Nhức nhối bệnh án tâm thần giả

Tháng 8.2018, Văn phòng cơ quan CSĐT, CA Hà Nội đã phanh phui đường dây làm giả bệnh án tâm thần ở BV tâm thần trung ương 1 (BVTTTƯ1).

BS Thân Thái Phong đã bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm hình sự (ảnh: Dantri.com.vn)

BS Thân Thái Phong đã bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm hình sự (ảnh: Dantri.com.vn)

Ung nhọt đã có từ lâu!

Ngày 28.10.2017, Lê Thanh Tùng (hỗn danh Tùng “nháy”), SN 1986, trú phường Cầu Dền, Q. Hai Bà Trưng, một giang hồ cộm cán, cầm đầu nhóm côn đồ, đánh, chém thanh toán nhau ở quán bar Camelli Lounge, phố Hàng Tre, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ba người trọng thương (người nặng nhất thương tật 47%); Tùng bỏ trốn, cơ quan ĐT phát lệnh truy nã. Tháng 1.2018, CA Q. Hoàn Kiếm bắt được Tùng.

Tại cơ quan ĐT, Tùng đưa ra một bệnh án bệnh tâm thần (BATT) ghi tên Lê Thanh Tùng, với chẩn đoán mắc bệnh Tâm thần phân liệt (TTPL) thể Paranoid - F20.0 (mã chẩn đoán quốc tế theo Bảng phân loại bệnh TT lần thứ 10 - ICD10), do BVTTTƯ1, Bộ Y tế (đóng ở huyện Thường Tín, Hà Nội) cấp. Tuy nhiên, hồ sơ này ghi ngày nhập viện là 22.11.2017, sau khi Tùng gây án gần 1 tháng.

Đã biết Tùng là đối tượng côn đồ, hung hãn; nhiều tiền án, tiền sự; sẵn sàng dùng dao kiếm để lạnh lùng “nói chuyện” tàn nhẫn; chưa bao giờ có biểu hiện bệnh TT, nên cơ quan CSĐT nghĩ đến BATT mang tên Tùng là giả.

Lần theo dấu vết, cơ quan ĐT tìm đến Nguyễn Tuấn Sơn, 34 tuổi, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng, BVTTTƯ1, người nhận 85 triệu đồng của Tùng để “làm” BATT. Sơn đưa số tiền này cho BS Thân Thái Phong, 41 tuổi, Phó trưởng khoa TT người cao tuổi để “nhờ vả”.

Phong đã làm BA cho Tùng với chẩn đoán: TTPL Paranoid - một thể bệnh có tỉ lệ người TTPL mắc nhiều nhất, với đa dạng các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác; rối loạn cảm xúc, ý chí, ngôn ngữ..., dù Tùng không khám, không nằm viện. Ngày 12.6, cơ quan ĐT bắt Thân Thái Phong và Nguyễn Tuấn Sơn, hai vị này phải đối mặt với tội danh nhận và đưa hối lộ.

Từ nhiều năm nay, BATT giả là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở Hà Nội... Năm 2008, nhận lời với một “đại ca” giang hồ, Hoàng Lại Nam (Nam “ngọ”), 40 tuổi, ở Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội đâm Đào Xuân Nam (Nam “con”), 36 tuổi, ở An Lão, Hải Phòng, làm tên này phải cấp cứu nhưng thoát chết.

Tháng 4.2009, Nam “con” trả thù, bắn vào ngực và chém Nam “ngọ” nhiều nhát. Thoát chết, Nam “ngọ” lên Lạng Sơn, lập công ty sản xuất gạch tuynel ở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Tháng 4.2013, nhà máy gạch vừa mới hoạt động thì Nam lại cầm gạch đập anh Hoàng Văn Lâm - người chở gạch - gây thương tích rất nặng, chỉ vì không biết hắn là “ai”.

