình trạng đuối nước vẫn diễn ra liên tục. Một số trường hợp thoát nạn, được cấp cứu kịp thời thì hoảng loạn tinh thần, sức khỏe giảm sút, trong khi đó, các giải pháp vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ.

Tang thương liên tục

Theo Sở LĐ-TB&XH Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra trên 300 vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có hơn 50 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt, có thời điểm chỉ trong ít ngày nhưng trẻ em là học sinh ở các trường học liên tục tử vong do tắm sông, tắm suối, trượt ngã xuống ao hồ.

Đã vài ngày trôi qua nhưng gia đình em Trần Minh Lợi ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) vẫn tràn ngập sự đau tiếc. Đang là học sinh giỏi, chăm ngoan của THCS Lê Quý Đôn thì ngày 9/3, gia đình không thấy Lợi về nhà, đến ngày 11/3 thì nhận được tin dữ, thi thể Lợi trôi trên sông Ba. Bà Lê Thị Hải - người thân của Lợi cho biết: Học sinh ở đây ít có các tụ điểm vui chơi, giải trí. Kiến thức về bảo vệ an toàn sức khỏe lại hạn chế nên cứ thích là nhảy xuống sông, hồ tắm. Chính vậy nên tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Cũng trong ngày định mệnh 9/3, hai người bạn khác của Trần Minh Lợi là em Đào Hoàng Thanh Tính, Đào Minh Lâm (đều là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ia Rsươn) cũng tử vong do đuối nước trên sông Ba. Khắc khoải, bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của cháu mình, ông Đào Thanh H buồn bã: Hy vọng những vụ thương tâm thế này sẽ là hồi chuông cảnh báo đến các địa phương, các trường học khác dặn dò và quản lý học sinh, con em của mình cẩn thận hơn. 3 học sinh tử vong lần này đều học hành chăm chỉ và rất ngoan hiền.

Nhiều học sinh đã chết đuối thương tâm trên sông, hồ ở Gia Lai.

Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh ở Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) cũng thảng thốt tiếc nuối khi 2 học sinh khá của trường tử vong vì đuối nước là em Lê Đình Thắng và Nguyễn Trường Tâm. Ông Nguyễn Văn Hải (nhà gần nơi 2 học sinh bị nạn) cho biết: Thật đáng tiếc khi các cháu thiếu kỹ năng bơi lội nên sảy chân xuống hồ chứa nước tưới cà phê và tử vong ngay sau đó. Nhà trường và hàng xóm đi tìm thì phát hiện ra thi thể đúng những ngày cận Tết.

Ông Đinh Bliu ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) hớt hải cho biết, mấy đứa con và cháu chúng tôi cũng từng tắm sông, suối và suýt chết. Dẫu được cấp cứu kịp thời nhưng có cháu thỉnh thoảng vẫn ngẩn ngơ. Ngủ hay gặp ác mộng và mỗi lần đi qua sông hay la hét do chấn động tâm lý. Từ đó cho thấy rằng vấn đề chống đuối nước ở khu vực nông thôn ở Gia Lai là rất cấp thiết, nhất là vào những ngày nắng, ngày hè sắp tới.

Cần có nhiều biện pháp quyết liệt

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Gia Lai cho thấy, hầu hết các vụ đuối nước thương tâm với học sinh xảy ra ở các huyện như: Krông Pa, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Pah, Chư Prông. Hậu quả từ đuối nước để lại rất nặng nề trong khi nhiều giải pháp vẫn chưa được thực hiện quyết liệt.

Ông Đinh Văn Hải ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh) nhìn nhận: Chúng tôi là phụ huynh cũng quản lý con em mình lúc ở nhà thôi còn khi đến trường hay đi học thêm thì khó quản được. Ở các huyện nông thôn, hồ đập, sông suối rất nhiều mà lại rất ít chỗ cho cắm biển cảnh báo hay rào chắn nên các cháu học sinh theo nhau xuống tắm, rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương cùng các trường học cần phối hợp để tạo các biển báo và liên tục tuyên truyền cho học sinh về hiểm nguy của sông suối, ao hồ trong các buổi ngoại khóa.

Hiện, Sở GD&ĐT Gia Lai đã yêu cầu các trường học xây dựng các bể bơi thông minh để huấn luyện khả năng bơi lội và xử lí tình huống cho học sinh. Tuy nhiên, mới chỉ có một số trường học ở khu vực TP. Pleiku làm được, còn nhiều trường ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, học sinh vẫn xa lạ với các kỹ năng ứng phó với sự cố trong lúc tắm sông, tắm suối hoặc trượt ngã xuống các ao hồ.

Nhiều phụ huynh ở xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) cho rằng, cùng với việc lập các bể bơi thì công tác quản lý học sinh cả giờ học chính lẫn giờ học thêm cần chặt chẽ hơn. Nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng và nhận biết những mối nguy hiểm từ các khu vực có nước ngay từ lứa tuổi tiểu học.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhuc-nhoi-nan-duoi-nuoc-o-gia-lai-n142560.html