Như thế mới là đột phá!

“Hai ngày không trả lời, coi như đồng ý cấp phép kinh doanh”, đó là chỉ đạo mới đây của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến việc cấp đăng ký kinh doanh các ngành, nghề theo quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn TPHCM đang làm cho giới doanh nhân phấn khởi với một lời nhận xét: Như thế mới là đột phá; là tấm gương của thành phố “đầu tàu” kinh tế đất nước cho các địa phương khác noi theo.

Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thì trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND quận, huyện gửi văn bản đề nghị các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố có ý kiến để cấp phép. Cụ thể, văn bản gửi Sở Du lịch có ý kiến đối với ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch”. Sở Y tế có ý kiến đối với ngành, nghề kinh doanh “dịch vụ massage (xoa bóp)”. Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến đối với ngành, nghề “dịch vụ karaoke”, “vũ trường”. Sở Công Thương có ý kiến đối với ngành, nghề “kinh doanh, chiết nạp, tồn trữ khí dầu mỏ hóa lỏng LPG”, “sản xuất, bán buôn, bán lẻ hóa chất”. Kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, trong thời hạn 2 ngày làm việc, các sở nêu trên phải có ý kiến bằng văn bản, trong đó nêu rõ chấp thuận hay không chấp thuận cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký ngành, nghề trên.

Sau thời hạn này mà Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND quận, huyện không nhận được văn bản trả lời của các sở thì xem như đã chấp thuận, và Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận, huyện tiến hành cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Công Thương chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM

Không chỉ như vậy, tại cuộc họp mới đây của Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ông Trần Vĩnh Tuyến cũng đã yêu cầu người đứng đầu các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện phải thực hiện nghiêm thư xin lỗi khi để hồ sơ của người dân và doanh nghiệp trễ hẹn.

Sự thông thoáng nêu trên đối với việc làm thủ tục cấp giấy phép cho người dân và doanh nghiệp đã làm cho giới doanh nhân thấy việc làm của mình đã được chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm ủng hộ, nâng đỡ... khi họ bắt đầu “bước chân” vào thương trường. Đây chính là sự động viên khích lệ doanh nhân, để họ không còn phải bận tâm với những thủ tục hành chính phiền hà gây bức xúc như xưa.

Nhìn cách làm của cấp chính quyền TPHCM, chúng tôi thấy chạnh lòng khi nhớ chuyện cách đây chưa lâu, cũng trong chuyên mục này chúng tôi đã nhắc đến việc đổi tên người đại diện trên giấy phép kinh doanh của một doanh nghiệp ở Hà Nội. Thủ tục vô cùng đơn giản mà các nhân viên của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cũng “bắt” khách hàng phải đi lại rất nhiều lần mới xong. So sánh chuyện này với việc cấp giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện TPHCM thì sự thông thoáng ở đây quả là “một trời, một vực” mà các doanh nhân không tiện nói ra. Và cũng không ít lời nhận xét rằng: Nếu việc cấp giấy phép cho doanh nhân hành nghề ở các địa phương đều thông thoáng, dễ dàng như ở TPHCM thì mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 cả nước 1 triệu doanh nghiệp là điều có thể.

Huy Bình

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/nhu-the-moi-la-dot-pha-609417.bld