Trong khi trốn truy nã của CA Lộc Bình, thì tháng 10.2014, Nam liên quan trực tiếp đến vụ giết người; tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và gây rối trật tự công cộng ở phố Thi Sách, Hà Nội. Tháng 12.2015, CA TP HCM bắt Nam trên đường Lê Văn Lương, Q 7. Ở CA phường, Nam lúc thì im như thóc, lúc lại gào rú, phóng uế tại chỗ. Khi bị di lý về CA Lạng Sơn, người nhà Nam cũng “trưng” ra một BATT.

Tháng 8.2015, Mai Hồng Hải (Hải “lu”), 45 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình, tiền án hủy hoại tài sản, có “số má” trong đám giang hồ Hòa Bình, được Nguyễn Xuân Hải (Hải “râu”) thuê “xử lý” anh Phùng Nam Long, 38 tuổi, ở P. Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, vì anh Long và Hải “râu” mâu thuẫn.

Bọn Hải “lu” đi xe Fortuner ép xe anh Long vào lề đường, lôi anh Long khỏi ôtô, đánh đấm hội đồng bằng tay chân và gậy làm Long ngã gục xuống mương nước cạnh đường, chúng còn dùng đá đập móp xe. Sau cấp cứu, điều trị, giám định (GĐ) kết luận anh Long tổn hại 18% sức khỏe. Khi CA truy bắt Hải và đồng bọn thì bất ngờ người nhà xuất trình hồ sơ BATT của Hải!

Đào Thị Thu Thảo, 35 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty ở Vũng Tàu, lồng lộn khi biết bạn trai có con 3 tuổi với người khác. Sau nhiều tháng tìm cách bắt cóc cháu bé không thành, ả thuê Lê Trung Linh, 33 tuổi và Huỳnh Văn Thế, 32 tuổi 120 triệu đồng, mua máu nhiễm HIV tiêm vào người cháu bé.

Sự việc bại lộ và cơ quan ĐT cho là Thảo bị trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần. Kết quả GĐ pháp y tâm thần (GĐPYTT) rất “phù hợp”: “Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Căn cứ kết luận GĐ này, VKS Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ sau gần hai tháng chữa trị tại BV tâm thần TƯ 2, Biên Hòa, bệnh của Thảo đã “ổn định”, nên “được” hủy bỏ điều trị bắt buộc, chị ta quay lại cơ quan xin tiếp tục công việc cũ. Khi tòa chuẩn bị xét xử vụ án “bệnh” của thị “bỗng dưng tái phát” và xin “tiếp tục điều trị”. Tại Tòa, Linh thừa nhận hành vi phạm tội và khẳng định trước HĐXX “bà Thảo không hề bị bệnh tâm thần”.

Do sinh sự đánh nhau, Nguyễn Đức Tây, SN 1992, ở TP. Cam Ranh về lấy mã tấu, rủ Nguyễn Hữu Thành, SN 1987 đi cùng. Tây chém Đặng Kim Hà vào tay (53% thương tật), chém vào cổ Đặng Kim Hoàng (69% thương tật). Khi TAND TP. Cam Ranh tuyên Tây 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích, bồi thường cho 2 bị hại 140 triệu đồng; Thành 6 năm tù cùng tội danh, bồi thường cho 2 bị hại 60 triệu đồng. Tây kháng cáo và gia đình cung cấp tài liệu trước đây hắn từng điều trị TT ở TPHCM...

Cơ quan ĐT đã phát hiện BATT của Tây là giả, do cha đẻ (Nguyễn Đức Đông) “nhờ” người “đứng” tên Tây đi khám tâm thần và nhờ người khác làm giả giấy tờ cho trùng với với ngày mà Tây đi khám tổng quát trước đây để đề nghị GĐTT.

Một chuyện khó tin nhưng thật 100% là Nguyễn Trọng Huy (SN 1974) ở Bắc Ninh, có tiền án trộm cắp, đánh trọng thương bị hại ở Đông Anh, Hà Nội, tù hai năm; trộm máy ảnh, đánh bị hại trọng thương ở Hưng Yên, được cơ quan GĐPYTTTƯ kết luận mắc bệnh TTPL, trốn khỏi nơi điều trị bắt buộc.

