Như dòng sông âm thầm chảy mãi

Sinh thời Bác Hồ kính yêu thường căn dặn:'Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ'.

Thực hiện lời dạy của Người, 10 năm qua Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam đã có nhiều hoạt động tri ân, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Quân đội và các địa phương làm vơi đi nỗi đau mất mát của các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

Ghi sâu lời Bác, chung tay tri ân gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, thế mà đất nước vẫn còn khoảng hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được tên tuổi; rất nhiều gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH ở những vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về vật chất, tinh thần.

Với mục tiêu nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đẩy mạnh việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ khó khăn trong cuộc sống, 10 năm qua, Hội HTGĐLS Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Quân đội tri ân các gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH trên toàn quốc với số tiền lên tới hơn 80 tỷ đồng. Hội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tặng các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn 370 nhà tình nghĩa (mỗi nhà từ 50-70 triệu đồng); 1.449 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 5-30 triệu đồng); 317 suất học bổng cho con cháu liệt sĩ nghèo vượt khó (mỗi suất 2 triệu đồng); 21.000 suất quà (mỗi suất từ 500.000 đến 2 triệu đồng); tổ chức khám bệnh, cấp thuốc 15.914 lượt đối tượng chính sách.

 Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam tặng quà các gia đình chính sách trong tháng 12-2019.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam tặng quà các gia đình chính sách trong tháng 12-2019.

Để có kết quả trên, Hội đã triển khai và đưa ra hàng loạt các nội dung giải pháp để thực hiện, đó là: Chủ động tổ chức thực hiện xã hội hóa hoạt động tri ân liệt sĩ theo quan điểm của Đảng. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Phải coi đây là một cuộc vận động lớn, chúng ta là một tổ chức xã hội, không phải là cơ quan công quyền mà bắt ép họ được. Vì vậy phải kiên trì với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, nếu vận động chưa được thì cũng không sao, phải làm cho người ta hiểu để họ đồng hành cùng Hội”.

“Bài toán” hóc búa kinh phí từng bước được hóa giải. Tất cả nằm trong sức mạnh tập thể, một tập thể đoàn kết, tất cả vì việc nghĩa, vì đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc này, đất nước này thì rất dễ - đó là xã hội hóa. Vì tố chất “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã có sẵn trong dòng máu người Việt Nam. Và chỉ khi ta vận động, tuyên truyền đúng thì tố chất ấy sẽ trở thành nguồn lực cực kỳ to lớn. Nhưng xã hội hóa việc tri ân, điều trước tiên Hội phải minh bạch để cho các thành phần xã hội tin tưởng sự tài trợ được tới đúng đối tượng gia đình liệt sĩ. 10 năm qua, không thể tính hàng trăm mà phải kể đến hàng ngàn, hàng chục vạn tổ chức, cá nhân và nhân dân đồng hành cùng Hội để tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH. Có thể nói tới một số đơn vị tiêu biểu như: Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel); Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400… Và cụ thể hơn nữa là những người đã một lần tham gia “Chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ” hàng năm, dù chỉ 20.000 đồng một tin nhắn, nhưng thể hiện lòng biết ơn với liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, thể hiện nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa”.

Những kỷ niệm ấn tượng trong hành trình tri ân

Chúng tôi vẫn nhớ, năm 2017, đồng bào các dân tộc hai tỉnh Sơn La và Yên Bái nói chung, huyện Vân Hồ (Sơn La) và Văn Chấn (Yên Bái) nói riêng, đã trải qua cơn lũ khủng khiếp nhất trong lịch sử. Nhiều người và đồ dùng, nhà cửa, hoa màu, gia cầm, gia súc bị cuốn trôi, để lại hậu quả nặng nề mà phải mất rất nhiều năm nữa, bà con và các cấp chính quyền nơi đây mới khôi phục, hàn gắn được. Thông cảm với những đau thương, mất mát đó, Hội HTGĐLS Việt Nam đã vượt hàng trăm cây số để lên với các Mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ còn có hoàn cảnh khó khăn. Trên đường đi đến hai địa phương trên, chứng kiến những đoạn đường sạt lở vừa mới được khắc phục, những vết tích của đợt lũ còn sót lại, lòng chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.

Ở huyện Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi vui mừng gặp Mẹ VNAH Phạm Thị Cúc và Đinh Thị Hoàn. Mặc dù các mẹ đều đã ngoài 90 tuổi, song trí nhớ và sức khỏe còn khá tốt. Qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Văn Chấn có 1.060 liệt sĩ và 39 Mẹ VNAH, hiện đang còn 4 Mẹ. Trong buổi gặp mặt trao quà tặng Mẹ VNAH và thân nhân 50 gia đình liệt sĩ, ông Nguyễn Hùng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam đã phát biểu: “Trong buổi gặp mặt tình nghĩa này, với chút quà nhỏ, Hội HTGĐLS Việt Nam xin được gửi tới những người thân yêu của các liệt sĩ, đó là sự tri ân, là nén tâm nhang của những người đồng đội thắp lên để tỏ lòng biết ơn những người con ưu tú của dân tộc đã vì nước quên thân. Nghĩa cử này cũng là lời gửi gắm thế hệ hôm nay về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm đối với quá khứ. Món quà tuy nhỏ nhưng chắc sẽ làm thêm ấm lòng các gia đình liệt sĩ khi Tết đến, xuân về, nhất là khi địa phương và bà con vừa trải qua những cơn lũ lịch sử”.

Năm 2019, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019). Chúng tôi lên Hà Giang - Một trong những mặt trận vô cùng ác liệt năm xưa. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên hiện đang có 1.772 ngôi mộ, trong đó có một ngôi mộ tập thể, 286 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang vẫn chưa xác định được thông tin. Đồng hành cùng Hội HTGĐLS Việt Nam, Công ty Cổ phần truyền thông Rồng Việt đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang tổ chức Chương trình “Xuân Tri ân - 2019”. Mặc dù thời tiết mưa lạnh, nhưng đại biểu các gia đình liệt sĩ của 9 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đã có mặt từ rất sớm. Trong số các đại biểu, tôi gặp Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lan - Mẹ VNAH duy nhất của tỉnh hiện đang còn sống. Năm ấy mẹ đã 97 tuổi, nhưng còn thông tuệ và khỏe mạnh. Mẹ cho biết, nhà mẹ ở thôn Là Lá, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê. Mẹ có người con trai độc nhất là Tống Văn Khởi. Mười bảy tuổi, anh Khởi làm đơn tình nguyện vào bộ đội, năm 1972, anh Khởi hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên.

Trong hành trình hoạt động tri ân liệt sĩ, nhiều gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH đã coi Hội HTGDDLS Việt Nam như người nhà và những kỷ niệm ấy kể ra không hết. Hành trình hoạt động tri ân liệt sĩ với Hội ví như dòng sông đang ngày đêm âm thầm chảy mãi.

Bài, ảnh: LÊ KHÔI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nhu-dong-song-am-tham-chay-mai-635387