Như gió an lành

Tác giả Lưu Đình Long gọi bạn đọc của mình là những 'người thương' và sẻ chia với họ những tản văn chứa 'những gì thật thà và chân thành nhất'.

Tác giả tâm tình rằng: “Thong dong, thảnh thơi, nhẹ nhàng, tĩnh lặng… là những điều con người hiện đại thường thiếu… Tìm về những giá trị căn bản, tự thân chế tác là cách sống giúp mình bình ổn. Tôi nghĩ, yêu thương chính là chiếc chìa khóa để mở cửa quay về. Chỉ cần học cách thương yêu cho sâu sắc, thì tự nhiên mình sẽ biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận chứ không cưỡng cầu, trói buộc… Tự do, an lành như là gió!”.

Được sự đồng ý của tác giả Lưu Đình Long, Đồng Nai Cuối tuần xin giới thiệu hai tản văn trích từ cuốn sách mới Như gió an lành do Saigon Books vừa phát hành đầu tháng 6-2020.

* Niềm an vui vẫn luôn có thiệt

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”(1). Câu hát ấy quá quen và cũng trở thành lựa chọn sống, là điều nhiều người hướng tới.

Có người bảo, trong cõi đời này mà mỗi ngày ai cũng chọn được niềm vui thì cuộc sống nhân thế hẳn đã hoan hỉ hơn rất nhiều. Nói như thế bởi vì có rất nhiều người không thể chọn được một niềm vui (dù nhỏ), vì hoàn cảnh bó buộc. Và quan trọng hơn là vì họ chưa có kỹ năng để nhặt nhạnh những niềm vui trong hỗn độn những biểu hiện thường nhật.

Lưu Đình Long quê quán ở Quảng Nam, lập nghiệp tại TP.HCM và hiện là Phó thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ. Anh có các tác phẩm đã xuất bản như Lắng nghe hơi thở (NXB Trẻ, 2012), Tâm kinh mình thuyết cho mình (NXB Hồng Đức, 2014), Như mây thong dong (Saigon Books và NXB Văn hóa - văn nghệ, 2018) và Như gió an lành (Saigon Books và NXB Văn hóa - văn nghệ, 2020).

Đôi khi vì quá chú tâm vào những chuyện đại sự (như thay đổi thế giới chẳng hạn) mà người ta bỏ qua những chuyện vui nhỏ bên đời. Thực ra, khi chúng ta chưa thay đổi được bản thân với những ham muốn tầm thường, những sân si dễ khởi - vốn là tập khí lâu năm, thì khó có thể thay đổi được hoàn cảnh, càng khó có thể giúp ai đó thay đổi (theo hướng tốt).

Thay đổi bản thân bắt đầu từ ý niệm “muốn tốt lên” sẽ là bậc thềm để ta tiếp tục con đường chuyển hóa ý - khẩu - thân ứng với suy nghĩ, lời nói, hành động có chất liệu của tình thương và sự hiểu biết. Khi chúng ta thay đổi được mình theo câu truyền miệng: “Hơn thua so với chính mình/ Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua”, thì ta sẽ bắt đầu tập trung, kiểm soát được ý nghĩ, lời nói, hành động của mình.

Thói quen tạo nên tính cách. Hồi xưa mình rất nóng nảy, tham lam..., bây giờ mình phải thay đổi dần, rồi tính tình mình sẽ thiện lành, cư xử sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tâm thiện, ý lành, hành động tốt hoài, theo tháng năm, con người mình sẽ đẹp từ trong ra ngoài, sẽ tư duy tích cực hơn, biết nhìn vào những điều tốt để phấn đấu và trước tiên là phấn đấu giữ gìn chính mình, tìm cho được những niềm vui sống mỗi ngày. Đó là năng lượng giúp mình đi về phía trước, đi lên trên.

Thực ra, niềm vui đôi khi là bị rầy, bị quấy phá, vì nhờ vậy mà mình rèn được sự yêu thương, nhẫn nhịn. Cũng nhờ đó mà mình có dịp nhìn nhận sâu sắc để thấy rằng những người xấu ác ấy đáng thương biết nhường nào, vì họ không thấy con đường sáng để đi, họ cần được giúp đỡ để trở nên tốt đẹp lên chớ không phải cần bị trừng phạt để càng thêm sân hận...

* Chỉ cần lòng mình xanh lại

Vào đời, va vấp chuyện này chuyện kia, gặp người tốt, người xấu các kiểu, khiến ta bớt hồn nhiên, tăng nghi ngờ, sợ hãi. Điều này tưới tẩm những hạt giống phiền muộn nảy nở trong lòng ta.

Và lòng ta héo, héo queo...

Nên khi thấy ai đó làm điều gì đó tốt tốt, ta liền nghĩ: “Chắc có mưu đồ đánh bóng tên tuổi đây mà!”.

Thấy ai đó giàu lên, ta liên tưởng: “Chắc làm ăn bất chính hoặc phi pháp”.

Thấy ai giỏi, ta nghĩ chắc có “ô dù” nâng đỡ, hoặc viện dẫn lý do: “Hên mới được vậy”.

Thực ra, ngoài những điều chưa hay chưa đẹp nơi cuộc đời lấy bớt niềm tin của ta vào con người và cuộc sống, thì trong ta có nhiều ganh ghét, hờn tủi, tự ti hoặc tự cao, tự mãn... cũng là nguyên nhân khiến ta không mở lòng. Và vì thế, ta không chấp nhận được ai cả.

Theo đó, trước cái dở, ta lên án kịch liệt để cho thiên hạ thấy ta hay; trước cái xấu, ta chửi bới không thương tiếc hầu chứng minh cho mọi người biết ta là người tốt.

Trước cái tốt, ta nghi ngờ động cơ của người thực hiện; trước cái hay, ta không thừa nhận họ giỏi mà nghĩ rằng chỉ là do may mắn.

Còn trước cái dở của mình, ta biện bạch rằng: “Con người ai chẳng thế”, “Do tôi thiếu một chút may mắn”, “Tại mình sinh ra trong hoàn cảnh không bằng người”...

Lòng ta héo nên ta suy nghĩ tiêu cực. Và càng suy nghĩ theo cách ấy thì đến lúc nào đó, trái tim ta không chỉ héo mà còn khô luôn.

Con người, rốt cuộc ai cũng có những nỗi khổ và khó khăn riêng. Không ai giống ai, thế nên chúng ta cần học cách chấp nhận nhau, thừa nhận nhau, cảm thông cho nhau, động viên để vượt qua khó khăn lẫn cám dỗ. Vướng lại nơi niềm đau hay trụ trong thành tựu nào đó cũng làm cho ta loay hoay rồi chết chìm trong đó. Cái chính là suy nghĩ tích cực - xanh hóa lòng mình để không sống trong nỗi sợ hãi, ganh ghét - nguồn cơn của bạo động, oán cừu, chiến tranh, giết chóc...

Mở lòng đón nhận, tưới tẩm hạt giống thương yêu, hiểu biết là điều không khó, nếu mình thật muốn, chịu ngồi yên lại để thở, để ôm ấp từng cơn đau, cơn giận và chuyển hóa.

Gây tổn thương nơi người chính là cách gây tổn thương gấp bội nơi ta, theo luật nhân - quả, duyên sanh. Và như thế, tử tế theo nghĩa rộng là sống tốt - đẹp!

Lưu Đình Long

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202006/nhu-gio-an-lanh-3006905/