Nhức nhối di cư tự do: Làng 4 không, làng đối đầu

Ở Tây Nguyên có những ngôi làng kỳ lạ: Trong một đêm bỗng nhiên 'mọc' lên tạm bợ tại một nơi hoang vu nào đó giữa rừng. Gọi là làng 'nhảy dù' cũng đúng. Đáng sợ hơn có cả những làng luôn xảy ra những cuộc đối đầu...

Người lớn đi rẫy, đám trẻ quanh quẩn trong sân nhà ở TK 181

Người lớn đi rẫy, đám trẻ quanh quẩn trong sân nhà ở TK 181

Di cư cả làng

Trung tuần tháng 8, những cơn mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường đất độc đạo từ thôn 3 (xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) vào Tiểu khu (TK) 181 càng lầy lội. Nhiều người phải quấn xích vào bánh xe máy để tăng độ bám dính mới trụ vững trên mặt đường trơn trượt. Bánh xe của các phương tiện đi trước tạo thành rãnh sâu chằng chịt trên mặt đường đầy đất bùn nhão gây khó cho người đi sau.

Ngôi nhà trống hoác của chị Quảng A Xuyến

Một chiếc xe máy bị trượt ngã khiến cả đoàn phải dừng lại hỗ trợ đẩy xe lên dốc để tiếp tục đánh vật với “con đường đau khổ”. Đoạn đường này chỉ dài hơn 10 km nhưng có nhiều đoạn dốc dựng đứng nên cả đoàn phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới vào tới ngôi làng Mông ẩn sâu trong rừng phòng hộ. Do không có đơn vị hành chính nên làng này được gọi tên theo địa giới hành chính của khu rừng - làng Mông TK 181.

Ông Giàng Seo Thề (67 tuổi) đon đả mời chúng tôi vào nhà trú mưa. Ông là một trong những người đầu tiên lập nên làng này. Ông kể cách đây 18 năm, từ Tuyên Quang vào Đắk Lắk sinh sống, do việc tìm nguồn nước tưới gặp nhiều khó khăn nên vài tháng sau lại chuyển hướng sang Lâm Đồng. Ban đầu, 5 gia đình gồm 30 người lần mò theo đường mòn đi rẫy của người K’Ho vào sâu trong khu rừng thuộc TK 181 phát rẫy. “Ở quê cũ đất dốc, nhiều sỏi đá, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, không đủ ăn nên mới chạy vào TK 181. Nơi đây vừa có ruộng trồng lúa 2 vụ/năm vừa có rẫy cà phê nên không sợ đói. Biết được tin này, bà con ngoài đó rủ nhau vào, đến nay làng có khoảng 110 hộ với trên 500 người”, ông Giàng Seo Thề nói.

Tương tự, ở các TK 540, 544, 547 do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) quản lý có hơn 100 hộ di cư tự do (DCTD) sống lâu năm trong rừng. Ông Sùng Văn Hồng (quê Cao Bằng), một trong những người đầu tiên “nhảy dù” vào rừng sâu xã Ea Kiết, cho biết đất đai quê ông toàn đồi núi đá. Năm 1999, bố của ông vào Đắk Lắk thăm dò, thấy đất đai màu mỡ nên thuê xe đưa gia đình, người thân vào. Sau đó, nhiều người dân ở quê và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Hà Giang cũng “đổ quân” vào, lập nên ngôi làng này. “Thời gian đầu, cuộc sống vất vả, thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là đường sá xa xôi, cách trở. Những lúc ốm đau, phải băng rừng ra trạm y tế, gặp lúc trời mưa, đường sình lầy cực lắm!”, ông kể.

Chỉ được mang họ mẹ

Từ Hà Giang vào sinh sống tại TK 181 đã nhiều năm, ông Giàng Seo Páu (58 tuổi, thương binh hạng 3/8) nói “con đường đau khổ” để vào làng với bề ngang khoảng 1m này do người dân tự mở. Mấy năm gần đây người Mông mày mò lắp đặt điện pin mặt trời, ngày nắng còn thắp được vài bóng đèn, những lúc trời mưa làng xóm tối om.

