Nhựa là vật liệu thiết kế của 2018: Nghịch lý hay lối thoát cho môi trường?

Nhiều nhà thiết kế đang kêu gọi sử dụng nhựa một cách thông minh để giảm bớt tác hại cho môi trường.

Theo thống kê, kể từ những năm 1950, loại người đã sản sinh ra 8,3 triệu tấn nhựa. Khoảng 80% trong số này hiện đang nằm ở các bãi rác thải hoặc đang trôi nổi ngoài biển. Đến năm 2050, dự đoán số lượng nhựa ở trên đại dương sẽ nhiều hơn cả cá.

Tuần này, một loạt các sự kiện trưng bày, hội thảo… trong khuôn khổ Liên hoan thiết kế London sẽ đem đến cho người xem một cái nhìn cụ thể hơn về mối quan hệ giữa nhựa và thiết kế trong thời đại ngày nay.

Nhựa cũng được lựa chọn là vật liệu của năm tại Hội chợ thiết kế London sau khi một loạt các nhà thiết kế trẻ sử dụng nhựa tái chế trong các tác phẩm của mình.

“Chúng tôi quyết định tìm kiếm những ví dụ tốt nhất từ các nhà thiết kế đã thực sự coi vật liệu rác thải là một chất liệu sáng tác mới,” Jimmy MacDonald, nhà sáng lập của Hội chợ thiết kế London cho biết. Mục tiêu đặt ra là tăng cường nhu cầu sử dụng nhựa tái chế và rác thải công nghiệp, từ đó giúp giảm bớt việc sản xuất các sản phẩm nhựa mới.

Biên tập viên của Tạp chí Thiết kế Hiện đại Laura Housely tỏ ra đồng tình với ý tưởng trên. Bà là giám tuyển viên cho triển lãm “Palsticscene” với sự tham gia của 13 nhà thiết kế. “Chúng tôi muốn chứng minh rằng, các vật liệu có thể làm từ nhựa không cần phải trông giống như nhựa”, bà Housely nói. “Điểm mấu chốt đó là nhựa phế thải không phải là nhựa mới”.

Các sản phẩm trông giống đá cẩm thạch của hãng Weez & Merl đều được làm từ nhựa tái chế (ảnh: CNN)

CNN nhận xét, cho tới nay, những nỗ lực tham vọng nhất trong trào lưu trên có vẻ như vẫn đang ở mức sơ khai, với các studio thiết kế mới nổi ở vị thế dẫn đầu, hơn là các thương hiệu nội thất danh tiếng.

“Những nhận thức xanh mới khiến các công ty phải đối mặt với thách thức”, Lorenza Luti, giám đốc marketing và bán lẻ của nhà sản xuất đồ nhựa thiết kế Kartell tiết lộ. “Đó không phải là vấn đề tạo ra một sản phẩm có vẻ thân thiện môi trường, mà nó liên quan tới toàn bộ quy trình sản xuất”.

Trong khi tất cả các sản phẩm của họ đều có thể tái chế được, Kartell lại không sử dụng nhựa tái chế. “Các sản phẩm làm từ nhựa tái chế không đảm bảo chất lượng và sự hoàn hảo mà chúng tôi mong muốn cho sản phẩm của mình”, bà Luti giir thích. “Chất liệu thô phải nguyên chất để có thể đạt được quy trình chất lượng”.

Trong khi tất cả các sản phẩm của họ đều có thể tái chế được, Kartell lại không sử dụng nhựa tái chế khi sản xuất (ảnh: CNN)

Điều này đã làm gia tăng thêm vấn đề cho việc sử dụng nhựa trong thiết kế. Các thương hiệu nội thất thường gắn kết nhựa nguyên chất với sự xa xỉ; còn thiết kế bao bì coi nhựa mới đồng nghĩa với vệ sinh đảm bảo…

Một số nhà sản xuất đang cố gắng thay đổi những nhận định trên.

Kvadrat, nhà sản xuất vải đến từ Đan Mạch đã tạo ra loại vải Ace từ chất liệu nhựa polyester tái chế; trong khi đó, công ty sản xuất thảm Thụy Điển Bolon đã phát minh ra NoGlue, một loại chất kết dính thay thế cho loại keo khiến nhiều tấm lót sàn trước đây rơi vào tình trạng không thể tái chế.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nhua-la-vat-lieu-thiet-ke-cua-2018-nghich-ly-hay-loi-thoat-cho-moi-truong-364838.html