Nhựa Tiền Phong: 15 năm bền bỉ cùng thị trường chứng khoán

Tập trung cho giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm, Nhựa Tiền Phong đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên TTCK trong 15 năm qua

Sức ép minh bạch ngày càng cao là điều mà CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP) thấy hấp dẫn nhất từ thị trường chứng khoán. Đó cũng là động lực để doanh nghiệp bền bỉ với sự phát triển của thị trường và luôn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt các cổ đông, nhà đầu tư.

Thước đo cho sức khỏe doanh nghiệp

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp nhà nước, nên những tư duy cũ trong cung cách quản lý là điều khó có thể tránh khỏi. Ý thức được điều này nên đầu những năm 2000, Ban lãnh đạo CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã xác định phải thay đổi về mô hình quản trị doanh nghiệp.

Bước đầu của sự chuyển đổi này chính là việc Công ty thực hiện cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004. Tiếp ngay sau đó là công cuộc chuẩn bị để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2006, Nhựa Tiền Phong đã chính thức có mặt trên thị trường chứng khoán với mã NTP - đánh dấu một bước ngoặt hoàn toàn mới với Công ty.

Buổi đầu tham gia vào thị trường chứng khoán, Nhựa Tiền Phong cũng như nhiều doanh nghiệp khác không tránh được những bỡ ngỡ cũng như chưa đánh giá trước được hết sự khốc liệt của thị trường. Đã có không ít thương hiệu, tên tuổi biến mất trên thị trường do cổ phần dần bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm và mất quyền kiểm soát. Có doanh nghiệp không tự vượt qua được chính mình khi yêu cầu về tính minh bạch từ thị trường ngày càng lớn. Sự minh bạch đòi hỏi doanh nghiệp phải có một mô hình quản trị tốt hơn và mối quan hệ với cổ đông phải luôn được dung hòa tốt.

Tập trung cho giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm, Nhựa Tiền Phong đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên TTCK trong 15 năm qua.

Với Nhựa Tiền Phong, khi cổ phần hóa, Nhà nước đã ưu ái cho cán bộ công nhân viên của được mua 39% cổ phần của doanh nghiệp với giá ưu đãi chỉ bằng 70% mệnh giá, tức chỉ có 7.000 đồng/cổ phiếu. Trong năm 2006, giai đoạn thăng hoa nhất của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong đã có thời điểm tăng kịch trần đến 320.000 - 330.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng nhìn lại thời điểm đó, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong nhận thấy rằng: Với nhiều cán bộ công nhân viên của Nhựa Tiền Phong có thể là cơ hội vàng để họ “đổi đời”, nhưng lại là thời điểm bắt đầu cho một cơn sóng ngầm có thể thổi bay thương hiệu của Nhựa Tiền Phong.

Sở dĩ ông Dũng nói vậy là bởi, cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong thời điểm đó “rất nóng” trên thị trường nhờ kết quả hoạt động của Công ty sau cổ phần hóa rất tốt. Trong vòng 5 năm, từ năm 2005 - 2009, tốc độ tăng trưởng của Công ty trên tất cả các mặt đều cao: sản lượng tăng hơn 1,7 lần, doanh thu tăng gấp gần 2,5 lần, đặc biệt là lợi nhuận tăng đến gần 6 lần. Cổ phiếu tăng giá trị mạnh, cộng với việc hiểu biết chưa sâu về thị trường chứng khoán, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đã để xảy ra tình trạng người lao động bán đi hết cổ phần của mình. Các tổ chức tài chính đã mua gom dù giá đang rất cao.

“Năm 2007, khi 39% cổ phần dành cho cán bộ, công nhân viên chỉ còn rất ít, chúng tôi mới giật mình nhìn lại. 10 năm sau đó là chặng đường chúng tôi phải tìm cách giữ lại “những gì của mình” cho người Nhựa Tiền Phong và giữ thương hiệu Việt cho người Việt”, ông Dũng bộc bạch.

Vậy nên, với những “chệch choạc” trong giai đoạn đó đã giúp chính ông Dũng cũng như Ban lãnh đạo hiểu rõ được sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán. Và như ông Dũng nói, Nhựa Tiền Phong không bao giờ coi thị trường chứng khoán là kênh để “làm giàu”.

