Nhức nhối nạn buôn người sang Trung Quốc: Cuộc trốn chạy đầy nước mắt

Nghèo đói, dân trí thấp cùng với sự nhẹ dạ cả tin, rất nhiều phụ nữ ở huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) đã trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ buôn bán người qua Trung Quốc.

Cuộc trốn chạy nhiều nước mắt

Cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 300km về phía Tây, có biên giới giáp Lào, huyện Mường Lát là một nơi vùng cao, vùng sâu và xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần đông là người Mông, Thái, Khơ mú.

Nghèo đói, lạc hậu và dân trí thấp vẫn còn chiếm tỉ lệ rất cao ở địa phương này, đồng nghĩa với tình hình an ninh trật tự có nhiều vấn đề diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Trong đó, nổi cộm là tình trạng nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người sang Trung Quốc. Tính trong năm 2018, có 3 người đã trở về địa phương.

Chị Hạng Thị C. và đứa con mang về từ Trung Quốc

Chị Hạng Thị C. (SN 1980), trú bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là một trong những người đã may mắn tìm đường trốn thoát để trở về quê nhà sau nhiều năm bị lừa bán sang Trung Quốc.

Căn nhà lụp xụp dựng tạm bợ bên sườn núi là nơi người phụ nữ Mông này tìm về sau 11 năm đắng cay, tủi nhục lưu lạc ở xứ người. Ngày trở về, chị không đi một mình mà mang theo một sinh linh tội nghiệp trong bụng, đó là đứa con của người chồng Trung Quốc, kẻ đã bỏ tiền mua chị về làm vợ.

Chị C. không biết chữ, cũng không hiểu tiếng Việt. Thông qua người phiên dịch, chị đã kể lại một đoạn đời đầy nước mắt.

Năm 2008, chồng đi tù vì tội tàng trữ ma túy, chị C. ở nhà cùng 2 đứa con nhỏ trong tình cảnh đói nghèo, không biết làm gì để nuôi cả gia đình.

“Lúc đó, có 2 người đến rủ đi làm việc trên tỉnh Lào Cai. Họ nói đi làm sẽ có tiền về nuôi con nên mình theo họ, không ngờ là bị bán sang Trung Quốc làm vợ của người ta”, chị C. nói.

Trong thời gian đầu làm vợ bất đắc dĩ của người đàn ông Trung Quốc tại một vùng quê nghèo, hẻo lánh, chị luôn bị theo dõi, giam giữ trong nhà, không được ra ngoài. Nhiều lần chị tìm cách trốn đi nhưng vẫn bị bắt trở về. Trong lòng chị luôn nhớ các con, nhớ bản làng đến quay quắt, nhưng không còn cách nào khác, chị đành phải tỏ ra phục tùng, cam chịu để tính đường trốn chạy.

Chị kể, người chồng không đối xử tệ bạc nhưng cuộc sống nghèo khó và khổ sở còn hơn lúc ở nhà, vì thế trong lòng chị chỉ nghĩ đến ngày trở về Việt Nam. Những năm sau đó, chị lần lượt sinh được 2 người con (1 trai 9 tuổi, 1 gái 6 tuổi).

Nhắc đến các con, lại nhìn đứa trẻ vừa mới sinh ngủ ngoan trong vòng tay mình, vừa kể chị vừa giơ tay gạt vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.

Theo lời kể của chị C., 3 năm đầu, chị không được ra ngoài, chỉ ở nhà nấu cơm cho bố mẹ chồng. Sau khi có con, gia đình chồng không còn theo dõi chị nghiêm ngặt nữa. Họ cho chị đi làm nghề may, còn chồng thì làm thợ hồ. Dù vậy, chị không được cầm tiền. Khi đã hiểu được tiếng bản địa, chị đến đồn cảnh sát Trung Quốc để tố cáo. Lần thứ nhất, người chồng đến xin công an, không hiểu họ đã nói những gì nhưng chị lại bị đưa trở lại nhà chồng. Lần thứ 2, chị lại trốn ra ngoài tiếp tục đến báo Công an Trung Quốc, chị bị giữ tại đồn công an 4 tháng trước khi họ tìm cách trả chị về Việt Nam.