Huy cùng em ruột Nguyễn Trọng Cường, trộm 37 cây vàng ở Thái Nguyên, bị truy đuổi, chúng dùng bình xịt hơi cay và vứt vàng ra đường nhằm truy cản những người đuổi (vừa để phi tang). Hai tên bị bắt thì bố là ông Nguyễn Trọng Chỉnh “trình” giấy chứng nhận Huy có bệnh TT và quyết định chữa bệnh bắt buộc. Huy “lại” được cơ quan GĐPYTTTƯ kết luận mắc bệnh TTPL.

Cường được đưa đi GĐ ở BV TT Thái Nguyên vì khi xét hỏi hắn cứ dở ngô dở ngọng. Bất ngờ, Cường được kết luận mắc bệnh TTPL thể không biệt định (F20.3) và Cường vẫn hàng ngày ăn cơm cùng bố mẹ dù có quyết định bắt buộc chữa bệnh của Viện KSND Thái Nguyên?! Chưa hết, năm 2002, Huy lại trộm 12,8 cây vàng ở Hưng Yên. Qua camera, CA xác định thủ phạm là Huy và bắt tại nhà cùng xe Future không biển số, hai bình xịt hơi cay.

Bất ngờ nhất khi chủ tiệm vàng bị Huy trộm ở Thái Nguyên đề nghị các cơ quan pháp luật yêu cầu ông Chỉnh đền bù thiệt hại do các con ông gây ra thì ông này “trưng” ra giấy GĐ chứng nhận ông bị bệnh TT và “lập luận” rằng ông “không đủ năng lực hành vi dân sự”!? Một nhà “hy hữu”, vì TTPL di truyền trội không quá 25%, nhưng nhà ông Chỉnh, tỉ lệ này là 100%, có lẽ y học nhầm chăng?

Một nhà có 3 người “điên”, không buôn bán, Huy không nghề nghiệp, ông Chỉnh là giáo viên nghỉ mất sức, lại ở nhà 3 tầng đủ tiện nghi sang trọng, có xe con xịn, bốn xe máy mới..., nếu đúng là có 3 người “điên” thì lo đủ tiền thuốc men, không bị đói dài đã là giỏi?!

Sau này, khi Huy được đưa vào BVTTTƯ 2, Biên Hòa để GĐ thì BS Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc và BS Đường Khắc Tám, Trưởng khoa GĐPY, đều nhận được “quà” 10 triệu đồng kèm rượu ngoại đắt tiền, nhưng các BS đã đem đến khoa lập biên bản, trả lại người gửi, BV ra quyết định nếu người gửi không nhận lại sẽ sung quỹ chữa bệnh cho người nghèo. Tại phiên Tòa xử Huy ở Hưng Yên, chính Huy thừa nhận không có bệnh TTPL; chính quyền địa phương và nhân dân xung quanh khẳng định cả nhà Huy không ai có bệnh TT!?

Khi y đức thành nơi tội phạm ẩn nấp!

Ba năm trở lại đây, CA Hà Nội điều tra 308 vụ án có 311 bị can “phát” bệnh TT trong giai đoạn điều tra, truy tố. Kết quả GĐ chỉ có 234 bị can có bệnh TT; 37 bị can không bị bệnh TT; số còn lại đang chờ kết luận GĐ. Hiện CA Hà Nội đang điều tra 91 trường hợp có BATT do BVTTTƯ1 cung cấp, có dấu hiệu làm giả. Đặc biệt, trong số này có 41 hồ sơ BATT của đối tượng hình sự cộm cán.

