Nhu cầu và thực tế phát triển giải pháp IoT cho nông nghiệp Việt Nam

Những nông trại lớn sẽ có cơ hội triển khai tự động hóa IoT dễ dàng hơn, đồng thời đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch.

Kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tổng diện tích tự nhiên của cả nước là 33.123.077 ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp có diện tích là 27.302.206 ha, chiếm 82,43% tổng diện tích tự nhiên. Riêng nhóm đất chưa sử dụng có diện tích là 2.123.042 ha, chiếm 6,41% tổng diện tích tự nhiên cả nước, tiếp tục được đưa vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi rừng, khai thác đất bãi bồi ven biển…

Trong bối cảnh diện tích đất dành cho canh tác nông nghiệp ngày càng tăng, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM đã trình bày trình bày tham luận “Nhu cầu và thực tế phát triển giải pháp IoT cho nông nghiệp Việt Nam” tại buổi hội thảo Nông nghiệp Thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sáng ngày 8/12/2017.

Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM Vũ Anh Tuấn trình bày tham luận tại hội thảo.

Ông Vũ Anh Tuấn khẳng định để không còn bài toán “giải cứu nông sản”, sẽ cần phải xây dựng những nông trại hoặc cánh đồng lớn dễ triển khai tự động hóa với các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao để đạt năng suất cao hơn, đồng thời đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, với sự tiến bộ của công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao điều khiển tự động bằng IoT tùy theo chu kỳ sinh trưởng của thực vật và điều kiện môi trường sẽ giúp người nông dân không cần can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nhân lực, đồng thời có thể kết hợp trồng trọt chăn nuôi với nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, việc ứng dụng IoT vào quy trình canh tác nông nghiệp tự động còn hạn chế gần như không có lượng thức ăn thừa và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp dễ thương mại hóa hơn với chất lượng đảm bảo, truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hỗ trợ mua bán nhanh, hữu hiệu hơn.

Không chỉ thế, trong tương lai, với sự hỗ trợ của AI (trí thông minh nhân tạo), hệ thống canh tác tự động bằng IoT sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, phục vụ hữu ích hơn cho nền nông nghiệp nước nhà.

Trong phần trình bày, ông Vũ Anh Tuấn cũng giới thiệu dự án thực tế Trang trại DELCO (Hiệp Hòa, Bắc Giang) – nơi đã xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc và dự báo cho nông nghiệp thông minh, được điều khiển bằng hệ thống phần mềm giám sát.

Hoàng Kim

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2017/12/1253182/nhu-cau-va-thuc-te-phat-trien-giai-phap-iot-cho-nong-nghiep-viet-nam/