“Tôi cũng muốn đưa các con đi theo, nhưng bên đó các con đã có hộ khẩu nên công an không cho đưa về. Tôi rất nhớ chúng, nhưng tôi không muốn quay lại đó nữa, có lẽ sẽ không bao giờ gặp con được nữa”, chị C. nghẹn ngào nói.

Sập bẫy vì "yêu" qua facebook

Vàng Thị M. (SN 2000) và Vàng Thị P. (SN 1991), dân tộc Mông, cùng trú xã Trung Lý, huyện Mường Lát là 2 chị em cũng đã may mắn trở về từ nạn buôn bán người qua Trung Quốc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố đi tù, mẹ thì mất, 2 chị em sớm bỏ học để đi kiếm việc làm.

Thượng tá Gia Nọ Pó nhận định, nguyên nhân chủ yếu nhiều phụ nữ Mông bị lừa bán qua Trung Quốc là vì dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin

Tháng 10/2015, trong lúc đi làm thuê ở tỉnh Vĩnh Long, có 2 người đàn ông làm quen qua facebook, sau đó ngỏ lời yêu và muốn lấy 2 cô làm vợ. Vì nhẹ dạ, 2 chị em theo những người này đến Lào Cai. Sau đó, bị chúng lừa bán cho 2 nhà ở Trung Quốc để làm vợ.

Sau 1 tháng, người em bỏ trốn khỏi nhà chồng, trong lúc đang lang thang thì bị Công an Trung Quốc bắt được và trao trả về Việt Nam. Còn người chị thì đến năm 2016 mới tìm cách trốn về được Việt Nam.

Tháng 11/2018, Công an huyện Mường Lát cũng đã giải cứu, ngăn chặn thành công một vụ lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc, đó là 2 chị em Hoàng Thị L. (SN 2003) và Hoàng Thị T. (SN 2000), trú bản Xa Lao, xã Trung Lý.

Qua mạng xã hội facebook, một người phụ nữ lạ đã làm quen với 2 em, mời đi làm việc tại Quảng Ninh với mức lương cao. Tin lời người lạ, 2 thiếu nữ âm thầm khăn gói lên xe để đi ra Quảng Ninh. Tuy nhiên, người nhà đã sớm phát hiện báo cáo cơ quan công an, khi xe khách đi từ xã Trung Lý (huyện Mường Lát) đến xã Đồng Tâm (huyện Bá Thước) thì bị lực lượng chức năng chặn lại và đưa 2 cô gái trở về trao trả cho gia đình.

Công an huyện Mường Lát đang triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trước tình trạng buôn bán người

Thượng tá Gia Nọ Pó, Phó Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết, hiện tại trên địa bàn có 78 phụ nữ đang mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc, trong số các nạn nhân đó có cả cháu gái của ông.

Theo Thượng tá Pó, đa số các trường hợp bị lừa bán đều không phải xảy ra ngay trên địa bàn huyện nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, làm quen với người lạ qua facebook, khi có đàn ông tán tỉnh, làm quen, nhất là người biết tiếng Mông thì phụ nữ Mông lại càng dễ tin tưởng, đi theo.

“Các đối tượng buôn bán người thường lợi dụng tình trạng dân trí thấp, tâm lý nhẹ dạ cả tin, mong muốn có việc làm lương cao của những cô gái trẻ hay những phụ nữ mà gia đình không hạnh phúc để dụ dỗ, lôi kéo đi theo chúng. Trong thời gian tới, chúng tôi đã lên kế hoạch đấu tranh, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân đối với tình trạng buôn bán người qua Trung Quốc”, vị Phó Trưởng Công an huyện cho biết.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhuc-nhoi-nan-buon-nguoi-sang-trung-quoc-cuoc-tron-chay-day-nuoc-mat-261878.htm