Nhu cầu tăng mạnh, Indonesia mở rộng đàn cừu và dê

Hiệp hội Nông dân nuôi dê và cừu Indonesia đã và đang phát triển các cụm trang trại để mở rộng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu.

 Cừu giống Garut là loài khỏe mạnh, thích nghi cao và phổ biến ở Tây Java.

Cừu giống Garut là loài khỏe mạnh, thích nghi cao và phổ biến ở Tây Java.

Yudi Guntara Noor, Chủ tịch của Hiệp hội Nông dân nuôi dê và cừu Indonesia, ước tính rằng mỗi năm cần giết mổ ít nhất 10 triệu con cừu và dê để đáp ứng nhu cầu địa phương. Một nửa trong số đó phục vụ lễ Aqiqah - ngày lễ chào mừng một em bé ra đời. Nửa còn lại dành cho dịch vụ ăn uống.

Lễ hội tôn giáo Qurban là một thị trường tăng cầu khác, cần khoảng 25 triệu con cừu và dê mỗi năm phục vụ nghi thức tôn giáo này.

Các nhà hàng chuyên phục vụ thực đơn thịt cừu và thịt dê ngày càng nhiều ở các thành phố lớn như Jakarta và Bandung. Thực đơn phổ biến nhất của họ là đùi cừu/dê nướng nặng 2-2,5kg dành cho 4-5 người. “Đây là một xu hướng tốt. Chúng tôi hy vọng ăn thịt cừu và thịt dê có thể là một phong cách sống mới”, ông Noor nói.

Thay thế thịt bò tại thị trường nội địa

Nhu cầu ngày càng tăng đối với thịt cừu và thịt dê ở thị trường nội địa chủ yếu phục vụ các sự kiện tôn giáo và ngành dịch vụ thực phẩm. Hiệp hội Nông dân nuôi dê và cừu Indonesia (gọi tắt là Hiệp hội) cũng muốn phổ biến thịt đỏ tới các đối tượng cuối cùng trong chuỗi tiêu dùng.

“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ sử dụng cừu và dê thay thế cho thịt bò", Chủ tịch Noor phát biểu.

Giá cả có thể là lý do đầu tiên để người tiêu dùng bắt đầu chọn cừu và dê để thay thế một phần thịt bò. Tại Indonesia, giá thịt cừu là 5,4 USD/kg (thân thịt), rẻ hơn giá thịt bò là 6,1 USD/kg. Trong khi đó, giá thịt cừu không xương chỉ ở mức 7,4 USD/kg, cũng thấp hơn nhiều so với giá thịt bò không xương - khoảng 8,4 USD/kg.

“Các loại thịt đều tốt cho sức khỏe. Hàm lượng cholesterol của thịt dê thấp hơn nhiều so với thịt bò. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải liên tục giáo dục người tiêu dùng cuối cùng rằng những loại thịt này là một lựa chọn tốt cho thịt bò và gia cầm”.

Thị trường xuất khẩu

Malaysia và Singapore là những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho cừu và dê sống của Indonesia. Hai quốc gia láng giềng này cần động vật sống dành cho lễ Aqiqah và lễ Qurban.

Hơn nữa, hai thị trường xuất khẩu có nhu cầu cừu và dê sống với trọng lượng con vật nhau - Malaysia và Singapore thích loại 30kg/con và 35 kg/con, trong khi Indonesia thích loại có trọng lượng thấp hơn 30kg. Do đó, điều này sẽ không làm gián đoạn nguồn cung cho các thị trường trong nước.

Hơn nữa, khoảng cách địa lý giữa Indonesia và hai nước còn lại cũng gần. Do đó, đây là hai thị trường tiềm năng rất lớn.

Tiềm năng thị trường xuất khẩu sang Malaysia khoảng 12.000 con/năm. Hiệp hội đã lên kế hoạch cho Kisaran ở Bắc Sumatra làm cơ sở nuôi và vỗ béo để xuất khẩu sang Bán đảo Mã Lai. Sau khi các con vật đạt được trọng lượng và số lượng vận chuyển mục tiêu, chúng sẽ được vận chuyển bằng đường biển đến Port Klang.

Đối với Sarawak, Hiệp hội dự định thành lập một cơ sở nuôi nhốt và vỗ béo ở Entikong ở Tây Kalimantan, những con vật này có thể được vận chuyển bằng xe tải qua biên giới.

Singapore là thị trường hấp dẫn không kém. Thị trường này cần khoảng 5.000 con cừu và dê mỗi lần mua, và tuổi phải lớn hơn một năm.

Một số yêu cầu để có thể xuất khẩu sang Singapore, trong đó truy xuất nguồn gốc là số một. Cơ quan Thực phẩm Singapore muốn biết nguồn gốc của các loài động vật, nơi chúng sinh ra và lớn lên.

Yêu cầu khác là an toàn sinh học, liên quan tới các tiêu chuẩn tại trang, bao gồm cả việc tiêm phòng và khử trùng.

Trong khi cố gắng đáp ứng các yêu cầu, hiệp hội đã chuẩn bị một chiến lược khác. Hiệp hội dự định thiết lập một cơ sở chăn nuôi và giết mổ ở đảo Batam (chỉ cách Singapore 32km). Người Hồi giáo ở Singapore có thể đến bất cứ lúc nào để thực hiện lễ Aqiqah trên đảo.

Hệ thống cụm

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước và khai thác thị trường xuất khẩu, nguồn cung dồi dào và liên tục là điều bắt buộc.

Vì điều đó, Hiệp hội đã và đang phát triển các cụm chăn nuôi cừu & dê ở đảo Java. Theo hệ thống này, những người nông dân được nhóm lại với nhau, được một quản lý và điều hành tốt, thống nhất các tiêu chuẩn về nhà ở, canh tác, cho ăn và bán hàng và tiếp thị. Mỗi cụm trung bình có 5.000 con cừu hoặc dê - ở Trung Java và Đông Java, các cụm này chủ yếu là những người chăn nuôi dê. Các cụm trên các đảo khác cũng sẽ được bắt đầu dần dần.

Hệ thống cụm thực chất là công nghiệp hóa dựa vào cộng đồng. Mục tiêu không chỉ là tăng số lượng đàn mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân. Thông qua hệ thống này, khả năng truy xuất nguồn gốc cũng dễ được thực hiện

Cừu và dê có thể sinh ba lần trong hai năm. Do đó, số lượng đàn mở rộng nhanh hơn gia súc.

Mở rộng đàn tốt nhất diễn ra trong mùa khô và vỗ béo diễn ra trong mùa mưa. Cách này có hiệu quả giảm chi phí chăn nuôi và vỗ béo. Điều này cũng giúp người tiêu dùng sẽ nhận được giá cả phải chăng hơn.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhu-cau-tang-manh-indonesia-mo-rong-dan-cuu-va-de-d289863.html