Bệnh TT có tỉ lệ cao, tùy theo mức phát triển kinh tế xã hội có thể từ 9 -14% dân số. Tuy nhiên các bệnh TT nặng được pháp luật thừa nhận không năng lực trách nhiệm hình sự, không năng lực hành vi dân sự thì không nhiều. Đó là những bệnh có nhiều triệu chứng loạn thần nặng như hoang tưởng; ảo giác; rối loạn ý thức, hành vi tác phong; mất trí... Ngoại trừ Alzheimer và mất trí do hậu quả của động kinh, TTPL... thì các bệnh TT nặng khác vẫn có thể ổn định do chữa chạy hoặc có giai đoạn thuyên giảm tự nhiên. Vì thế, khi GĐPYTT, ngoài việc định danh bệnh, còn phải xác định giai đoạn bệnh vì phạm tội khi bệnh khỏi, ổn định thì dù mắc bệnh TT nặng vẫn phải chịu trách nhiệm như người bình thường. Kết luận “mắc bệnh TTPL” là không đủ, vì người mắc bệnh này chỉ được thừa nhận không năng lực trách nhiệm về hành vi phạm tội ở giai đoạn bệnh cấp tính, toàn phát (nhiều triệu chứng loạn thần), hành vi của họ bị hoang tưởng, ảo giác “sai bảo” hoặc đã mất trí do hậu quả của bệnh, nên mất năng lực nhận thức hậu quả và điều khiển hành vi.

Dù gì, mọi giấy “chứng nhận TT” chỉ có giá trị tham khảo, quyết định trách nhiệm hình sự, dân sự phải bằng GĐPYTT. Liệu có hay không chuyện những cơ quan tố tụng nào đó “tin” ngay vào BATT? Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc BVTTTƯ1 “giải thích”: Chẩn đoán bệnh TT khó vì chỉ dựa vào khai bệnh của bệnh nhân, người nhà, quan sát, các phương tiện giúp cho chẩn đoán không đáng kể. Những người phạm tội đến BVTT bịa ra triệu chứng, “diễn” cùng với người nhà, bạn bè, trong khi thầy thuốc ít kinh nghiệm, chuyên môn còn non yếu nên nhầm lẫn là không thể tránh khỏi. “Giải thích” này làm ta phải suy ngẫm, bởi người không TT khó mà “diễn” giống người TT; vả lại BS chuyên khoa TT được đào tạo cơ bản cộng với nhiều năm trong nghề đâu có dễ bị “lừa” đến thế, họ nhạy cảm chuyên môn đến mức nhìn vào mắt biết là người TTPL cơ mà; còn nữa, chế độ hội chẩn bỏ đi đâu khi thầy thuốc nghi ngờ căn bệnh? Sẽ lộ tẩy giả bệnh khi “bệnh nhân” nằm viện, bởi người TTPL có khả năng dung nạp thuốc an thần kinh rất cao, người không có bệnh chỉ liều rất thấp đã ngủ mê mệt, li bì? Chưa hết, trước nay họ vẫn chẩn đoán đúng (hiếm có sai) những người mắc bệnh tâm thần đấy thôi!

Trong 41 BATT của các đối tượng giang hồ cộm cán, có 28 BA không có lưu trữ sổ phòng khám, vào viện, ra viện, BA gốc, liệu rằng số còn lại có cấu kết? Thời buổi này tội phạm “bỗng dưng” hóa TT nhiều đến thế, bất kể hình sự, kinh tế, tham nhũng... Có người hài hước, nên lập “Viện tham nhũng tâm thần” để chữa bệnh “tâm thần tham nhũng”. Đại gia Trầm Bê còn kịp vào BVTTTƯ1 hai ngày trước khi bị bắt. Từ năm 2013, TAND Hà Nội xét xử 14 vụ án mà bị cáo “giắt” bên mình BATT, đến nay mới kết thúc được 5, 9 vụ dang dở vì cứ đến phần tranh tụng, bị cáo lại hát, kêu gào, không trả lời... Đó là chưa kể lợi dụng BATT để hưởng chế độ chất độc da cam hay hàng chục loại ưu đãi khác!?

bs bình nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhuc-nhoi-benh-an-tam-than-gia-629747.ldo