Trường không có, trạm y tế cũng không. Vừa là “vùng lõm” về y tế vừa tiếp giáp với vùng dịch bạch hầu của huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), người dân hai bên hay qua lại làm ăn với nhau nên mới đây TK 181 có người bị bệnh bạch hầu, trở thành ổ dịch đầu tiên ở Lâm Đồng.

“Những người sinh ra và lớn lên ở làng này đều không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe…, mua chiếc xe máy cũng không đăng ký được; đến khi lấy vợ, lấy chồng cũng không thể đăng ký kết hôn, con cái chỉ được mang họ mẹ. Ở TK 181, nhiều trường hợp được dựng vợ gả chồng từ khi mới 15-17 tuổi, mỗi gia đình có tới 5-7 con, riêng vợ chồng ông T đẻ 14 đứa luôn”, ông Páu chia sẻ.

Theo ông Liêng Hót Ha Hai (phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông), huyện đã đề nghị Sở NN&PTNT Lâm Đồng tham mưu cấp có thẩm quyền quy hoạch một điểm dân cư ở TK 181 và phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Mục đích giúp người dân ổn định cuộc sống, hưởng các chính sách an sinh xã hội. Cơ quan chức năng của T.Ư cũng từng vào khảo sát nhưng chưa có quyết định cuối cùng.

Ðối đầu

Lãnh đạo UBND Huyện Đam Rông cho biết từng triển khai dự án giải tỏa trắng, đưa toàn bộ người dân ở TK 181 ra định canh định cư tại TK 212, thuộc địa bàn xã Phi Liêng. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, họ bỏ làng mới, quay vào đây sinh sống với lý do nơi ở mới không có ruộng để trồng lúa, đất không tốt bằng trong này…

“Anh em công tác tại trạm Đạ Lau để bảo vệ các TK rừng 180, 181, 197… gặp đủ khó khăn. Giao thông trắc trở, điện đóm phập phù, không có sóng điện thoại để liên lạc. Đặc biệt là phải thường xuyên đương đầu với các đối tượng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp”, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk (huyện Đam Rông) nói.

Một số cán bộ của Trạm Đạ Lau thổ lộ rằng, có những đối tượng ranh mãnh đối phó bằng cách hôm nay lấn vài mét đất lâm nghiệp ở phía này, ít tháng sau lại chiếm thêm vài mét ở hướng khác, tích tiểu thành đại. Có người còn tự chế tạo súng, giấu trong rừng để săn thú. Khi cơ quan chức năng vận động nộp vũ khí, họ chỉ nộp những khẩu súng đã bị hỏng.

Bị phát hiện xâm chiếm đất rừng, người dân sống trong các TK rừng này còn đối phó với lực lượng quản lý bảo vệ rừng bằng cách chỉ để phụ nữ ra đối chất, chờ khi cán bộ sơ hở, mắc lỗi gì đó thì hô hoán đàn ông trong làng xông ra bao vây, bắt vạ, nhốt người, đòi đền bù. Có những vụ, đám đông cả trăm người bao vây, kề dao vào cổ những người giữ rừng, bắt cởi áo, dầm mưa nhiều tiếng đồng hồ...

“Các TK 180, 181 này không phải đến bây giờ mới nóng. Có lần hơn chục hộ dân từ tỉnh Sơn La vào vùng rừng phòng hộ xung yếu cưa hạ cây. Chúng tôi đã lập biên bản, cùng với ban ngành chức năng kiến nghị chính quyền làm việc với tỉnh Sơn La để đưa số hộ dân này trở về bản quán”, ông Nguyễn Trọng Đức, Phó ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk nói.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Tây Nguyên là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 17,5% diện tích), đất đai màu mỡ, thích hợp phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, hồ tiêu, cao su…, điều đó thực sự hấp dẫn dân DCTD, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, đói nghèo, an ninh trật tự, xã hội…

(Còn nữa)

Nhóm PV Tây Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhuc-nhoi-di-cu-tu-do-lang-4-khong-lang-doi-dau-1711458.tpo