Nhựa Tiền Phong - Mở rộng sản xuất trong bối cảnh khó khăn

Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong giảm tới 32,69% so với năm trước. Điều này đặt ra không ít lo lắng, nhưng đây lại là tình cảnh chung của các DN nhựa năm qua.

Gian hàng trưng bày của Nhựa Tiền Phong.

Gian hàng trưng bày của Nhựa Tiền Phong.

Tiếp tục mở rộng sản xuất

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, được thành lập từ năm 1960 và được cổ phần hóa vào năm 2004. Hiện nay tổng sản lượng của công ty đạt khoảng 80.000 tấn sản phẩm/năm và công ty luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân 15%/năm trở lên. Nếu xét về thị phần, Nhựa Tiền Phong chiếm khoảng 70% thị phần ống nhựa miền Bắc và gần 30% cả nước. Nhờ đó, năm 2018, tổng doanh thu bán hàng của công ty đạt hơn 4.500 tỷ đồng, đem lại nguồn đóng góp ngân sách lên tới 330 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu giai đoạn 2013-2018 lên gần 20.000 tỷ đồng… Vì thế, Nhựa Tiền Phong xếp thứ 137 trong Bảng xếp hạng VNR 500 - TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2019, Nhựa Tiền Phong cho biết sẽ mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương và Nghệ An, nâng cao năng lực sản xuất lên 150.000 tấn/năm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn vào bảng báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Nhựa Tiền Phong cho thấy, doanh thu bán hàng tăng nhưng lợi nhuận lại giảm đáng kể. Cụ thể, lợi nhuận thuần về hoạt động kinh doanh giảm từ mức hơn 546,7 tỷ đồng năm 2017 về còn hơn 376,3 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm từ 492,5 tỷ đồng năm 2017 về 331,5 tỷ đồng trong năm 2018, tức là giảm hơn 161 tỷ đồng, giảm 32,69%, thực hiện được 94% kế hoạch năm. Báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018 so với cùng kỳ năm trước của Nhựa Tiền Phong cho rằng, nguyên nhân bởi lợi nhuận hợp nhất năm 2017 ảnh hưởng mạnh do phát hành tăng vốn tại Công ty liên kết – Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam đã tạo thặng dư vốn cổ phần và ảnh hưởng làm tăng lợi nhuận năm 2017 với giá trị là 69,8 tỷ đồng.

Nhưng lý do quan trọng nhất là do giá nguyên vật liệu chính tăng so với cùng kỳ năm trước làm ảnh hưởng giảm lợi nhuận. Nhựa Tiền Phong cho biết thêm, mặc dù DN đã tiến hành điều chỉnh thời gian khấu hao, từ đó làm giảm chi phí khấu hao tài sản cố định cho phù hợp, cùng với việc tiết giảm các chi phí hoạt động khác; nhưng việc điều chỉnh này vẫn không thể bù đắp cho việc giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu chính.

Đây có lẽ là khó khăn chung của toàn ngành, dẫn tới lợi nhuận của nhiều DN nhựa lớn trong nước đều sụt giảm.

Những chỉ số "đè" nặng vai

Theo Báo cáo phân tích đánh giá ngành nhựa Việt Nam của Công ty Chứng khoán HSC, ngành nhựa hiện nay đang đứng trước cơ hội tăng trưởng rõ rệt do Việt Nam đã và đang ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc 70% nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu hoặc phụ thuộc vào các DN nước ngoài, điều này dẫn tới rủi ro hàng hóa và rủi ro tỷ giá. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn nguyên vật liệu cho ngành nhựa, chưa kể các chất phụ gia, trong khi DN trong nước chỉ đáp ứng được 900.000 tấn/năm.

Vì những nguyên nhân này, nhiều chỉ số tài chính của Nhựa Tiền Phong có những thay đổi không được tích cực. Trong đó, hàng tồn kho là nguyên liệu, vật liệu đã tăng từ 406,2 tỷ đồng hồi đầu năm lên 609,8 tỷ đồng vào cuối năm 2018; khiến tổng giá trị hàng tồn kho tăng từ 865,5 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 76,6 tỷ đồng lên hơn 107,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay.

Đáng chú ý nhất trong bảng cân đối tài chính của Nhựa Tiền Phong là khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết đã sụt giảm “nghiêm trọng”, từ mức 109,3 tỷ đồng cuối năm 2017 xuống chỉ còn hơn 19 tỷ đồng năm 2018, đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của cả DN. Hiện Nhựa Tiền Phong có 2 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (đầu tư 244 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Bao bì Tiền Phong (đầu tư 8,7 tỷ đồng). Ngoài ra công ty vẫn đang duy trì khoản đầu tư góp vốn vào Nước sạch Nam Định (gần 46,7 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Hà Giang (1,12 tỷ đồng), đầu tư trái phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (150 tỷ đồng)…

Cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm, trong hơn 1 năm qua, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong cũng giảm mạnh từ vùng giá 68.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm tháng 3/2018 xuống 38.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3 năm nay, tương ứng mức giảm gần 50%. Vào giữa tháng 4/2019, Nhựa Tiền Phong sẽ tổ chức Đại hội cổ đông, hy vọng Đại hội sẽ tìm ra hướng “thoát khó”, giúp xứng danh “luôn tiên phong” mà DN này đề ra.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhua-tien-phong-mo-rong-san-xuat-trong-boi-canh-kho-khan-101989-101989.html