“Chúng tôi nhìn vào mục tiêu lâu dài là phải đưa Nhựa Tiền Phong trở thành doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam. Thị trường chứng khoán giúp chúng tôi tự đánh giá sức khỏe của mình, cũng như luôn để biết mình đang ở đâu và thực hiện mục tiêu đó đến nấc thang nào rồi”, ông Dũng chia sẻ.

Bí quyết duy nhất: Tôn trọng sự thật

Chính vì không coi thị trường chứng khoán là kênh kinh doanh, làm giàu nên Nhựa Tiền Phong ngay từ lúc chập chững lên sàn, hay khi đã vào hàng ngũ “lão làng” của thị trường chứng khoán đều không đánh bóng các số liệu tài chính hay thương hiệu.

“Chúng tôi muốn biết thị trường đánh giá về mình ra sao, để từ đó hoàn thiện chính mình, giúp Nhựa Tiền Phong phát triển bền vững, vì vậy, yếu tố sự thật, minh bạch luôn là tiêu chí cao nhất khi lập các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị doanh nghiệp, báo cáo quản trị rủi ro”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) luôn gắn liền với doanh nghiệp đại chúng và đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết. Do vậy, khi Nhựa Tiền Phong chính thức niêm yết và giao dịch cổ phiếu với mã NTP trên sàn HNX, bộ phận IR tại Công ty cũng được thành lập. Bộ phận IR luôn đảm bảo nhiệm vụ cốt lõi là công bố các thông tin ra công chúng kịp thời, chính xác và tuân thủ theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin còn được thể hiện qua việc Nhựa Tiền Phong cởi mở trong chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư thực sự quan tâm và muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Công ty. Với sự nỗ lực và chủ động tích cực trong hoạt động IR, Nhựa Tiền Phong đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng nhà đầu tư, các cổ đông về một doanh nghiệp niêm yết minh bạch, cởi mở. Điều này cũng được ghi nhận qua các giải thưởng như Top 10 báo cáo thường niên tốt nhất, Top 100 doanh nghiệp có năng lực quản trị tài chính tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam....

Nhựa Tiền Phong luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đứng trong tốp đầu các doanh nghiệp niêm yết có Báo cáo Thường niên, có năng lực quản trị tài chính tốt nhất trên thị trường chứng khoán.

Để nâng cao tính minh bạch, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị của Công ty, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 đã chính thức thông qua việc thành lập Ban Kiểm toán nội bộ. Theo ông Dũng, mô hình Ban Kiểm soát trước đây dù đang hoạt động khá hiệu quả, song thành viên Ban Kiểm soát lại không thể thường trực ở Công ty được nên hiệu quả vẫn có thể chưa đạt như mong muốn.

Trước khi Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị được thành lập, Nhựa Tiền Phong đã thành lập Bộ phận Kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường khả năng giám sát, kiểm soát hoạt động của Công ty một cách thường xuyên cũng như hỗ trợ xây dựng quy chế tài chính, quy trình luân chuyển chứng từ, quy trình kiểm kê... Hiện thành viên của Bộ phận Kiểm soát nội bộ đang là nòng cốt của Ban Kiểm toán nội bộ.

Những nỗ lực xây dựng, vận hành hệ thống các quy chế nội bộ theo hướng minh bạch thông tin, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế trong những năm qua, theo chia sẻ của Chủ tịch Nhựa Tiền Phong, là để tạo ra một cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động của Công ty, nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa của các cổ đông và nhà đầu tư.

“Có như vậy, mọi quyết sách về đầu tư, hay kinh doanh mà Ban lãnh đạo Công ty đưa ra luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ của các cổ đông. Năm 2020 - năm đánh dấu chặng đường 60 năm phát triển, Nhựa Tiền Phong lạc quan với mục tiêu hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được đặt ra với tổng doanh thu hợp nhất là 5.100 tỷ đồng, sản lượng đạt 104.000 tấn và lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 470 tỷ đồng”, ông Dũng khẳng định.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhua-tien-phong-15-nam-ben-bi-cung-thi-truong-chung-khoan-d126140.html