Nhức nhối nạn bạo hành ở bệnh viện, đâu là giải pháp khắc phục?

Tình trạng bạo hành đối với bác sỹ, nhân viên tế đang công tác ở các bệnh viện có xu hướng gia tăng. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục?

Côn đồ xăm trổ "đại náo" bệnh viện

Ngày 12/6, tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch) đã xuất hiện bốn đối tượng “xăm trổ” xông vào để thực hiện hành vi “đòi nợ” thuê.

Xác nhận thông tin trên với phóng viên, ông Võ Tường Kha – Giám đốc của bệnh viện cho biết: “Vào khoảng 15h30p ngày 12/6, có 4 đối tượng xăm trổ đã xông vào bệnh viện đòi gặp tôi để “nói chuyện” nhưng không xuất trình được các giấy tờ theo quy định, yêu cầu của phòng Tổ chức hành chính.

Trước sự việc đó, chúng tôi đã báo cáo sự việc với lực lượng phản ứng nhanh 113, công an TP Hà Nội; công an quận Nam Từ Liêm và công an phường Mỹ Đình 1 để yêu cầu can thiệp, giải quyết. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt nhưng các đối tượng đã kịp thời rời đi”.

Các đối tượng “xăm trổ” xông vào Bệnh viện Thể thao Việt Nam gây náo loạn (Ảnh: TL)

Qua đó, có thể thấy đây là một ví dụ điển hình khi mất an ninh trật tự và nếu không kịp thời xử lý thì các đối tượng sẽ có những hành động “quá khích, manh động” gây ảnh hưởng đến công việc, tâm lý, sức khỏe của cán bộ công nhân viên và bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại bệnh viện. Trước đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã xảy ra sự việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang hướng dẫn, giải thích quy trình.

Tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ là vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay. Theo số liệu tổng hợp các vụ việc qua phản ánh của thông tin báo chí và được Bộ Y tế xác minh cho thấy, số vụ việc xảy ra trong năm 2017 vừa qua nhiều hơn so với tất cả các năm trước đây: Năm 2017: 13 vụ, nhiều hơn so với tổng số 12 vụ xảy ra trong cả 3 năm 2014, 2015, 2016 và so với tổng số 10 vụ trong cả 3 năm 2011, 2012, 2013.

Trở lại với vụ việc xảy ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Ông Võ Tường Kha khẳng định: “Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do liên quan đến việc giải quyết chế độ, lương của ông C.Q.T., nguyên Phó giám đốc của bệnh viện (nay đã nghỉ hưu – PV).

Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, ông T. đã tự ý nghỉ việc không có lý do, vì vậy sẽ không được trả lương theo quy định, nhưng các chế độ liên quan của ông T. đã được giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đến đầu năm 2018, bệnh viện phối hợp bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hoàn tất thủ tục chế độ nghỉ hưu đúng tuổi và theo thâm niên tham gia đóng bảo hiểm xã hội, ông T. đã nhận lương hưu từ tháng 01/2018 đến nay qua tài khoản.

Tuy nhiên, gần đây tôi liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của nhiều đối đối tượng có nội dung: “Sang tuần bọn tôi vào gặp anh nói chuyện việc của ông C.Q.T nhé” với mục đích để đòi truy trả chế độ lương, bảo hiểm xã hội từ năm 2012 đến 2017”.

“Do đó, tôi rất lo sợ các đối tượng này sẽ có những hành động “liều lĩnh” gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tâm lý của cán bộ nhân viên, bệnh nhân, hình ảnh bệnh viện và gia đình tôi. Vì vậy, tôi đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng với mong muốn vào cuộc giải quyết dứt điểm”, ông Kha cho biết thêm.

Cũng theo ông Kha, việc giải quyết chế độ, lương của cá nhân ông T. phía bệnh viện đã giải quyết theo quy định pháp luật và báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao. Đồng thời, có đơn trình báo gửi tới các cơ quan công an để điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng nhắn tin, gọi điện.

Giải pháp nào để khắc phục?

Trước những vụ bạo hành, mất an ninh trật tự đang xảy ra tại các bệnh viện, mới đây (ngày 8/6), Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo đó, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất, giải pháp như: Các bệnh viện bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị như rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào bệnh viện; kiểm soát lối ra vào của bệnh viện; rà soát và lắp đặt các camera an ninh và hệ thống báo động khẩn cấp. Xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường.

Tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” đã có những thông tin đa chiều, hữu ích chống lại nạn bạo hành, mất an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người thầy thuốc, nhân viên y tế cách thức nhận dạng và phòng ngừa các tình huống bạo hành có thể xảy ra và có những khuyến cáo dành cho nhân viên y tế để họ có thể tự vệ, tránh được những tổn thất về sức khỏe, tinh thần… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành của chính quyền, cơ quan công an, dân phòng và các ban ngành khác; vai trò và sự tham gia của người dân, người bệnh trong việc phát hiện các nguy cơ và hành vi, bạo lực và cùng lên án, ngăn chặn các hành vi bạo lực kịp thời.

Để có cơ chế làm giảm vấn nạn bạo hành y tế, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

Đồng thời, về phía Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) đang hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi Quy chế được thực hiện, đây sẽ là căn cứ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh ký kết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trên địa bàn, phòng chống hiệu quả nguy cơ xảy ra bạo hành trong bệnh viện.

Video: Cô giáo mầm non tát liên tiếp vào mặt trẻ.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/nhuc-nhoi-nan-bao-hanh-o-benh-vien-dau-la-giai-phap-khac-phuc-d128635.html